Phóng to |
Đoàn làm phim Hà Nội, Hà Nội (Bùi Tuấn Dũng ngồi giữa, bìa phải là đạo diễn Lý Vỹ) |
* Được làm liền ba phim trong hai năm, đó là do may mắn, do thành công của các phim đã làm hay do anh “tiếp thị” giỏi?
- Có lẽ do may mắn. Phim đầu tiên Đường thư (Hãng Phim truyện Việt Nam) là một phim chiến tranh, đạo diễn khác chê không làm, tôi nhận. May là không bị “chê rát mặt”. Phim thứ hai thì tôi được mời đích danh.
Ông Hà Phạm Phú, giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn, một hãng phim có nhiều kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc, mời tôi làm đồng đạo diễn phim Hà Nội, Hà Nội với Lý Vỹ, một đạo diễn khá tên tuổi của Hãng phim Vân Nam. Ông Phú không biết tôi là ai, chỉ xem phim của tôi rồi mời thôi. Phim thứ ba này, Vũ điệu tử thần (cũng Hãng Phim truyện Việt Nam), mới là phim thật sự “của tôi”.
* Làm phim hợp tác khác với “phim nhà” thế nào?
- Thú thật là không thoải mái lắm. Phim hợp tác, yếu tố giao lưu văn hóa được chú trọng hơn nên những gì thuộc về khai thác tâm lý, tạo “epphê” đều phải “nhường một tí”. Tôi mới hơn 30, ông Lý Vỹ hơn 50, cách nhìn về cuộc sống và tình yêu khác nhau khá nhiều. Ông ấy là đạo diễn 1, tôi chỉ là đạo diễn 2.
Ông ấy nhiều kinh nghiệm và uy tín hơn tôi nên trong lúc làm việc, khi không thống nhất được với nhau thì chắc chắn ý kiến của ông ấy sẽ có trọng lượng hơn. Bù lại cũng học được nhiều: phim được đầu tư nhiều hơn (6 tỉ đồng, gấp năm lần một phim bình thường ở VN) nên có nhiều thuận lợi hơn về mọi thứ, đặc biệt là khâu chuẩn bị tâm lý cho diễn viên trước khi quay.
Phim VN bình thường làm sao tôi có thể giấu diễn viên đi đâu chừng hai tuần để cho anh (cô) ta đọc thật kỹ kịch bản và “vun xới cảm xúc” được. Nói chung là học thêm được khá nhiều bài học về sự chuyên nghiệp từ một anh bạn sát vách.
* Những người trong nghề đọc kịch bản Vũ điệu tử thần đều thống nhất là rất hấp dẫn, thậm chí hơi mang màu sắc Hollywood. Từ đâu anh có ý tưởng về một bộ phim trinh thám VN như vậy?
- Suốt hai năm 2002-2003, tôi vào Sài Gòn làm phó cho chú Long Vân trong phim Giải phóng Sài Gòn. Phim quay chậm lắm, chơi dài nên tôi hay la cà quán bar, cà phê. Cũng thời gian ấy, tôi có người họ hàng làm công an, được biệt phái vào Sài Gòn cùng ban chuyên án làm vụ Năm Cam. Ông cho tôi biết khá nhiều về một loại ma túy tổng hợp rất mới và rất nguy hiểm tên là freelay.
Tôi ngồi hình dung ra một câu chuyện, dán ba cái tên nhân vật chính lên màn hình máy tính và bắt đầu viết. Vậy là có Vũ điệu tử thần. Tôi viết say sưa lắm, vừa viết vừa... tự hồi hộp với chính mình, vì bản thân tôi cũng không hình dung được nhân vật sẽ hành động tiếp theo như thế nào. Có lẽ vì vậy mà kịch bản có vẻ hấp dẫn. Tôi “giấu” nhân vật tốt đấy chứ, đến tận phút cuối mọi người mới biết kết cục và thủ phạm, đúng không?
* Cùng với lời khen là nhận xét: “Tây quá!”, nhất là về ngôn ngữ. Anh có vẻ bị ảnh hưởng khá nặng từ các khóa học mà anh đã theo ở nước ngoài. Anh có ý thức được điều đó không?
Phóng to |
Một cảnh trong phim Hà Nội, Hà Nội |
Mọi người có để ý đến hiệu ứng của quả nổ trong phim Đường thư không? Tôi cam đoan là nó khá hơn tất cả các phim VN khác, dù tiền không nhiều, thậm chí ít hơn, đó là do chúng tôi áp dụng những công nghệ hiện đại vừa được học, chứ không phải mọi người kém hơn hoặc chúng tôi tài giỏi gì. Với điện ảnh, vốn là một công nghệ, tôi thấy “Tây” chả có gì đáng chê, chỉ có điều thoại trong phim mà Tây quá thì quả thật “có vấn đề”. Tôi sẽ cố hết sức để dọn dẹp nó.
* Phim mới của anh sẽ có khá nhiều nhân vật thú vị, nhiều hành động mang màu sắc trinh thám nhưng cũng có vẻ “quá tầm” với diễn viên VN vốn chỉ quen với các vai ở dạng “sống chậm”, nhiều tâm trạng, buồn thương, hoài niệm... Anh đã tính đến phương án diễn viên chưa? Cố tìm người như ý hay sẽ “gọt chân cho vừa giày”?
- Tôi đã nghĩ đến trong đầu. VN nói chung không có phim trinh thám - trừ một phim là Ván bài lật ngửa, và do vậy cũng không có “người hùng hành động” nên quả là khó khăn cho tôi. Người đàn ông đích thực trong phim làm tôi nghĩ đến Hoàng Hải - anh chàng thầy thuốc kiêm võ sư trong phim truyền hình Đường đời. Nữ nhân vật chính, một cô vũ nữ, đã được nhắm đến Linh Nga, một diễn viên múa khá nổi tiếng.
Cô ấy đang học đạo diễn điện ảnh và vì vậy chúng tôi dễ dàng nói chuyện với nhau hơn. Hai vai nam khác, tôi đang thích thú với Đức Khuê và phân vân xem có nên đánh tiếng với Lê Vũ Long hay không? Một vai quan trọng khác: chàng bác sĩ tâm lý, tôi chưa hình dung được sẽ là ai.
Tôi thích diễn viên phải có một khuôn mặt giữ được bí mật ý đồ của tôi chứ không phải vừa ló mặt lên màn ảnh là khán giả đã “à” lên một cách dễ dãi và chán nản. Tôi làm phim trinh thám chứ không làm phim kiểu Cảnh sát hình sự, kể lại một vụ án đã biết rõ thủ phạm và minh họa quá trình điều tra của công an.
* Trong phim của anh, nhân vật sẽ chỉ hành động và hành động, không còn lúc nào mà nghĩ chứ đừng nói đến hồi tưởng, cũng không có những câu thoại mang mục đích giới thiệu “sơ yếu lý lịch” nhân vật, rất trái với các phim VN thông thường. Cũng trong phim, có rất nhiều cảnh “gây sốc” - tiêm chích, xăm mình, nhảy múa điên loạn, bắn súng cuồng sát... Anh có sợ khán giả không hiểu? Hay có sợ hội đồng duyệt phim quốc gia không duyệt?
- Đừng coi thường khán giả thế, họ không ghét gì bằng phải vừa xem vừa nghe đạo diễn nhảy vào miệng nhân vật mà “giải thích”. Còn hội đồng duyệt thì tôi chưa thấy có ý kiến gì. Theo tôi, vấn đề không phải là đặc tả các cảnh gây sốc hay không, mà các cảnh đó có hiệu quả như thế nào đến ý đồ nghệ thuật của cả bộ phim.
* Rất nhiều người nói nếu kịch bản này vào tay các hãng phim tư nhân thì sẽ hiệu quả hơn nhiều: đầu tư nhiều tiền hơn, quảng bá tiếp thị tốt hơn... Sao anh không chọn con đường mà nhiều đồng nghiệp như Lê Hoàng, Phạm Hoàng Nam, Đào Duy Phúc đã chọn?
- Mỗi người có cách sống riêng và cách lựa chọn công việc riêng. Tôi thích sự thách thức này: ít tiền mà làm được phim hay cũng thích chứ. Hơn nữa tôi cũng bắt đầu sự nghiệp của mình ở hãng phim này và mọi người đã tạo điều kiện khá tốt cho tôi. Có thể những phim tiếp theo, nếu có nhà sản xuất nào “ok”, tôi cũng sẽ làm với họ. Tôi còn rất nhiều kịch bản khác đã viết. Tôi là dân chuyên nghiệp mà.
* Chuyên nghiệp, trong nền điện ảnh VN hiện nay, theo anh là như thế nào?
- Là làm được phim đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất, mà vẫn đi không quá xa với bản thân mình.
* Cảm ơn anh và chúc bộ phim trinh thám của anh kéo được khách đến rạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận