11/08/2017 08:43 GMT+7

Dân TPHCM đã kẹt xe, lại thêm khổ với đào đường mùa mưa

THU DUNG - THU TRANG - N.ẨN
THU DUNG - THU TRANG - N.ẨN

TTO - Mưa gió liên tục đã ảnh hưởng lớn tới quá trình đào đường ở TP.HCM để lắp đặt công trình ngầm, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của người dân.

Đào đường để ngầm hóa cáp điện thoại, cáp thông tin trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp đêm 29-7) - Ảnh: T.T.D.
Đào đường để ngầm hóa cáp điện thoại, cáp thông tin trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp đêm 29-7) - Ảnh: T.T.D.

Đã vậy, nhiều tuyến đường được tái lập mặt đường kém chất lượng khiến người dân thêm bức xúc.

Tái lập mặt đường bê bối

Công trình đào đường cải tạo hệ thống thoát nước đường Gò Dưa (Q.Thủ Đức) đã kéo dài hơn một tháng nay. Hằng ngày, từ 9h tối đến 5h sáng đoạn đường này được rào chắn và ngăn xe cộ ra vào để thi công.

Đơn vị thi công tái lập mặt đường theo từng đoạn đã làm xong, nhưng nhiều người dân than phiền mặt đường bắt đầu xuống cấp, lồi lõm sau khi được tái lập. Một số đoạn còn bị nứt, nước đọng khắp nơi, hàng loạt ổ gà bắt đầu hình thành.

Tại một số quốc gia, khi làm đường họ làm sẵn hạ tầng kỹ thuật cho các công trình sau này, nên không có chuyện đường bị kẻ đào, người bới."

Một cán bộ Sở Giao thông vận tải

Anh Trương Thanh Tùng, người dân ở khu vực đường Gò Dưa, cho biết đoạn đường này vốn rất đẹp, không có ổ gà, lún nứt, nhưng đến nay sau khi bị đào đường và tái lập, mặt đường bị hư hỏng, bong tróc, dọc đường xuất hiện 3-4 trũng nước sâu.

10h đêm 1-8, mặc dù trời mưa, tại công trình đường Gò Dưa vẫn có hàng chục công nhân đào đường. Một công nhân cho biết suốt một tháng qua mưa gió liên miên, nên quá trình thi công đào đường bị ảnh hưởng nặng nề. Mặt đường sau khi tái lập bị thấm nước mưa nên kết cấu nền đường không chắc chắn, rất dễ bị lồi lõm khi xe cộ đi qua.

Chúng tôi đến công trình đào đường ngầm hóa lưới điện ở tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Đỗ Quang Đẩu... (Q.1) vào ban đêm lúc trời mưa lâm râm, nhiều công nhân vẫn cặm cụi đào cho xong những mét cuối cùng.

Anh Trần Văn Tấn - công nhân - cho biết: “Thi công đào đường mùa mưa cực không gì tả nổi như chậm tiến độ, không hoàn thành kịp thời gian theo hợp đồng. Khổ nhất là đã cố gắng tái lập mặt đường rất chắc chắn nhưng mặt đường vẫn bị sụp hoặc lõm xuống, gây nguy hiểm cho người đi đường”.

Còn tại khu vực đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), người dân cũng bức xúc do mặt đường mới tái lập chưa bao lâu mà đã bị lõm, lún sụt...

Ông Nguyễn Bật Hận, phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, cho biết đơn vị đã tăng cường xử phạt các đơn vị thi công đào đường gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, nhất là công trình thi công trong mùa mưa.

Mới đây, thanh tra sở đã xử phạt đơn vị thi công đào đường Tạ Quang Bửu vì để mặt đường ngập nước, gây khó khăn cho người dân đi lại. “Trong sáu tháng đầu năm nay, thanh tra sở đã lập biên bản xử phạt 353 nhà thầu thi công với số tiền phạt hơn 2,6 tỉ đồng” - ông Hận cho biết.

Chủ đầu tư công trình nói gì?

Theo Sở Giao thông vận tải, trong năm nay các ngành điện, nước, thoát nước, cáp quang... triển khai thi công 518 công trình đào đường. Ông Nguyễn Thành Phương, giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành, cho biết trong năm nay đơn vị đào khoảng 20km đường và đến đầu mùa khô đã thực hiện được 50% số lượng.

Tại sao lại đào đường vào mùa mưa? Theo ông Phương, do có quá nhiều công trình phải đào đường nên không thể hoàn thành trong mùa khô, buộc phải đào đường vào mùa mưa.

Cũng theo ông Phương, một công trình đào đường liên quan đến bốn ngành và mất gần bốn tháng để hoàn tất hồ sơ thiết kế. Tại sao mặt đường mới tái lập nhưng đã nhanh xuống cấp? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Phương lý giải: “Công trình đào đường lắp đặt ống nước nhỏ chỉ rộng 4 tấc, trong khi bánh xe lu loại nhỏ rộng 8 tấc. Vì vậy, công nhân phải dùng đầm bàn (đầm con cóc) để nén đường nhựa, chất lượng nén không bằng xe lu nên đường dễ bị lún”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Hảo Tài - trưởng Ban quản lý dự án cấp nước, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - cho biết đào đường sau tháng 12 hằng năm là lý tưởng nhất vì vào mùa khô. Thế nhưng đến tháng 3 hằng năm mới có các giấy phép thi công, trong khi tháng 4 bắt đầu mùa mưa. “Thi công vào mùa mưa gặp nhiều khó khăn vì đường ngập nước phải bơm hút, đường ướt khiến nhựa kém ổn định” - ông Tài nói.

Vì sao các chủ dự án không phối hợp trong thi công đào đường để tránh tình trạng đường bị đào bới nhiều lần? Một cán bộ Sở Giao thông vận tải cho biết do chủ đầu tư dự án điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông... có nguồn vốn và kế hoạch đầu tư xây dựng khác nhau nên khó phối hợp đồng bộ đào đường.

Cơ chế cấp vốn khiến phải đào đường vào mùa mưa

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết theo quy định hiện nay, chủ đầu tư dự án phải trình dự án trước ngày 31-10 hằng năm và đến đầu tháng 1 năm sau khi dự án được ngân sách cấp vốn, đơn vị mới làm thủ tục đấu thầu.

Sau đó, khi có kết quả chọn nhà thầu mới xúc tiến xin phép đào đường nên đến tháng 3 hoặc tháng 4 mới triển khai thi công đào đường, lúc này lại rơi vào đầu mùa mưa. Theo các chủ đầu tư dự án, với cơ chế cấp vốn như hiện nay khó tránh khỏi đào đường vào mùa mưa.

THU DUNG - THU TRANG - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên