Thanh niên Việt kiều ra Lý Sơn cùng “Biển đảo quê hương tôi”Trại hè biển đảo quê hương: kiều bào hướng về Tổ quốc
![]() |
Các đại biểu Trại hè Việt Nam 2014 tập các tiết mục văn nghệ về biển đảo quê hương chuẩn bị cho đêm bế mạc - Ảnh: Mai Vinh |
Hành trình hơn 10 ngày đi qua các di tích, bảo tàng lịch sử và sống cùng ngư dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khắc sâu nơi các bạn trẻ kiều bào một tình yêu nước đã trọn hình, trọn nét.
Bạn Nguyễn Huy Trường Nam (sinh viên, 18 tuổi) được sinh ra tại Nga, không quên cảm giác xúc động khi tặng quà cho ngư dân Trần Hoàng Đạo vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa. “Mình bắt tay anh ấy và hãnh diện hơn bắt tay bất kỳ một người nổi tiếng nào. Đôi tay chai sạn ấy gan dạ bám biển Tổ quốc, bất chấp sự đe dọa” - Nam nói trong dạt dào cảm xúc.
Ở Nga, ba mẹ đã dạy Nam tình yêu Tổ quốc nhưng với bạn, khái niệm đó quá mơ hồ. Những ngày ở Lý Sơn, Nam đã nhận ra rằng với mình tình yêu nước được định hình rõ ràng, đó là những ngư dân can trường bám biển: “Mình tưởng tượng những ngư dân trẻ gan dạ đó là những cột mốc chủ quyền sống”. Tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Nam và những trại sinh khác đã tiếp cận được những tài liệu minh chứng cho chủ quyền vùng biển Việt Nam. Nam nói: “Khi ở Nga có người hỏi về chủ quyền đất nước, tôi có kể lại những điều đọc được trên báo nhưng vẫn chưa chắc lắm. Giờ tôi đã thấy, đã tin và tôi sẽ nói về những điều đó bằng tất cả niềm tin của mình dành cho Tổ quốc”.
Nam nói bạn tin tiếng nói của mình về chủ quyền đất nước sẽ có giá trị hơn sau hành trình này, đơn giản vì bạn đã chạm tay vào những cứ liệu lịch sử nên không chỉ là người kể mà đã là người trong cuộc.
Còn Nguyễn Nam Khánh (23 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Czech. Ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, nghe gia đình thảo luận về sự kiện này, Khánh bật ra ca khúc Hướng về biển đảo quê hương, bài hát dạt dào cảm xúc.
Đặt chân lên đảo Lý Sơn, Khánh đã gặp một phụ nữ và nghe bà kể quanh năm suốt tháng ngóng chồng và hai con trai luôn lênh đênh trên biển Hoàng Sa. Rồi những phụ nữ khác cũng y hệt vậy. Khánh bảo: “Tôi nhìn thấy ánh mắt lo lắng triền miên của họ. Tôi tự hỏi: có phải Tổ quốc được xây nên từ sự hi sinh của những phụ nữ này? Mỗi lần tôi đi xa mẹ tôi lo đến mất ngủ, vậy nỗi lo của những phụ nữ này lớn đến mức nào khi chồng con của họ đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mà chủ quyền ngày đêm bị đe dọa?”.
Khánh bảo mình sẽ không về nước ngay sau trại hè này mà sẽ đi dọc bờ biển khoảng hai tuần để có thêm vốn sống, ấp ủ những bài hát về những người phụ nữ miền biển và những ngư dân ngoan cường.
Trại hè Việt Nam 2014 kết thúc sau đêm bế mạc 24-7. Và cũng từ đấy, tình yêu nước trong các bạn trẻ đã ra hình hài. Như Phạm Thị Hải Lê (20 tuổi, sống ở Ukraine) cụ thể hóa tình yêu nước bằng những tấm bản đồ chủ quyền mà cô chụp tỉ mỉ trong suốt hành trình của trại hè. Cô bảo: “Tôi sẽ chia sẻ bản đồ trên các trang mạng của bạn bè quốc tế, làm cho nhiều người thấu hiểu Việt Nam”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận