![]() |
22-12-1958, cầu thủ Trương Tấn Nghĩa lên khán đài tặng hoa Bác Hồ trong trận Thể Công gặp đội Công An CHDCND Triều Tiên - Ảnh tư liệu gia đình |
Tiếp bước theo thành công của cha, người con trai cả Trương Tấn Nghĩa cũng là một cầu thủ nổi tiếng trong màu áo Thể Công và ĐTQG trong khoảng thời gian 1955-1965...
Hổ phụ sinh hổ tử
Ông Trương Tấn Nghĩa sinh ngày 26-2-1935 tại Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Từ nhỏ cậu bé Nghĩa đã quấn quít với quả bóng suốt ngày không biết chán.
Năm 15 tuổi, cậu bắt đầu chơi bóng một cách “chính qui” cho đội Xóm Củi, rồi sau đó là Trường Gia Định, trước khi vào chiến khu D và trở thành chiến sĩ.
Vào rừng, không có khoảng trống nhiều để chơi bóng nhưng ông và các đồng đội vẫn duy trì niềm đam mê của mình mỗi khi có thể. Chỉ đến năm 1954, cùng cha tập kết ra Bắc, ông mới được “thỏa chí tang bồng” khi gia nhập đội bóng Thể Công mới vừa được thành lập; và hai năm sau được gọi vào ĐTQG.
Khi bố Bửu vẫn còn thi đấu, cả hai cha con đã chơi cực kỳ ăn ý và góp công nhiều vào những thắng lợi của đội nhà. Ông thuộc làu những quả “chặt” của bố để luôn lao tới đúng lúc và bắt vôlê ghi bàn khiến người hâm mộ phải tấm tắc: “Đúng là hổ phụ sinh hổ tử”.
Dù chơi khác vị trí của bố (trung phong so với trung ứng) nhưng ông giống bố một cách kỳ lạ về quả đánh đầu theo cách bật cao dùng trán mổ bóng. Ngoài ra, sở trường của ông còn là bật vọt nhanh, tốc độ vài chục mét với bóng trong chân vào loại siêu, vừa chạy vừa sút mạnh và chuẩn.
Với sự xông xáo dũng mãnh, ông luôn đi bóng trong sự đuổi theo bất lực của đối thủ và khi sút là ghi bàn. Chính vì vậy mà trong đội hình Thể Công hay ĐTQG dọc ngang trên các sân cỏ trong nước và quốc tế, ông vẫn là một mũi nhọn sắc sảo và đáng gờm cho mọi đối thủ.
Chẳng hạn như trong trận đá trên sân CLB Bresob rất mạnh của Tiệp Khắc hồi năm 1964, có đến năm tuyển thủ quốc gia của nước này, ông đã làm điều thần kỳ khi được tung vào sân (do yêu cầu chiến thuật nên không được thi đấu ngay từ đầu).
Điều đáng nói là trước trận đấu, khi đội tuyển VN tặng kỷ niệm chương, đối thủ đã tự cao nói để khi thắng 7-0 rồi nhận luôn. Tuy nhiên, thực tế trận đấu đã gây bất ngờ cho Bresob bởi đối thủ chỉ có thể ghi được bàn mở tỉ số từ khá sớm và chơi chủ yếu trên phần sân đội tuyển VN nhưng vẫn không thể ghi thêm một bàn nào nữa.
Phút 85, khi được bố đồng thời cũng là HLV tung vào sân, ngay lập tức ông Nghĩa đã ghi bàn và lập luôn hat-trick để thắng ngược đối thủ 3-1.
Để có thể có cái nhìn rõ hơn về ông, hãy nghe những nhận xét của cựu danh thủ thi đấu cùng thời - Ngô Xuân Quýnh đã viết trong hồi ký của mình: “Nhìn chung, Nghĩa thi đấu tự tin, quả cảm, thoải mái và trung thực.
Bị đá đau thì có, còn chủ động đá đau người khác thì không bao giờ. Không ít lần đối mặt với thủ môn, thấy nguy hiểm cho bạn, Nghĩa đều nhảy tránh. Năm 1958, trong một trận thi đấu tại Đức, sân trơn, thủ môn nhào ra phá bóng.
Nghĩa đang chạy tốc độ cao thuận đà xông tới. Mọi người nín thở. Nhưng Nghĩa đã ghìm đà, co chân nhảy qua người thủ môn. Khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay”.
Người được vinh dự gặp Bác Hồ đến ba lần
Dù được gặp Bác nhiều như vậy nhưng đó đều là những dịp tình cờ và hiếm có mà chàng cầu thủ có được. Lần đầu tiên ông gặp được Bác là vào năm 1956 khi vừa thi đấu ở Trung Quốc về, nhân dịp mừng quốc khánh Hungary được tổ chức ngay tại đại sứ quán nước này.
Lẽ ra người được đi dự buổi gặp mặt này là bố Bửu, được mời do vừa đại diện sinh viên miền Nam đi dự Đại hội Sinh viên thế giới, nhưng không hiểu sao bố đã đưa ông đi thay.
Lần thứ hai, ông không chỉ được gặp mà còn vinh dự tặng hoa Bác trong một trận giao hữu: Thể Công đá thắng đội Công An CHDCND Triều Tiên 1-0 dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN 22-12-1958.
Về lại TP.HCM năm 1975, ông Trương Tấn Nghĩa đảm nhận chức vụ chủ nhiệm sân bóng đá Hoa Lư cho đến năm 1980 thì nghỉ hưu. Quãng thời gian sau đó với ông thật đẹp vì ông vẫn còn tiếp tục niềm vui với trái bóng tròn khi cùng đội lão tướng TP.HCM đi đá giao hữu nhiều nơi. Dù không có cuộc sống quá khó khăn như những cựu danh thủ khác sau khi giải nghệ, nhưng ông cũng không thể nằm ngoài qui luật bệnh tật của tuổi già: căn bệnh thấp khớp đã “quật ngã” ông cách đây gần 10 năm. Đến nhà ông tại lô D1 chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1), chúng tôi đã hào hứng nghe ông kể về chuyện ngày xưa, về thời trai trẻ của ông. Ông kể say sưa như chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, dù những ngón tay đã run run khi giở lại những bức ảnh lịch sử của gia đình cho chúng tôi xem. Ông đã 70 tuổi. Con người tài năng và đào hoa đó giờ dù có hơi bị ảnh hưởng của bệnh tật, nhưng ông đang có một cuộc sống thật hạnh phúc với gia đình nhỏ bé của mình và tiệm tạp hóa nhỏ của người vợ. |
Nhưng lần thứ ba gặp Bác vào năm 1965, nhân dịp đoàn Quảng Đông qua biểu diễn các môn thể dục cho VN học tập, còn để lại cho ông kỷ niệm đáng nhớ hơn nữa. Khi đó, ông đại diện cho trường huấn luyện ở tận Nhổn nên phải dậy từ sớm để về Hà Nội cho kịp.
Không may là trời lạnh quá khiến chiếc Mobylette không tài nào nổ máy được, hì hục sửa hoài không được, cuối cùng phải đẩy mãi máy mới nổ. Đến nơi thì mọi người chỉ còn chờ có mỗi mình ông, và chỉ còn mỗi chiếc ghế trống ngồi đối diện với Bác Hồ. Nghĩa ngồi vào đó và nhìn Bác... cười suốt.
Ông tâm sự: “Mấy người lớn tuổi gặp Bác cứ khóc, nhưng tôi không hiểu sao cứ gặp Bác là cảm thấy sung sướng nên cười suốt. Nghĩ lại, cứ thấy mỗi lần Bác đi cổ vũ là cảm thấy vinh dự sao đó, chưa kể là y như rằng chúng tôi đều giành chiến thắng.
Nhưng không chỉ có Bác, chúng tôi còn được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo khác nữa. Nhiều khi đang họp Bộ Chính trị, đại tướng Nguyễn Chí Thanh (khi đó là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của QĐNDVN) đã đề nghị Bác cho đi xem đội đá. Thấy vinh dự và hãnh diện lắm”.
Con người đào hoa
Cứ mỗi lần họp mặt truyền thống nhân ngày thành lập đội bóng đá Thể Công, ông luôn bị mấy sếp ghẹo rằng: “Thằng Nghĩa hồi xưa đào hoa thiệt đó nghen, mấy cô Hà Nội cứ theo đuổi hoài”.
Đó thật sự không phải là lời nói đùa. Đẹp trai, đá bóng giỏi nên ông được rất nhiều cô gái Hà thành hâm mộ và theo đuổi trong những năm tháng ở Hà Nội. Trong số các cô gái hâm mộ đó, ông quen khá thân với nghệ sĩ Trà Giang, khi đó đang học tại Trường Sân khấu - điện ảnh Hà Nội.
Trà Giang là con gái một người bạn thân của bố Bửu và cả hai ông bố đã dự định sẽ cho hai người đến với nhau. Nhưng khi bố Bửu dắt con trai sang Trường Sân khấu - điện ảnh để làm quen với con gái của bạn thì mới té ngửa khi cả hai đã quen nhau thân từ hồi nào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả hai không đến được với nhau như người lớn đã dự định.
Hỏi vui ông rằng còn giữ tấm hình nào của cô Trà Giang không, ông tủm tỉm cười đáp: “Làm gì mà còn, mấy cô khác xé hết rồi còn đâu”.
Ông kể: “Mấy cô thường hay đến chỗ tôi chơi và xem album, khi có tấm hình của đối tượng cùng phái nào lạ là mấy cô xé ngay, không kịp để tôi phản ứng. Nhưng cũng chưa cực bằng việc tôi phải khó xử khi cùng một lúc mấy cô ra cả ga xe lửa để tiễn tôi đi thi đấu nước ngoài. Lúc đó, tôi phải ma lanh nhờ mấy đồng đội nói chuyện giùm (vì đều quen biết chung với nhau) và khi tàu chạy thì vẫy tay chung như đang chào chỉ một người để khỏi lộ. Thời trai trẻ ấy mà”.
Không chỉ đào hoa ở đất Hà thành, ngày trở về Sài Gòn khi hòa bình lập lại ông cũng được khá nhiều cô gái theo đuổi và đến nhà chơi thường xuyên.
Nhưng cuối cùng trái tim ông lại thuộc về cô Lê Thị Hồng - người bạn học chung từ nhỏ và đã đợi chờ rất lâu từ khi ông tập kết ra Bắc. Đám cưới của ông và cô bạn học được tổ chức vào năm 1976 và cả hai có với nhau một người con trai.
------------
Tin, bài liên quan
Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng
Kỳ sau: Danh thủ Thể Công làm huấn luyện viên trên đất Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận