24/04/2016 11:07 GMT+7

Phim về chiến tranh: nghiệt ngã, tàn bạo, khao khát sống và yêu

MINH ĐỨC
MINH ĐỨC

TTO - 70 năm sau Thế chiến thứ hai, điện ảnh vẫn chưa hết thôi miên người xem vào trận bĩ cực của thảm họa diệt vong.

Son of Saul - phim đầu tay của tác giả László Nemes - Ảnh: Mozinet
Son of Saul - phim đầu tay của tác giả László Nemes - Ảnh: Mozinet

Ba tác phẩm đến từ Hungary, Đức và Anh pha loãng nỗi đau chết chóc và sự mất mát, nhưng bức tranh tàn bạo của chiến tranh vẫn làm rùng mình khán giả hôm nay.

Nhắc đến phim chiến tranh, người ta thường chỉ nghĩ tới môtip đại cảnh hoành tráng, những trận huyết đấu bi hùng, dòng người la hét giành giật tự do. Khác hẳn điều đó, Son of Saul, Phoenix và Suite Française đều tập trung khai thác các dao động chảy trong mỗi con người thời chiến.

Ở đó không có máu đổ đầu rơi, những trận nổ bom có giá trăm triệu USD. Ở đó không có thảm cảnh dưới con mắt I-Max hay 3D.

Trong mỗi con người là mạch sóng ngầm

Hình ảnh người cha chứng kiến thi thể con trai mình bị kéo lê dưới sàn ximăng nhuốm đầy máu trong Son of Saul (Con trai của Saul) khiến bạn đau đớn.

Saul là một trong hàng trăm tù nhân lao động khổ sai của trại tập trung Auschwitz, nơi chất đầy thi thể (từ trẻ em đến người già) sắp sửa đem đi hỏa thiêu. Giữa hỗn độn mùi xà phòng, chất tẩy rửa, ngổn ngang thân thể trần truồng, Saul nhận ra con trai mình thoi thóp và ướt át dưới sàn.

Anh muốn chôn cất đứa trẻ bé bỏng thay vì để cho đám bác sĩ mổ bụng, lấy nội tạng rồi hỏa thiêu. Nhưng Saul lựa chọn thế nào? Vì muốn bảo vệ thân thể nguyên vẹn của đứa con ruột thịt, Saul chấp nhận một cuộc chiến kinh khủng khác có thể giết chết anh và đồng loại...

Một cảnh trong phim Phoenix - Ảnh: IFC Films
Một cảnh trong phim Phoenix - Ảnh: IFC Films

Ám ảnh không kém, trong Phoenix, tình nghĩa vợ chồng bị xóa bỏ khi ranh giới sống chết khiến kẻ từng đầu ấp tay gối trở thành kẻ bội ước. Johnny chơi đàn cho vợ - Nelly Lenz hát trong phòng trà mỗi đêm.

Do sợ liên lụy vì danh phận Do Thái của Nelly, Johnny bí mật ly hôn và đẩy vợ vào tay Đức quốc xã, sống chết bỏ mặc. May thay, Nelly sống sót với dung mạo khác biệt sau phẫu thuật do tai nạn.

Trở lại Berlin, cô cay đắng nhận ra sự thật đằng sau tình yêu giả dối, tiếng đàn ca hát xướng trước giờ ly tán chỉ tô điểm thêm cho nỗi đau.

Không đem đến xác chết, máu, những hình ảnh ghê rợn, di chứng chiến tranh nằm ngay trên khuôn mặt của Nelly, kẻ sống sót khốn khổ sau nạn diệt chủng.

Không trực tiếp đặc tả nguồn cơn rạn nứt, Suite Française cho thấy vẻ yếu đuối của con người trước bão tố. Một người vợ, không thể che giấu cô đơn khi chồng đi trận, sẵn sàng trao tim mình cho kẻ thù - một sĩ quan đã có vợ.

Họ tìm đến nhau giữa bối cảnh loạn lạc, thời cuộc đảo điên, những rào cản đạo đức, thân phận. Nhưng Lucille rất đàn bà, sau tất cả dày vò nàng nhận ra tình yêu chưa bao giờ có lỗi. Lỗi nằm ở chiến tranh.

Mưu cầu hạnh phúc ở đâu cũng có, trong một cuộc chiến người ta còn khao khát sống và yêu hơn ai hết.

Phim Suite Française của Anh - Ảnh: Variety
Phim Suite Française của Anh - Ảnh: Variety

 

Có một nơi không phải Hollywood

Ban đầu dự án Suite Française của Anh sặc mùi bom tấn, với câu chuyện chấn động về tác giả Irène Némirovsky bị bắn chết tại Auschwitz năm 1942 khi đang viết dang dở cuốn tiểu thuyết cùng tên.

Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi, vốn đầu tư cho phim phần lớn đến từ các hãng sản xuất nhỏ, tổng kinh phí khoảng 20 triệu USD, bằng 1/4 các phim chiến tranh khác.

Đạo diễn Saul Dibb cũng không phải tên tuổi cộm cán, song nhờ kinh nghiệm làm phim cổ trang, anh mang hồn thơ, tính tâm linh vào các cảnh quay. Nhiều người ví Suite Française năm 2015 mang cái tứ của Tâm trạng khi yêu năm 2000 - một thứ tình yêu vụng dại, không lời qua tài năng và vẻ ăn ảnh của Michelle Williams và Matthias Schoenaerts.

Phải thông qua Hãng phát hành độc lập IFC Films, công chúng mới được dịp thưởng thức Phoenix - một phim Đức thuần khiết của bộ đôi Christian Petzold và Nina Hoss. Sau bốn lần hợp tác, từng gây tiếng vang khắp châu Âu, tên tuổi họ được ví như Woody Allen và Scarlett Johansson ở Hollywood.

Dựa một phần nguyên tác Trở về từ tro tàn của Hubert Monteilhet năm 1961, phim mang yếu tố hình sự, rất duy mỹ về hình ảnh, lồng trong bối cảnh Brandenburg cổ kính cùng phần âm nhạc kinh điển, khiến Viện Phê bình phim quốc gia (Mỹ) chọn là một trong năm phim nước ngoài hay nhất năm 2015. Tờ The A.V. Club không quên ca ngợi Christian Petzold chấm phá nét mới trong chất liệu tương đối kinh điển.

Riêng với Son of Saul, ở tuổi 39 đạo diễn László Nemes của Hungary đã càn quét tất cả giải thưởng lớn từ châu Âu (Grand Prix ở Cannes), đến Anh (Giải BAFTA) và Mỹ (Giải Oscar). Anh mạnh dạn dùng máy quay bằng phim 35mm có ống kính góc rộng 40mm, khung hình đạt chuẩn 1.375:1.

Quá trình dựng từ bản phim 35mm vất vả hơn nhiều so với máy quay kỹ thuật số ngày nay, nhưng ngược lại cho chất lượng hình có độ sâu trường phim chú trọng long-take cận cảnh (cú máy dài, không cắt cảnh) theo sau gáy nhân vật chính, tạo độ chân thực như thể loại giả tài liệu mà nhiều tác gia châu Âu hay sử dụng.

Dài 107 phút, Son of Saul có tiết tấu không ngừng. László Nemes không khoan nhượng trong mọi hoàn cảnh lâm li bi đát, khiến bộ phim tưởng chừng khô khốc, lạnh teo trở nên hấp dẫn một cách chân thật.

Nếu so với sự hào nhoáng của Hollywood thì Son of Saul chẳng có gì ngoài nỗi đau rất đau vì nó thật, từ cái bẩn thỉu đến cái gian ác.

Sau 70 năm tính từ cuộc chiến, người ta mong chờ một phim chiến tranh tối giản, như lời nhà sử học Georges Didi-Huberman, thay vì đặt nặng bom đạn, các đại cảnh hoành tráng, mô tả độ kinh khủng của lịch sử thông qua kỹ xảo mỗi khi nhắc về phim chiến tranh. Để chiến tranh, dù khai thác dưới góc độ nào, vẫn hiện ra với tất cả sự nghiệt ngã và tàn bạo như vốn có.

*Xem trailer Son of Saul

MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên