20/03/2015 08:18 GMT+7

​Đằng sau “tuổi thọ” của một thông tư

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Thông tư dự thảo cho phép liên thông ngay lên ĐH vừa đưa ra, ngay lập tức đã tạo nên làn sóng phản hồi mạnh mẽ từ người học.

Quy định học liên thông thế nào là câu hỏi nhiều học sinh đặt ra tại các buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Như Hùng

Có người lo Bộ GD-ĐT quyết định vội vàng mà không lường trước hậu quả vì nới cửa tuyển sinh là chất lượng đào tạo liên thông sẽ trượt dốc không phanh.

Song trên đa số các diễn đàn, người học đều khấp khởi trước một thay đổi có lợi cho mình.

Và cũng chính trên những diễn đàn ấy, bên cạnh niềm hân hoan của thí sinh mùa tuyển sinh 2015 thì cũng không ít chia sẻ ngậm ngùi của những người tự xưng là “chuột bạch” của hai mùa liên thông trước vì “phải tốt nghiệp trung cấp, CĐ đủ 36 tháng trở lên mới được thi liên thông lên ĐH” (thông tư 55 ban hành tháng 12-2012)...

Trả lời Tuổi Trẻ về việc đưa ra thay đổi này có phải Bộ GD-ĐT đã thừa nhận sự thất bại của văn bản cũ, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng thông tư 55 “đã hoàn thành sứ mệnh”, đã có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng và việc thay đổi chỉ “phù hợp với tình hình mới”.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ĐH vẫn cho rằng không thể mơ hồ nói chuyện nâng chất lượng bằng một giải pháp siết đầu vào chỉ thực hiện vỏn vẹn hai năm. Có lãnh đạo trường ĐH chất vấn: Làm sao nói chuyện chất lượng khi số lượng sinh viên sụt giảm?

Loay hoay nâng cao chất lượng bằng giải pháp siết đầu vào, nhưng rốt cục thất bại, buộc phải trở lại “nguyên trạng” không phải là tình huống lần đầu Bộ GD-ĐT vấp phải.

Ông Phạm Quốc Hoàn, phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 1, cho hay trước đây khi đào tạo tại chức (mà nay được đổi tên mới thành vừa làm vừa học) nhốn nháo, ngành giáo dục từng quy định muốn học tại chức thì ít nhất học sinh THPT cũng phải tốt nghiệp sau một năm.

“Tạo ra quãng ngắt ấy chả giúp được gì vì thí sinh vừa học phổ thông, nền tảng kiến thức ít nhiều còn có mà học tiếp. Nói về chất lượng mà chỉ “gói” ở đầu vào, không kiểm soát quá trình đào tạo và đầu ra, không thể tạo ra thay đổi” - ông Hoàn nhận định.

Cho dù nới quy định tuyển sinh liên thông, được trả lại quyền tự chủ tuyển sinh là mong đợi của hầu khắp các trường, nhưng chất lượng liên thông ra sao sau quy định này vẫn là câu hỏi lớn.

Khi người học chỉ coi CĐ là khoảng chờ để học tiếp lên ĐH, khi nhà tuyển dụng chưa thấy yên tâm với chất lượng đào tạo của cả ĐH lẫn CĐ thì việc nới hay siết chỉ là động tác kỹ thuật thuần túy mà chưa làm thay đổi chất lượng và cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực.

Việc một thông tư có thể chỉ có tuổi thọ vẻn vẹn hai năm cho thấy bộ cần đầu tư, cân nhắc kỹ hơn trước khi ban hành một văn bản pháp quy vì nó liên quan đến cả triệu con người.

Giáo dục đòi hỏi sự bền bỉ, dài lâu, là “sự nghiệp trăm năm...”, nếu nhà quản lý chỉ chạy theo thời vụ, kiểu “nay trồng, mai chặt”, đem thí sinh ra làm thí nghiệm thì làm sao xã hội có thể yên tâm, làm sao sự công bằng và chất lượng giáo dục có lời giải căn cơ và thuyết phục?

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên