HLV Đỗ Thành Đạt (phải) cùng Trần Thanh Điền. Ảnh: T.P |
Có thể kể ra không ít cặp “danh sư” - “cao đồ” nổi tiếng của làng thể thao VN như Đào Thiên Hải - Nguyễn Anh Khôi, Từ Hoàng Thông - Nguyễn Quốc Hy của cờ vua, Nguyễn Kiều Oanh - Lâm Quang Nhật của bơi lội, hay chú cháu Mai Văn Minh - Mai Hoàng Mỹ Trang trong làng bóng bàn...
Ấn tượng với cậu học trò “lăng xăng”
Lẫy lừng danh xưng “nữ hoàng bơi lội” của VN khi còn thi đấu những năm 1980-1990, công việc sau ngày giải nghệ của kình ngư Nguyễn Kiều Oanh khá thầm lặng khi chị đảm đương khâu đào tạo lứa tuổi 10-12 ở Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu (TP.HCM). Giật mình nhìn lại thời gian, có lẽ không ít người hâm mộ trung niên sẽ ngạc nhiên khi biết cô gái Kiều Oanh ngày nào nay đã theo đuổi nghiệp HLV được 18 năm. Trong 18 năm ấy, không ít tài năng bơi lội hàng đầu của tuyển TP.HCM từng qua tay chị góp phần “nhào nặn”. Nổi bật trong số đó là Lâm Quang Nhật, tài năng trẻ mới ở tuổi 19 nhưng đã mang về 2 tấm HCV SEA Games 2013 và 2015 ở nội dung 1.500m.
Nói về công sức đào tạo Lâm Quang Nhật, HLV Kiều Oanh tỏ ra khiêm tốn khi cho biết: “Tôi chỉ là một trong số nhiều HLV từng huấn luyện Nhật tại Trung tâm Yết Kiêu. Mà nói thật lòng thì thời điểm đó, tôi cũng chưa tin sẽ có ngày Nhật giành được HCV SEA Games. Đến khoảng tuổi 15, các VĐV mới bắt đầu được xét chọn các nội dung sở trường”.
Dẫu vậy, HLV Kiều Oanh vẫn giữ nguyên những ấn tượng sâu đậm về cậu bé đeo kính cận, ốm nhom nhưng lanh lợi, hoạt bát Lâm Quang Nhật trong những ngày đầu tiếp xúc. “Hồi Nhật mới lên Yết Kiêu tập, cậu ấy cứ hay hỏi han tôi thế này thế nọ sau mỗi buổi tập. “Con bơi vậy có đúng không cô, có cần thêm gì không cô...”. Ban đầu tôi còn cho rằng đó là cái tính lăng xăng của một đứa trẻ, nhưng dần dà tôi đặc biệt ấn tượng vì tính cầu tiến của Nhật, biết rằng cậu ấy là một VĐV trẻ có nghị lực nên cũng hay chỉ vẽ thêm ngoài giờ” - chị Kiều Oanh kể.
Được tập với người cô danh tiếng, Lâm Quang Nhật hồi nhỏ còn không biết được rằng không ít kiến thức anh tiếp nhận trên đường đua xanh đến từ “sư tổ” Đỗ Trọng Thịnh - phu quân và cũng từng là HLV chính của Kiều Oanh suốt sự nghiệp. Chị Kiều Oanh chia sẻ: “Dù đã học qua trường lớp bài bản để thành HLV nhưng kiến thức của tôi so với anh Thịnh vẫn chưa đáng là gì. Tôi vẫn thường phải hỏi chồng một số kiến thức trong việc huấn luyện, một phần lớn giáo án tập luyện của tôi là do anh Thịnh bày vẽ”.
Thành công nhờ không có... học trò cưng
Riêng với HLV Đỗ Thành Đạt của đội xe đạp VUS TP.HCM, thật khó để cựu tay đua lừng danh quê ở Long Thành (Đồng Nai) này nói ra một cái tên “ưu ái” nổi bật hơn cả trong số những học trò của ông, dù đó là những tay đua đã lừng danh như Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng, Trần Thanh Điền... hay là các cua-rơ trẻ chưa tiếng tăm gì. Hầu hết họ đều gắn bó với ông Đạt ngay từ những ngày đầu bước vào làng đua chuyên nghiệp.
Ngay cả những cua-rơ trôi dạt từ đội khác về cập bến VUS TP.HCM cũng được đối xử công bằng, điển hình là các học trò lâu năm của ông Đạt như Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng, Trương Nguyễn Thanh Nhân... phải vắt sức giúp Nguyễn Trường Tài (một tay đua không còn được trọng dụng ở đội cũ nên đã về VUS TP.HCM) hai lần liên tiếp mặc áo vàng Cúp truyền hình TP.HCM (2015 và 2016). Và theo chia sẻ của HLV Đỗ Thành Đạt, điều làm ông hạnh phúc nhất trong sự nghiệp làm HLV 13 năm qua không hẳn là những chiếc áo vàng danh giá đã lên đến con số hơn 40, mà chính là thái độ đoàn kết, bầu không khí luôn hòa thuận, đầm ấm giữa ông cùng các học trò.
Những năm thập niên 1990, làng xe đạp VN xuất hiện một cua-rơ “quái kiệt”. Nói vậy bởi anh tự nhận mình “chẳng có sở trường gì”, nhưng chỉ nhờ có đam mê và quyết tâm mà anh làm mưa làm gió trong làng xe đạp VN với vị trí á quân Cúp truyền hình TP.HCM xuyên Việt lần đầu tiên năm 1993, hay 6 chiếc áo vàng chung cuộc các giải đua danh giá như: Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Kỳ Khởi Nghĩa...
Với kinh nghiệm của một cua-rơ từng trải, ông Đạt trở thành một người thầy hiểu biết, có uy tín trong mắt các học trò, và đội của ông ngay lập tức làm mưa làm gió trong làng xe đạp VN. Trong vô số những thành tích giành được nhiều năm qua, điều làm ông Đạt nhớ mãi là chiếc áo vàng cuộc đua xuyên Việt - Cúp truyền hình TP.HCM năm 2013 của Trần Thanh Điền, người đã xô ngã kỷ lục của cựu tay đua lừng danh Trương Quốc Thắng, trở thành áo vàng trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải đấu danh giá bậc nhất làng xe đạp VN. Chiến thắng của Thanh Điền khiến giới chuyên môn xe đạp VN “ngẩn tò te” vì bất ngờ và khâm phục nước cờ chiến thuật cao tay nhưng cũng đầy mạo hiểm của ông Đạt.
Dù là một ngôi sao trẻ nhưng Thanh Điền cho biết anh lẫn các đồng đội dày dạn kinh nghiệm hơn đều được HLV Đỗ Thành Đạt đối xử như nhau. “Trong đội không hề có khái niệm “học trò cưng” của thầy Đạt. Đối với chúng tôi, thầy chan hòa, thân thiết giống như một người anh trai vậy” - Điền nói.
Hơn trò chỉ có... thầy
So với các môn khác, cờ vua tương đối trớ trêu hơn khi nhiều lúc thầy trò lại phải... chạm trán nhau ở các giải đấu, điển hình chính là cặp “thầy trò cùng tiến” Đào Thiên Hải - Nguyễn Anh Khôi. Trong lúc cậu học trò ngày càng tiến bộ thì với Đào Thiên Hải, anh vẫn chứng tỏ được mình chưa “lỗi thời” dù đã ở tuổi trạc tứ tuần. Cũng vì vậy nên Đào Thiên Hải lắm lúc phải đua tranh với Nguyễn Anh Khôi ở một số giải đấu. Như ở Giải vô địch cờ vua đấu thủ mạnh toàn quốc năm 2016 diễn ra tại TP Vũng Tàu, anh cùng Anh Khôi dẫn đầu nội dung cờ chớp với số điểm bằng nhau (cùng 7 điểm sau 9 ván và hòa nhau ở ván đối đầu trực tiếp), nhưng thầy đã lĩnh HCV bởi nhỉnh hơn trò về chỉ số phụ. Nhiều người đùa, hơn trò e rằng giờ chỉ còn có... thầy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận