Ông Phạm Văn Tiền, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây, cho biết người chồng nói trên tên Phạm Văn Chiến. Nạn nhân, vợ ông ta là cô L.T.V. (một giáo viên tiểu học).
Theo ông Tiền, ông Chiến công khai sống như vợ chồng với một phụ nữ khác và bắt cô V. phải đồng ý cho ông ta cưới vợ “bé”. Cô V. không đồng ý nên bị ông Chiến đánh đập rất dã man, một lần bị gãy xương vai, một lần bị xô xuống sông ở Gò Dầu (Tây Ninh).
Bà con trong khu vực phát hiện ông Chiến đánh vợ bằng cây nên báo công an xã bắt tạm giữ ông Chiến hai ngày. Mặc dù đã viết cam kết không bạo hành vợ nữa, nhưng khi về nhà ông Chiến vẫn tiếp tục hăm dọa đòi “xử” cô V. nên cô V. phải xin nghỉ dạy đi lánh nạn.
Hiện nay, Hội phụ nữ xã đang cưu mang, bảo vệ cô V., chờ Công an huyện xử lý hành vi vi phạm của ông Chiến. “Trước mắt UBND xã sẽ xử phạt hành chính, đưa ông Chiến ra cảnh cáo trước dân. Công an huyện Đức Huệ cũng đang lập hồ sơ xử lý người chồng vũ phu này” - ông Tiền nói.
“Khoảng 18g ngày 20-12, tại giao lộ Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo (TP Vũng Tàu) một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người tấn công cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ...”, một bạn đọc báo tin.
Đại úy Trần Văn Nghị (Đội cảnh sát giao thông Công an TP Vũng Tàu) cho biết khi đi tuần tra trên đường Quang Trung - Trần Phú, anh phát hiện một xe máy Suzuki Sport “độ” không biển số, đã thay đổi hình dáng và gắn ống xả tăng tốc để dưới lòng đường. Anh Nghị đến kiểm tra thì có khoảng 10 thanh niên chạy tới ngăn cản nhưng anh cũng lấy được xe và chạy về trụ sở.
Khi anh Nghị chạy xe đến đường Nguyễn Du, có nhiều thanh niên đi trên năm xe máy đuổi theo và ép anh vào lề đường. Một người dùng chân đạp vào sườn anh Nghị nhưng anh không bị té. Nhóm thanh niên này tiếp tục đuổi theo và một người lại dùng chân đạp khiến anh té tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo.
Anh Nghị rút chìa khóa xe và tri hô để mọi người đến hỗ trợ nên các đối tượng trên bỏ chạy, để lại hiện trường một chiếc xe hiệu Nova đã “độ”.
Hiện Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Vũng Tàu đang làm rõ vụ việc.
Ngày 20-12, nhiều bạn đọc ở sóc Tằng Hách, xã An Phú, huyện Hớn Quản (Bình Phước) phản ảnh 107 hộ dân ở đây đã đóng góp 441 triệu đồng để ngành điện kéo đường dây điện về sóc cho dân. Ông Bùi Văn Khang được người dân bầu làm tổ trưởng tổ thu tiền và đến nay ông chỉ nộp cho chi nhánh Điện lực huyện Hớn Quản 300 triệu đồng.
Số tiền còn lại ông Khang và một số người liên quan đã chi vào những việc “không tên” dẫn đến thâm hụt, không đủ nộp cho ngành điện nên đến nay người dân vẫn chưa có điện xài.
Ông Bùi Văn Lâm, phó chủ tịch UBND xã An Phú, cho biết bà con ở sóc Tằng Hách chưa có điện do số tiền đóng góp chưa đủ. Tổng số tiền phát sinh để kéo điện cho bà con đến nay là 451 triệu đồng (ban đầu 430 triệu đồng).
Bà con đóng 441 triệu đồng và tổ thu tiền mới nộp cho ngành điện 300 triệu đồng. Số tiền 141 triệu đồng còn lại tổ thu tiền đã chi 47 triệu đồng cho các khoản: ngoại giao, điện thoại, xăng, công cán, loa phóng thanh... nên không đủ nộp cho ngành điện.
Xã An Phú đã đề nghị huyện Hớn Quản hỗ trợ khoản tiền còn thiếu cho người dân và huyện đã chấp thuận. Hiện xã đang chờ tiền hỗ trợ từ huyện để nộp cho ngành điện với mong muốn người dân sớm có điện dùng.
Ông Huỳnh Anh Minh, chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, cho biết huyện sẽ kiểm tra và nếu ông Bùi Văn Khang cùng các cá nhân liên quan sử dụng sai mục đích tiền do người dân đóng góp thì phải chịu trách nhiệm.
Bạn đọc có số điện thoại 0903620... phản ảnh một số cơ sở chuyên đóng kiện hàng bằng gỗ trên đường Hồng Hà, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM làm vương vãi đinh gây nguy hiểm cho người đi đường. Chiều 19-12, chúng tôi thấy hai bên đường Hồng Hà (đoạn gần giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà) nhiều công nhân của các cơ sở nói trên chiếm dụng hết vỉa hè để đóng kiện hàng (ảnh).
Họ còn để đinh vương vãi ra khắp mặt đường, chỉ một đoạn đường khoảng 50m có gần 20 chiếc đinh đủ loại. Một bạn đọc là giáo viên Trường THPT tư thục Quốc Văn Sài Gòn (TP.HCM) phản ảnh sau đợt cắm trại mừng Ngày nhà giáo VN tại Cần Thơ, ban giám hiệu nhà trường đã ra quyết định trừ 10% lương đối với những giáo viên không tham gia cắm trại, dù những giáo viên này bận bịu chuyện gia đình. Theo đại diện ban giám hiệu Trường Quốc Văn Sài Gòn, những giáo viên nói trên đều là giáo viên cơ hữu, có nhiều quyền lợi hơn so với giáo viên thỉnh giảng nên phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động do trường tổ chức theo quy định của trường. Trong số 16 giáo viên không tham gia hội trại thì có 8 người vắng mặt không có lý do nên nhà trường đã trừ mỗi người 10 điểm thi đua quy ra lương. Bạn đọc có số điện thoại 2220363... cho biết khi chạy xe trên đường Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) ra đại lộ Đông Tây, nhiều người thấy biển báo “Stop” gắn ở đây và không hiểu mình được đi tiếp hay phải dừng lại. Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, “Stop” là biển báo dừng lại. Khi gặp biển báo này, những người đi xe trên đường phải dừng lại trước biển báo hoặc vạch ngang đường và chỉ được phép đi tiếp khi thấy các tín hiệu (do người điều khiển hoặc đèn cờ) cho phép đi. Trường hợp trên đường không có tín hiệu, đèn cờ, người điều khiển xe chỉ được phép đi tiếp khi biết chắc trên đường không có điều gì cản trở. Việc lắp đặt biển báo “Stop” trên đường Phó Đức Chính nhằm ưu tiên đại lộ Đông Tây, đường Phó Đức Chính không phải là đường ưu tiên. Một bạn đọc phản ảnh thời gian gần đây nhiều xe chở gỗ lậu đi qua huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) khiến bà con lo ngại rừng bị tàn phá ngày càng nhiều.
Ông Tạ Tiến, quyền hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà, cho biết gần đây việc vận chuyển gỗ lậu từ huyện Trà Bồng (qua đường Di Lăng, Trà Trung), từ huyện Kon PLông (Kon Tum) hoặc từ miền núi Sơn Tây xuống địa bàn huyện Sơn Hà ngày càng nhiều. Qua nhiều đợt truy quét, hạt kiểm lâm huyện đã phát hiện và thu giữ 136m3 gỗ lậu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận