23/08/2017 07:30 GMT+7

Đảo địa ngục của Song Yoong-ki - mãn nhãn nhưng vô cảm

NGUYỄN TUẤN
NGUYỄN TUẤN

TTO - Phim có đề tài chiến tranh, tuy nhiên, The Battleship Island cổ suý chủ nghĩa dân tộc cực đoan nên không mang đến ý nghĩa phản chiến như hầu hết các bộ phim chiến tranh khác của điện ảnh thế giới.

Kinh phí đầu tư cho The Battleship Island rất lớn, lên đến 25 triệu đô-la.

Do không thể ghi hình trực tiếp tại Hashima, hãng CJ Entertainment phải tạo ra phim trường giả rộng bằng 2/3 hòn đảo, có diện tích lên tới 66.000 m2 ở Chuncheon tỉnh Gwangwon…

Nhờ vậy, yếu tố chân thực được đảm bảo và gây hiệu ứng rất tốt về mặt thị giác.

Có thể nói The Battleship Island ngoài sự tàn khốc, không hề mang đến sự nhân văn cần thiết để phô bày tội ác chiến tranh một cách khéo léo mà chỉ cho thấy dường như hệ luỵ của chiến tranh thế giới thứ 2, chưa bao giờ chấm dứt.

Có thể nói The Battleship Island của đạo diễn Seung-wan Ryoo là một phim kích động lòng thù hận hòng mong muốn bom tấn đắt tiền này sẽ tạo ra cú hích cực mạnh ở phòng vé.

Nhưng nó đã thất bại ngay tại xứ Hàn (doanh thu không hoà vốn) vì sự mô phạm, đạo đức giả, và những điều quá phi lý và phi nhân đạo được thể hiện trên phim.

So Ji-Seob trong vai tay giang hồ giàu tình cảm
So Ji-Seob trong vai tay giang hồ giàu tình cảm

Phim chiến tranh cần gì?

Chúng ta dù bản thân chưa trải qua chiến tranh, nhưng đều có thể hình dung sự khốc liệt, tàn bạo và vô nhân tính của nó nhờ phim tài liệu, sách vở.

Chính vì vậy, không ai cần xem một bộ phim chiến tranh chỉ để nhìn thấy máu, và sự vô nhân tính. Cái mà một bộ phim chiến tranh hấp dẫn chính là sợi dây phản chiến mà đạo diễn dùng sức mạnh của hình ảnh để truyền tải và giúp khán giả có cái nhìn nhân bản vào mỗi cuộc chiến. 

Có thể ví dụ ở nhiều tác phẩm như:

- Sự vô nghĩa của chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn mà Francis Coppola đặt trong Apocalypse Now.

- Chấn thương tâm lý của người lính khi trở về nhà trong The Deer Hunter của Michael Cimino.

 - Bi kịch của những đứa trẻ vì chiến tranh như Grave of the Fireflies của đạo diễn Nhật Isao Takahata.

- Tình cha con tuyệt vời trong tác phẩm kinh hoàng về trại tập trung của phát xít Đức ở Son of Saul

Điều làm một bộ phim chiến tranh có giá trị chính là sự nhân bản. Sẽ thật vô nghĩa nếu chỉ trưng lên màn ảnh sự khủng khiếp với máu và khổ đau.

Điện ảnh với thế mạnh ở việc mang yếu tố tự sự bằng hình ảnh đến trực diện trước khán giả, nên với chủ đề chiến tranh, sự khéo léo của đạo diễn chính là việc ở cõi địa ngục của chiến tranh, con người luôn tìm thấy hy vọng sống.

Nhưng The Battleship Island không làm được.

Nhân vật hai cha con là điểm sáng nhất của bộ phim
Nhân vật hai cha con là điểm sáng nhất của bộ phim

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm yếu bộ phim

The Battleship Island kể một câu chuyện dựa theo sự kiện có thật trong lịch sử về đảo Hashima (hay còn gọi đảo chiến hạm do hình hài của hòn đảo rất giống một chiến hạm) là nơi người Nhật bóc lột người Hàn đến tận xương tuỷ khi bắt đàn ông khai thác than, còn phụ nữ làm gái điếm.

Sức nặng của câu chuyện đã làm bộ phim sa đà vào việc kể lể tội ác cộng thêm vài yếu tố đậm chất truyền hình Hàn Quốc hòng lấy nước mắt khán giả đã làm yếu các nhân vật, không bật lên được thông điệp phản chiến cần thiết mà chỉ kích động lòng hận thù với quá khứ vốn đi qua rất lâu rồi.

Nhân vật chính của phim không phải hai “hotboy” đến từ xứ Hàn Joong-ki Song và Ji-seob So, mà là hai cha con trong ban nhạc Lee Kang-ok do Jung-min Hwang và Su-an Kim thủ vai.

Đó là những người coi sự sống sót quan trọng hơn hết.

Họ sẵn sàng thuộc nhạc Nhật, chơi nhạc cho người Nhật để qua cơn hoạn nạn. Chính vì vậy, dù bị lừa đưa đến đảo Địa ngục, nhưng hai cha con vẫn có thể sống tốt bằng sự khôn ngoan, tình yêu dành cho nhau và sự hài hước vô cùng đặc sắc.

Hai diễn viên một lớn một bé khuấy đảo bộ phim với sự vui tươi và tài trí. Do đó, những vai diễn khác như tay giang hồ giàu tình cảm do So Ji-seob thủ vai, hay người lính Triều Tiêu được cài vào để cứu một yếu nhân đang bị quân Nhật giam giữ (vai của Song Joong-ki) đều rất ít đất diễn và hời hợt.

Tham vọng kể câu chuyện về 400 con người cố gắng tìm kiếm sống sót, tuy nhiên, ngoài màn trình diễn vô cùng xuất sắc của hai bố con ban nhạc Lee Kang-ok, phim bỏ quên yếu tố tình người, sự gắn kết và thiếu một điểm nhìn nhân văn.

Cảm giác các diễn viên gồng mình lên để cố lấy được nhiều nước mắt và sự xót thương từ khán giả. 

Cách đạo diễn Seung-wan Ryoo cố gắng đẩy mạnh yếu tố bi kịch, gồm việc mô tả sự tàn ác, và sự tận cùng cực khổ mang đến hiệu ứng ngược.

Bộ phim thiếu cảm xúc và vô cảm.

Có lẽ đấy chính là lý do mà dù là một phim bom tấn của điện ảnh Hàn nhưng lại bị chính người Hàn thờ ơ....

Chiến tranh đã lùi xa, đây là thời điểm những đau thương đã qua cần được hàn gắn lại. Nên những bộ phim kích động thù hằn là điều rất khó chấp nhận.

NGUYỄN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên