27/02/2006 05:37 GMT+7

Đảng phải làm cho dân giàu, nước mạnh

PHẠM TUẤN KIỆT
PHẠM TUẤN KIỆT

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25-2 đăng bài “Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên” của GS Nguyễn Đức Bình góp ý với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X rằng ông không đồng ý trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, hơn 30 bạn đọc đã gửi ý kiến tham gia tranh luận về vấn đề này. Trong đó, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm khác với GS Nguyễn Đức Bình.

3GTfdHdR.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp trẻ có nhiều thành tích trong việc phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt 2005 - Ảnh tư liệu
TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25-2 đăng bài “Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên” của GS Nguyễn Đức Bình góp ý với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X rằng ông không đồng ý trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, hơn 30 bạn đọc đã gửi ý kiến tham gia tranh luận về vấn đề này. Trong đó, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm khác với GS Nguyễn Đức Bình.

Tiêu chuẩn đảng viên phải đi cùng thời đạiThời cơ vàng: Vận hội mớiThời cơ vàng: Vượt qua cái bóng của mìnhThời cơ vàng và hiểm hoạ đenHướng đến chân lý sẽ vượt qua cái bóng của mìnhNgười tài chưa được trọng dụng hay bị đố kỵ?

* Tôi là một người dân bình thường, trình độ không cao có thể không hiểu hết các ý nghĩa sâu xa mà tác giả bài viết đã đưa ra. Nhưng cách lý luận của tác giả làm tôi cảm thấy rằng tác giả lấy các lý luận lịch sử ra để bảo vệ và trói buộc quan điểm của mình là không hợp lý với thời đại.

Bởi lẽ, thời đại ngày càng phát triển và chưa chắc một quan điểm đúng trong lịch sử lại có thể đúng trong thời đại mới. Ngay cả những định luật toán học vững chắc trong lịch sử cũng có thể bị phản chứng trong tương lai, chưa nói chi là quan điểm trong lịch sử chưa chắc đã đúng.

Tôi rất tâm đắc ý kiến của tác giả là hãy để tranh luận các vấn đề và làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” là đủ.

* Tôi thấy tác giả phát biểu và phân tích rất hay, rất đúng về bản chất của một đảng viên. Đảng viên phải là người làm chính trị, phải dựa vào quan điểm giai cấp, lợi ích xã hội chứ không thể dựa trên cơ sở vật chất và quyền lợi tầm thường được.

Thà có ít đảng viên trung thành với Đảng, trung thành với lý tưởng cách mạng hơn là nhiều nhưng sẽ là kẻ phá hoại Đảng sau này.

* Có lẽ GS Bình đang quá lệ thuộc vào những lý luận kinh điển, những luận thuyết mang tính xã hội sẽ không thể là đúng vĩnh hằng theo thời gian, thậm chí một số định luật tự nhiên phát minh vào các thế kỷ trước cũng đã thay đổi trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật.

Tách Đảng ra khỏi lực lượng sản xuất là một mô hình cứng nhắc quan liêu. Theo GS, đảng viên phải thanh bần chăng? Kinh tế tư bản tư nhân là bóc lột ư? GS hãy làm một cuộc thăm dò người lao động thuộc ba khu vực nhà nước, tư nhân nội địa và doanh nghiệp nước ngoài xem mức độ thỏa mãn của họ ở từng khu vực như thế nào?

* Hiện nay Đảng Cộng sản VN đang cầm quyền, nắm quyền, điều hành mọi hoạt động của đất nước từ trung ương xuống địa phương. Vậy lý tưởng và mục đích của Đảng là gì? Làm gì để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo tôi, để dân giàu, nước mạnh không thể không phát triển kinh tế, mà kinh tế phải đa thành phần. Muốn vậy phải có sự cộng tác: người giỏi đứng ra tổ chức sản xuất, người có vốn góp vốn, người có công góp công.

Đương nhiên mỗi người phải được hưởng quyền lợi theo đúng khả năng đóng góp của mình. Nếu ý thức được vấn đề này kinh tế sẽ phát triển, dân giàu, nước mạnh. Nên có quan điểm rằng ai có ý thức và làm ra nhiều của cải, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội thì người ấy có công với đất nước, với dân nghèo.

Mọi chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng phải được xây dựng từ thực tế đòi hỏi của đất nước, của toàn dân, chứ đừng chủ quan áp đặt, lý thuyết xa vời không thực tế, gây trì trệ cho sự phát triển của đất nước.

* Tôi rất buồn vì Đảng ta có một đội ngũ hùng hậu các đảng viên có trình độ lý luận cao, nhưng chúng ta đi bàn một việc mà đã được nêu ra từ Đại hội IX đến nay vẫn chưa ngã ngũ là đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không?

Tôi chỉ muốn nói là hiện nay ở các nước người ta giải quyết vấn đề phải nhanh và đúng. Hiện nay người ta (các nước) bàn chuyện lên cung trăng rồi mà chúng ta chỉ bàn những chuyện dưới đất mà năm này qua năm nọ vẫn chưa xong.

Tôi cho rằng trong thời đại xây dựng đất nước phát triển kinh tế như hiện nay đảng viên cần phải gương mẫu đi đầu, nên việc đảng viên làm kinh tế tư nhân là việc cần khuyến khích và cần thiết, miễn đừng vi phạm pháp luật thôi. đảng viên là một công dân, nên trước tiên mọi quyền công dân đảng viên phải có, nên đừng bàn chi chuyện đó nữa.

Theo tôi, thay đổi lý luận để tiến lên là điều cần thiết, chứ nếu không chúng ta giậm chân tại chỗ thì không phát triển được. Bài học đó cho ta thấy đã 30 năm sau giải phóng chúng ta có phát triển nhưng còn rất chậm nếu đem so với Singapore, Nhật, Hàn Quốc sau chiến tranh!

Chúng ta đừng đi sâu vào những lý luận quá cũ để rồi không dám thay đổi để tiến lên, và tôi cho rằng Đảng cần tham khảo đông đảo đảng viên và nhân dân về vấn đề này. Tôi tin rằng nếu vấn đề này đưa ra bỏ phiếu thì chắc chắn là được đông đảo đảng viên ủng hộ và các tầng lớp nhân dân cũng đồng tình.

Gần 60 Việt kiều đã tham dự buổi đóng góp cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X do Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hôm 25-2. “Phải tăng cường chống tham nhũng và có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng” là ý kiến mà nhiều bà con kiều bào quan tâm đóng góp.

Giáo sư Trần Hà Anh (Việt kiều Pháp), ông Hồng Lê Thọ (Việt kiều Nhật), ông Trần Quốc Dũng (Việt kiều Hungary) và nhiều ý kiến khác đề nghị trung ương đánh giá lại nguồn lực của kiều bào là nội lực hay ngoại lực để có các đối xử tương xứng hơn; cải thiện hơn chế độ cho đội ngũ trí thức Việt kiều; gắn kết quả nghiên cứu khoa học với giáo dục và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh...

Ủy ban Về người VN ở nước ngoài ghi nhận đóng góp của bà con Việt kiều và khuyến khích bà con tham gia đóng góp thêm và gửi về địa chỉ 147 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hoặc qua email: bavik@hcm.vnn.vn.

Thông thường chỉ có cha mẹ chăm lo cho con cái, chứ đầy tớ thì phải phục vụ chủ chứ không phải là chăm lo. Nếu theo tư tưởng “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” như Bác Hồ đã dạy thì rõ ràng quan niệm “chăm lo” này là không phù hợp.

Đây không chỉ là vấn đề thuật ngữ mà quan trọng hơn là thể hiện tư tưởng, não trạng của các cấp lãnh đạo của ta trong quan hệ chính quyền - người dân. Nếu tư tưởng là “sếp” của người dân chưa thoát khỏi tư duy của các cấp lãnh đạo thì tôi e rằng các cải cách về hành chính và chính sách khác khó có kết quả như ý.

Nhà nước và các cấp chính quyền phải “phục vụ” người dân chứ không phải là “chăm lo” cho dân. Nếu “phục vụ” không đạt thì có thể bị phạt, sẽ làm tăng tính trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý (“đầy tớ” bị chủ phạt khi không hoàn thành trách nhiệm) chứ nếu “chăm lo” không đạt thì khó có động lực để cải tiến tốt hơn (cha mẹ “chăm lo” cho con không đạt thì có ai kỷ luật cha mẹ đâu?!).

PHẠM TUẤN KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên