27/12/2012 01:11 GMT+7

Đằng sau câu nói

PHẠM VĂN HOANH (Quảng Ngãi) 
PHẠM VĂN HOANH (Quảng Ngãi) 

AT - Ngày ấy, tôi với nó là hai đứa bạn thân thiết với nhau. Tôi với nó giống nhau về nhiều thứ, chỉ khác nhau về sự giàu nghèo. Nhà nó giàu gấp trăm lần nhà tôi. Cha nó là chủ thầu xây dựng. Mẹ nó buôn bán nhỏ. Lúc đầu cha nó không muốn nó thân với tôi, mặc dù tôi là một đứa trẻ ngoan, hiền. Nhưng về sau ông chiều ý nó. Có lẽ ông biết tôi học giỏi văn hơn con ông. Ông không bao giờ cho nó chơi với những đứa học dở và nhà nghèo.

Năm nó lên trung học phổ thông, cha nó mời bốn thầy giáo có tiếng trong tỉnh về nhà dạy kèm cho nó các môn toán, lý, hóa, sinh. Để vừa dạy kiến thức cho con, vừa tìm nguồn kinh phí trả cho thầy, cha nó bảo nó chiêu sinh khoảng mười đứa. Nó đã chiêu sinh mười một đứa.

Học được một tháng, tôi đóng tiền học phí nó không nhận. Nó bảo từ từ. Tôi đem về đưa lại cho cha mẹ. Cha tôi chép miệng: “Con cầm đó rồi đưa cho cha nó”. Tôi nói với cha: “Nó không lấy thì mình sướng chứ cha”. Cha tôi bảo: “Không phải vậy đâu con. Họ không nhận là mình mắc nợ đấy. Nợ đó khó trả lắm. Nhiều lần như thế mình sẽ lệ thuộc họ về kinh tế. Mà lệ thuộc kinh tế là lệ thuộc con người...”.

Hôm sau tôi đưa tiền cho cha nó. Ông không lấy. Ông bảo đưa cho nó. Tôi đến năn nỉ nhưng nó kiên quyết không nhận. Tôi cảm thấy áy náy...

Một hôm trong giờ giải lao, cha nó đến bên nói chuyện với tôi. Ông nói rất nhiều chuyện. Trong đó có một câu mà tôi nhớ mãi đến giờ: “Mày học chơi chứ không làm gì được đâu”. Câu nói như một nhát dao đâm thẳng tim tôi. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Không biết vì gia đình tôi nghèo hay là tôi học không giỏi các môn tự nhiên như nó. Tôi định hỏi, thì thầy giáo đã vào và buổi học lại tiếp tục...

Mấy hôm sau tôi nghỉ học thêm. Tôi biết sức mình chưa cần đến những buổi học như thế này. Học thêm vừa phí thời gian, vừa phí tiền bạc của cha mẹ.

Thấy tôi nghỉ học thêm, cha tôi hỏi: “Sao con không học thêm để mở mang kiến thức?”. Tôi trả lời: “Học thêm, nó không lấy tiền ngại quá”. Và tôi đem câu chuyện này kể lại với cha. Cha tôi cười, nói: “Câu nói này cha đã nghe lâu rồi. Hồi anh B con, ở xóm trên đây ra làm nhà in cho ông T ở Quảng Nam. Ông T thấy anh B nhà nghèo mà cũng đi học, ổng nói: “Mày mà học hành gì, theo xách dép cho thằng C tao. Bao giờ đi thi nói nó thi giùm cho!”. Anh B con không nói không rằng. Anh cố gắng học. Kỳ thi tú tài anh B đậu còn anh C con ổng trượt mất. Bây giờ anh B con làm thầy giáo còn anh T không biết làm gì ngoài đó. Sự đời là vậy đó con. Thôi con ráng học cho thật giỏi!...”.

Từ đó, tôi ra sức học hành, ngày đêm tìm tòi nghiên cứu sách, vở, báo chí. Tôi biết khả năng mình không thể đi thi khối A, khối B được, nên tôi đầu tư nhiều hơn cho khối C. Tôi nhớ lời cha dặn: “Ở đời không có một nghề nào là tầm thường. Nghề nào cũng vinh quang. Nhưng muốn vinh quang thì phải thật sự giỏi. Bậc tiền bối đã nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Con đừng vì câu nói của cha nó mà nhụt chí...”.

Tôi không quên được câu nói của cha nó nhưng không bao giờ tôi để mất tình bạn với nó. Ba năm trung học phổ thông, tôi với nó như hình với bóng. Tôi với nó vẫn trao đổi bài vở với nhau, vẫn đến nhà chơi...

Sau ba năm trung học phổ thông, tôi và nó đều tốt nghiệp vào loại khá. Nó thi vào y khoa, còn tôi thi vào sư phạm. Nó thi trượt, cha nó buồn lắm. Tôi thường đến thăm nó, động viên nó cố gắng ôn lại bài năm sau thi tiếp. Năm sau nó thi tiếp nhưng cũng trượt. Tôi khuyên nó thi trung cấp xây dựng. Nó nghe lời tôi. Học xong ra trường nó theo cha đi giám sát công trình xây dựng. Sau đó nó xin vào Công ty xây dựng 27-7. Bây giờ nó đã có bằng kỹ sư xây dựng.

Còn tôi bây giờ là một thầy giáo dạy văn ở một trường trung học cơ sở xa nhà. Mỗi lần thấy học trò có hoàn cảnh khó khăn tôi lại chạnh lòng. Tôi thường dùng những lời nói để động viên, khích lệ các em cố gắng học tập. Tôi không bao giờ dùng những lời nói như của cha nó ngày trước. Không biết đằng sau câu nói của cha nó là một ác ý hay là một lời khích lệ bản thân tôi? Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn lời nói ấy. Nó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Bây giờ cha nó đã về cõi vĩnh hằng, nhưng lời nói ấy vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Mỗi lần về quê tôi vẫn ghé vào nhà nó thắp cho cha nó nén hương.

xzYwoqve.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM VĂN HOANH (Quảng Ngãi) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên