25/10/2015 06:30 GMT+7

Đặt hàng triệu hồ mini trong nhà dân, dân nghĩ sao?

TR.D tổng hợp
TR.D tổng hợp

TTO - Dự án xây hồ chống ngập do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đề xuất tiếp tục nhận được nhiều góp ý của người dân.

Người dân khổ sở lội nước ngập dưới cơn mưa lớn trên đường Kinh Dương Vương, TP.HCM - Ảnh: THANH TÙNG

Trong số hơn 640 ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn), đa số phản đối, một số ủng hộ. Có những ý kiến gửi về tích cực hơn khi đưa ra những hiến kế.

Có nhất thiết phải đặt hồ mini trong nhà dân không? Làm cách nào để ý tưởng này khả thi? Ở các quốc gia khác họ làm như thế nào?... đây là những vấn đề mà bạn đọc tiếp tục đặt ra.

Đặt hồ mini trong nhà dân: khó khả thi

Không chỉ là vấn đề TP.HCM phần đông là nhà phố, lấy diện tích ở đâu để xây, xây như thế nào, nhiều bạn đọc còn bày tỏ sự lo lắng trước những nguy cơ tiềm ẩn của hồ chứa nước trong nhà.

Trong đó, theo bạn đọc tên Khanh, nếu làm hồ trong nhà thì mỗi gia đình ít nhất phải cắt một người luôn ở nhà để lo việc điều tiết nước, bởi nếu không làm như vậy có ngày nước đầy mà không xả sẽ gây sập nhà hoặc tràn ngập đầy nhà.

Còn bạn đọc Hà Duy lo xa hơn: “Xây hồ chống ngập, mai mốt lại đi chống muỗi và dịch vụ công ích có thêm việc nạo vét hồ. Dân lại khổ nữa rồi!”.

Về tính khả thi của dự án, bạn đọc Anh Ba Khía mỉa mai: “Tôi đề nghị cấp thêm kinh phí cho mấy ông đưa ra đề xuất này sang Tokyo, Nhật Bản để tìm hiểu hệ thống ngầm chống ngập nước của thành phố này”.

Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, dẫu biết rằng dự án này có thể gây phiền toái, tốn kém cho người dân, nhưng trước tình cảnh "nước đã đến chân" như hiện nay nếu không xắn tay vào thực hiện sẽ không còn con đường nào khác. 

"Nói chung làm được bao nhiêu thì làm, còn hơn là chả làm gì!"
Vạn Hưng

Về ý này, bạn đọc tên Hay viết: "Thà chậm còn hơn không. Sài Gòn ngày xưa mưa nhiều và lớn hơn bây giờ, nhưng không tệ như bây giờ. Xây hồ để lập chỗ tiêu thoát nước cũng có cái hay, vừa chống ngập, vừa có hồ nhân tạo làm cảnh quan cho TP và giúp TP bớt nóng vào mùa hè".

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác

Không chỉ mong muốn kêu gọi mọi người cùng xắn tay làm, nhiều bạn đọc đã đưa ra mô hình ở các quốc gia khác khi làm thành công những dự án xây hồ chống ngập tương tự.

Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cung cấp

Bạn đọc K Nguyễn viết: “Ở Úc người ta đã áp dụng vào luật, nhà xây dựng phải có bể nước mưa cung cấp tưới vườn và xối bồn cầu cho những khu dân cư mới. Việc làm này khá thành công khi tiết kiệm nước và điều tiết giảm ngập lụt trong khu đô thị...”.

Bạn đọc Khanh Mỹ Hiệp bổ sung: “Amsterdam của Hà Lan là một thành phố thấp hơn mặt nước biển, nhưng không bao giờ ngập là nhờ hệ thống kênh, mương dọc theo các tuyến đường. Thành phố ta nếu tận dụng diện tích vỉa hè để làm mương thoát nước ngầm, tôi nghĩ việc này trong tầm tay của thành phố”.

Dân bỏ việc vì mưa ngập nhà
Mời bạn xem clip "Dân bỏ việc vì mưa ngập nhà" do Phòng truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Không cần học hỏi đâu xa, bạn đọc Hanh Tran đề nghị các cơ quan chống ngập TP.HCM nên tham khảo cách làm của Công ty Coca - Cola Việt Nam khi 18 năm trước đầu tư vào Việt Nam họ đã đầu tư hệ thống ống cống 3M * 3M để thoát nước thay kênh. Theo bạn đọc này, cách làm trên vừa tiết kiệm đất, vừa thoát nước dễ dàng và nếu TP.HCM làm ống cống như vậy ở vỉa hè hoặc lòng đường thì tuyệt vời.

Giải pháp hiện tại cho TP.HCM

Theo nhiều bạn đọc, thay vì dự án này quy hoạch hệ thống hồ điều tiết của TP chia làm hai loại: 1-xây loại hồ điều tiết có kích cỡ lớn vài trăm hecta; 2- xây loại còn lại là những hồ có diện tích nhỏ, vài ngàn mét vuông hoặc thậm chí chỉ là bể chứa được 1 - 2m3, để tìm giải pháp dung hòa phù hợp với TP.HCM, nhiều bạn đọc đề nghị trước mắt nên tập trung làm hồ nơi công cộng như sân vận động, công viên, thậm chí là ở vỉa hè.

Bạn đọc nick name HKV đề xuất: "Nên chăng làm hồ chứa theo cụm dân cư, hồ chứa tại các trường học, bệnh viện, công viên? Và một giải pháp mà TP đang làm là tiếp tục khơi thông lại kênh rạch, cống rãnh đang bị san lấp do làm đường, làm nhà. Q.2, Q.Thủ Đức trước đây nhiều ao hồ, đất ruộng...".

Ủng hộ cách làm này, bạn đọc nick name Khanh Mỹ Hiệp hiến kế: “Tận dụng diện tích vỉa hè, đào thành hầm chứa và đó cũng là mương thoát nước, sau đó trên mặt sẽ đổ một tấm sàn bêtông, trả lại diện tích vỉa hè như cũ. Theo tôi nghĩ, biện pháp này khả thi hơn và không cần vận động người dân phải tự xử”.

Tương tự, bạn đọc Vietnhat viết: “Còn rất nhiều chỗ trống sao không làm lại làm trong nhà dân? Vỉa hè, công viên, các loại sân bóng đá, sân gôn, các bãi cỏ sân bay Tân Sơn Nhất, các bồn hoa vòng xoay. Tất cả hãy đào sâu xuống khoảng 10m thành giếng, hồ dài, xây dựng bằng bêtông cốt thép chắc chắn”.

Trong khi đó, bạn đọc Đặng Quang Dương bổ sung: "Đây là kế hoạch cần sự phối hợp liên hoàn, nên càng nhiều người quan tâm thì mới có hiệu quả. Để nhiều người hiểu và quan tâm ủng hộ, theo tôi, Nhà nước nên tuyên truyền, hỗ trợ (kinh phí, kỹ thuật, vật liệu, thiết kế...) phù hợp cho đầu tư...".

Bạn có bao giờ bị cảnh nước ngập đến đầu gối sau một cơn mưa lớn? Theo bạn, giải pháp xây hồ chống ngập nước của TP.HCM liệu có khả thi? Làm thế nào để giúp TP.HCM bớt cảnh ngập lụt?

Hãy chia sẻ với chúng tôi ý kiến của bạn qua mục BÌNH LUẬN dưới đây hoặc gởi đến e-mail: tto@tuoitre.com.vn. Xin cảm ơn!  

 

TR.D tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên