Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM vừa đề xuất UBND TP về việc dùng hình ảnh người dân cung cấp làm cơ sở xử phạt các vi phạm về trật tự đô thị, lĩnh vực môi trường, giao thông như xả rác, dừng, đậu xe không đúng quy định...
Nếu đề xuất trên được thông qua sẽ là một động thái tích cực trong nỗ lực lập lại trật tự, kỷ cương đô thị TP. Tuy nhiên, điều làm nhiều người lo lắng là liệu các cơ quan chức năng có khó xử khi các căn cứ pháp lý, đặc biệt mức phạt các hành vi còn chồng chéo, không thống nhất.
Căn cứ các quy định hiện hành, cùng một hành vi nhưng tiền phạt có thể cao thấp khác nhau.
Cụ thể, với hành vi tiểu bậy ở những nơi không được phép, lúc thì có thể phạt 200.000 đồng, lúc lại phạt 250.000 đồng (tính theo mức trung bình cộng, không có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng).
Tương tự, hành vi bỏ rác trên vỉa hè, đường phố... lúc thì phạt 1,5 triệu đồng, lúc chỉ còn 350.000 đồng.
Xảy ra chuyện “tréo ngoe” này là do cùng thời điểm lại có đến hai nghị định khác nhau để cùng điều chỉnh các hành vi.
Nghị định 167/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự...) có hiệu lực từ ngày 28-12-2013 quy định mức phạt cho hành vi tiểu bậy là từ 100.000-300.000 đồng; xả rác trên vỉa hè, đường phố... bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Trong khi đó, nghị định 179/2013 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường) ra đời chỉ sau một ngày so với nghị định 167/2013, trong đó mức xử phạt tiểu bậy từ 200.000-300.000 đồng; xả rác trên vỉa hè, đường phố... đột ngột được giảm mức phạt, chỉ còn từ 300.000-400.000 đồng.
Từ ngày 1-2-2017, nghị định 155/2016 sẽ có hiệu lực để thay thế nghị định 179/2013 và mức phạt tiền các hành vi xả rác, tiểu bậy... sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Có điều do những bất nhất nêu trên chưa được khắc phục triệt để nên chuyện phạt xả rác có thể còn tiếp tục làm khó các bên liên quan và nếu không “lọ mọ” dò tìm để phạt cho đúng thì cơ quan chức năng có thể thua kiện.
Đơn cử, nếu xả rác trên vỉa hè, đường phố, cống thoát nước, nghị định 155/2016 cho phép phạt từ 5-7 triệu đồng; xả rác ở khu chung cư, thương mại, dịch vụ phạt từ 3-5 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu để rác, xác động vật gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc làm mất vệ sinh chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày người dân sử dụng sinh hoạt thì phải căn cứ theo nghị định 167/2013 để phạt từ 1-2 triệu đồng...
Theo quy định, nếu một vấn đề mà có nhiều văn bản chế tài thì cần phải áp dụng văn bản ban hành sau và trong trường hợp cụ thể này sẽ là nghị định 179/2013.
Nghe đơn giản vậy nhưng thử hỏi mấy ai biết được nguyên tắc này khi các vi phạm trên lại được “nhốt” ở hai nghị định cận kề.
Nếu người dân bị phạt sai từ sự rối rắm không đáng có đó thì Bộ Công an (cơ quan lo soạn thảo nghị định 167/2013) hay Bộ Tài nguyên và môi trường (cơ quan lo soạn thảo nghị định 179/2013) phải chịu trách nhiệm do mạnh ai nấy làm và thiếu cơ chế kiểm soát nên Chính phủ đã không được tham mưu để có quyết định hợp lý hơn.
Giải pháp căn cơ cho vấn đề này là hai bộ có liên quan cùng phối hợp chỉnh sửa, hợp nhất để khắc phục những khiếm khuyết đã nêu ở trên. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần nâng cao vai trò thẩm định dự thảo nghị định để các quy định xử phạt hành chính đảm bảo được tính thống nhất với hệ thống pháp luật, dễ tiếp cận và dễ thực hiện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận