06/03/2005 06:09 GMT+7

Dấu ấn ca khúc Phạm Minh Tuấn

NGUYỄN PHÚ YÊN
NGUYỄN PHÚ YÊN

TTCN - Ca khúc Phạm Minh Tuấn, tác phẩm vừa xuất bản giới thiệu 113 bài hát, như một tổng kết chặng đường hơn 40 năm sáng tác của tác giả.

U4qg8iD0.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (1963)
TTCN - Ca khúc Phạm Minh Tuấn, tác phẩm vừa xuất bản giới thiệu 113 bài hát, như một tổng kết chặng đường hơn 40 năm sáng tác của tác giả.

Song từ khoảng bốn thập niên trước, các ca khúc đầu tiên của Phạm Minh Tuấn được phát đi từ Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói VN, đã gây dấu ấn trong lòng người nghe vì những đường nét riêng, ngày càng dày dặn và phong phú.

Thật ra ca khúc Phạm Minh Tuấn trước 1975 không nhiều, những bài hát ấy thường gắn với những sự kiện trong cuộc chiến đấu máu lửa. Phạm Minh Tuấn sáng tác từ rất sớm, bài hát đầu tay viết ở tuổi 15 – 16 nhưng phải đợi đến lúc vào Đoàn văn công Giải phóng, cảm hứng sáng tác dào dạt của chàng trai tuổi đôi mươi mới khơi nguồn cho những tác phẩm có tầm vóc hơn.

Trên dặm đường rong ruổi của cuộc kháng chiến, những tên làng tên đất, những cô gái bà mẹ, những giải phóng quân anh dũng, kiên cường… đã cho anh cảm xúc đậm đà để rồi từ đó thoát thai trở thành những bài ca nồng ấm tình người.

S3YfvvkX.jpgPhóng to
Đó là những nét chấm phá khắc họa cuộc sống gian lao của người chiến sĩ (Đường ta đi, Mở đường, Cuộc đời và tiếng hát…), với nét đẹp của những cô gái góp phần chiến đấu (Chuyển gạo, Hát về Mỹ Tho, Em đi về hướng bom rơi…) và hình ảnh quê hương trong khói lửa chiến tranh (Xuân về trên quê ta, Giọng hò trên sông Ba Lai…).

Các bài hát trong giai đoạn này minh chứng rằng anh đã là một nhạc sĩ có nghề trước khi anh vào học trường nhạc, không chỉ với chiều sâu nội tâm, tình cảm dạt dào được phô diễn mà còn với nghệ thuật viết ca khúc ngày càng chắc tay. Thật vậy, chỉ với Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn và nhất là Qua sông (giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu 1960 – 1965), Phạm Minh Tuấn đã tự khẳng định một cây bút xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng ở miền Nam.

* Người nghe dễ nhận ra trong âm nhạc của anh âm hưởng mạnh mẽ của tiếng nói người chiến sĩ. Thời trẻ của thế hệ đàn anh trước đây như Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Xuân Giao, Việt Lang, Phan Lạc Tuyên… thường có một chút gì đầy chất lãng mạn nồng thắm khi mới bước vào cuộc kháng chiến, còn anh thì sao?

- Mỗi nhạc sĩ đều có điều kiện lịch sử cụ thể của mình. Chính cuộc sống là nguồn sáng tạo lớn. Âm nhạc trước 1945 có dấu ấn riêng của thời kỳ đó. Người nhạc sĩ thể hiện lòng yêu nước nhưng lòng yêu nước đó gắn liền với cái tôi tràn ngập nỗi niềm, trong đó tình yêu đôi lứa là chủ yếu. Song cuộc kháng chiến từ 1945 - 1975 con đường đi đã rõ hơn, cái tôi gắn liền với cái chúng ta, không còn cái tôi riêng lẻ mà ta đi về với tất cả chúng ta.

Phạm Minh Tuấn viết nhiều thể loại âm nhạc: nhạc không lời, nhạc phim, nhạc nền sân khấu, nhạc thiếu nhi…, song nổi bật hơn cả là ca khúc. Sau năm 1975, tác phẩm của anh thường là ký ức về một thời bi hùng của tuổi trẻ VN. Anh tiếp tục rong ruổi trên nhiều nẻo đường đất nước: đến Long An, Hậu Giang, Cà Mau rồi lên Tây nguyên, Lâm Đồng, ra Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội…; mỗi nơi đi qua đều để lại dấu tích trong tác phẩm; không chỉ là cảm xúc đọng lại mà còn thể hiện cả những đường nét cơ bản của ngôn ngữ âm nhạc của vùng đất. Viết về Hậu Giang đằm thắm chất Nam bộ, viết về nàng Hơ Giang làm rẫy rạo rực chất Tây nguyên, còn viết về cô gái Mường là âm điệu Tây Bắc khoáng đạt…

Song quan trọng nhất là phong cách sáng tạo của Phạm Minh Tuấn. Trong hòa bình anh có khoảng lùi thời gian để lắng sâu cảm xúc, nên giọng điệu ca khúc giờ đây trữ tình và mềm mại hơn. Hãy nghe Em ơi mùa xuân, Hà Nội ơi thầm hát trong tôi, Tình khúc mùa xuân…; ngay cả trong Rừng gọi, bài hát viết về chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, cũng vậy.

Chủ đề âm nhạc của anh mở rộng hơn, anh xông vào nhiều khía cạnh của cuộc đời muôn mặt: Tiếng hát em tôi, Tình yêu Giồng Riềng, Lối nhỏ vào đời, Duyên Hải biển quê tôi, Nhớ em… Và đặc biệt là các tác phẩm mang tính tự sự, đầy chất suy tư triết lý như Bài ca không quên, Mùa xuân, Khát vọng, Đất nước, Tình khúc thiên thu, Số phận

* Người nghệ sĩ không thể quên số phận con người. Sau bao bước chân đi qua chiến tranh, dường như anh đã trở về với chủ đề vĩnh cửu trên?

- Số phận con người là trung tâm sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Với tôi, số phận ấy không tách khỏi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù hoàn cảnh nào, dù số phận con người có thăng trầm thì con người, nhân vật trung tâm, vẫn phải hướng đến chân, thiện, mỹ.

* Nhìn lại chặng đường hoạt động âm nhạc, anh thấy tâm đắc với tác phẩm nào?

- Mỗi nghệ sĩ đều có hoài bão của mình. Cũng khó nói đến tác phẩm tâm đắc, nhưng dù sao cũng phải kể đến các ca khúc như Qua sông, Bài ca không quên, Đất nước, Khát vọng, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Dấu chân phía trước

Phạm Minh Tuấn bảo rằng con đường sáng tạo với anh vẫn còn ở phía trước. Người viết ca khúc ấy vẫn bền bỉ với khát vọng như anh từng mơ ước: Mai ngày ta khuất sẽ dâng người tình khúc thiên thu.

NGUYỄN PHÚ YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên