12/03/2006 09:00 GMT+7

Dân số TP.HCM & dự báo 2025: "Nóng" ở hạt nhân

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA

TTCN - Dân số TP.HCM chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu là tăng cơ học. Trong những năm tới, người nhập cư từ các nguồn sẽ tiếp tục vào thành phố. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này:

ZH4sNkk6.jpgPhóng to
Trước năm 2002 đã có 26 tòa nhà trên 20 tầng, trong năm năm tới có khoảng 25-30 tòa nhà như thế nữa...
TTCN - Dân số TP.HCM chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu là tăng cơ học. Trong những năm tới, người nhập cư từ các nguồn sẽ tiếp tục vào thành phố. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này:

- Thành phố vẫn là miền đất “hứa” nơi có nhiều cơ hội về việc làm, học hành, thăng tiến cao hơn so với toàn vùng Trung và Nam bộ.

- Đất đai vẫn còn có thể khai thác được, nếu các dự án lớn như khu dân cư Tây Bắc Củ Chi và khu vực Phước Kiểng, Nhà Bè được khởi động. Một số dự án khác phía nam Sài Gòn cũng sẽ hút một lượng dân cư từ bên ngoài vào.

- Các trường đại học và cao đẳng tiếp tục tăng về qui mô đào tạo theo kế hoạch hằng năm (số trường không tăng nhưng số chỉ tiêu tăng nhanh).

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ô nhiễm, chuyên về dịch vụ sẽ tăng khi mà đời sống người dân tăng cao. Ở đô thị có khoảng 120 loại dịch vụ, trong đó có hơn 30 loại dịch vụ thiết yếu, số dịch vụ mới tiếp tục gia tăng nhanh.

- Thành phố trở nên hiện đại và hấp dẫn hơn nên sức hút tỏa ra khá mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài và những người nước ngoài làm việc và học tập ở VN.

Từ nay đến 2025 dân số tăng ra sao?

TP.HCM tái đô thị hóa vào năm 1990 đến nay đã được 15 năm, nếu theo qui luật thì chậm lắm đến năm 2025 giai đoạn quá độ đô thị sẽ kết thúc.

Trong lịch sử phát triển của thành phố có ba thời điểm tăng giảm dân số rất đột ngột là vào 1954 khi gần 700.000 người di cư từ Bắc vào Sài Gòn (có tài liệu nói hơn 1 triệu), năm 1977-1980 thành phố giảm nửa triệu do vượt biên, chương trình kinh tế mới, người Hoa trở về Trung Quốc và hồi hương sau chiến tranh, và năm 1997-2004 là giai đoạn tăng nhanh nhất sau 30 năm thống nhất đất nước, sau sáu năm tăng thêm hơn 1.250.000 người (tỉ lệ tăng là 3,16%/ năm).

Mỗi thời điểm gắn với một số biến cố chính trị - xã hội đột biến. Với nghiên cứu của mình, tôi tin chắc rằng những tác nhân đột biến để tăng dân số bất thường như vậy sẽ không còn nữa.

Để lý giải điều này, chúng ta cần xem xét qui luật “Quá độ đô thị” và “Quá độ dân số”. Quá độ đô thị và quá độ dân số không hoàn toàn trung khớp nhau, nhưng chắc chắn có tác động đến nhau và có quan hệ “nhân - quả” với nhau, Tiến trình phát triển thuận lợi hay khó khăn của chúng sẽ tác động đến mức độ tăng giảm và di chuyển.

Quá độ đô thị là giai đoạn tất yếu phải trải qua khi những thành phố nâng cấp từ nhỏ lên lớn từ tiền công nghiệp lên công nghiệp hóa. Giai đoạn này thường kéo dài 20-25 năm, khi ấy tiến trình đô thị hóa theo chiều rộng thiên về lượng kết thúc, chuyển sang phát triển theo chiều sâu thiên về chất. Công nghiệp hóa cũng chuyển từ giai đoạn phát triển thô sang phát triển chất lượng cao.

Xã hội phát triển tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế không còn cao thấp thất thường mà đi vào ổn định. Cấu trúc kinh tế cũng trong tình trạng thăng bằng trong một thời gian dài. Song song với quá độ đô thị, dân số cũng trong tình trạng bình ổn không có gia tăng hay giảm sút đột biến nữa, nếu có tăng thì tăng chậm và cân bằng trên cả ba bình diện sinh, tử và xuất nhập dân số nội vùng và liên vùng.

Những nhân tố sau đây cho phép chúng ta có thông tin dự báo để phác thảo bức tranh dân số trong những năm tới:

- TP.HCM đang cố gắng thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng lao động có hàm lượng chất xám, tăng lao động “cổ cồn trắng”, giảm bớt lao động thủ công. Đây là sự cố gắng hợp qui luật để kết thúc giai đoạn đô thị hóa theo chiều rộng và công nghiệp hóa thô (trên thế giới gọi là công nghiệp hóa kiểu cổ điển).

Các loại doanh nghiệp sử dụng nhân công nhiều, chiếm dụng mặt bằng lớn, thời gian khấu hao thiết bị lâu, đầu tư ban đầu vào nhà xưởng lớn như dệt may, da giày sẽ không còn được ưu tiên nữa. Các loại hình khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung không còn được đề cao mà hướng trọng tâm vào đặc khu kinh tế đa chức năng kiểu như Thâm Quyến, Chu Hải của Trung Quốc; Đài Trung của Đài Loan; Masan, Pusan của Hàn Quốc. Hàn Quốc vốn là cha đẻ của khu chế xuất đã kết thúc loại hình này vào khoảng năm 1980.

- Các tỉnh thành lân cận của TP.HCM cũng tăng tốc phát triển, đặc biệt là Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là nơi chia sẻ mạnh mẽ lực lượng lao động với TP.HCM.

- Các thành phố được nâng cấp từ loại 3 lên 2, loại 2 lên loại 1 sẽ tăng sức cạnh tranh và tạo sức hút cục bộ, giữ một phần lao động nông thôn ở lại, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng ở miền Trung và Cần Thơ ở miền Nam sẽ là những thành phố đối trọng chia sẻ với TP.HCM.

- Nếu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM và bảy tỉnh thành vận hành hiệu quả, và vùng đô thị miền Nam với hạt nhân là TP.HCM được hình thành và phát triển tốt thì khả năng điều phối lao động, nguồn nhân lực, nguồn vốn sẽ chủ động hơn.

- Giá cả sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là nhà cửa, đất đai (mặc dù nghị định mới của Chính phủ cho phép phân lô bán nền ở một số huyện), sức hút người dân đổ dồn về mua đất xây nhà không còn như những năm trước nữa.

- Trong khoảng 10 năm tới, các trường đại học cộng đồng của các tỉnh sẽ được hoàn thiện hơn. Các tỉnh xung quanh thành phố đều hình thành hệ thống trường đại học dân lập, như đại học ở Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An.

- Sẽ có một số ngành nghề hút nhân lực nhưng không nhiều như các doanh nghiệp nhỏ với qui mô khoảng 7 đến hơn 10 nhân công, các công việc như phụ việc gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống.

Với những lý do trên cho phép khẳng định dân số tăng nhưng tốc độ không cao, mức tăng chỉ 1,8-2%/năm từ nay đến 2010 và sẽ bình ổn mức 1,2-1,5%/năm từ 2010-2025. Tức là mỗi năm chỉ tăng 100.000-120.000 người, như vậy sau 20 năm nữa (2025) dân số thành phố sẽ vào khoảng 8-9 triệu và chắc chắn không thể nào quá 10 triệu người.

Theo tôi, đây là mức có thể chấp nhận được, nếu TP.HCM quá 10 triệu lên tới 12 triệu người là vượt quá ngưỡng và sẽ gây ra những biến động khôn lường. Khi ấy thành phố sẽ rơi vào khủng hoảng do các dịch vụ như điện, nước, giao thông, liên lạc, y tế, giáo dục, thu gom rác thải, lương thực thực phẩm đều bị quá tải.

Vấn nạn dân số nào là đáng báo động?

Nếu như dân số liên vùng không đe dọa TP.HCM, nguy cơ lại xuất hiện ở phân bổ nội vùng. Điều lo lắng nhất là khu vực trung tâm và đặc biệt là hạt nhân thành phố sẽ tăng dân cư trở lại sau khi giảm đôi chút. Khu vực trung tâm ở đây được hiểu là Q.1 và Q.3. Từ năm 1997-2004, dân số ở các quận trung tâm giảm dần. Q.1 giảm từ 282.000 xuống còn 198.000 (2,43%/năm) từ 1997-2004; Q.3 giảm 1,82%/năm trong giai đoạn từ 1997-2004 là 260.000 giảm còn 201.000. Nhưng từ 2005 trở đi đang có nguy cơ tăng trở lại.

Lý do là UBND thành phố, Sở Qui hoạch - kiến trúc đã tạo điều kiện cho xây dựng quá nhiều cao ốc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và chung cư cao tầng theo cách thức móc lõm các trục đường của khu vực hạt nhân thành phố. Khu vực hạt nhân ở đây là phần đất nằm ở Q.1 và Q.3 với diện tích là 7,5km2.

Khu vực này là Sài Gòn (cũ) được hình thành từ thời thuộc địa nơi tập trung các cơ quan hành chính, chính trị, kinh tế, ngoại giao quan trọng nhất, mà trong các qui hoạch khởi thủy người Pháp chủ trương không xây dựng nhà cao tầng (thực tế qui hoạch này giữ được đến trước 1990, công trình đầu tiên phá vỡ ý đồ này là Metropolitan xây dựng năm 1997, sau đó là Diamond Plaza xây dựng năm 1998).

Khu vực này được bao bởi các con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám - Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng ngày nay. Trước năm 2002 đã có 26 tòa nhà trên 20 tầng, trong năm năm tới có khoảng 25-30 tòa nhà như thế nữa đang được xây dựng, một số mới khởi công và một số khác đã được cấp giấy phép. Trong khu vực Q.1, Q.3 sẽ dày đặc các tòa nhà cao tầng, trong số đó có các dự án với qui mô dân cư rất lớn, số căn hộ cho thuê lên đến hàng ngàn.

Hầu như tất cả các dự án xây dựng cao ốc đa chức năng thì phần căn hộ cho thuê bao giờ cũng chiếm 40-50% tổng diện tích mặt bằng xây dựng, chẳng hạn như dự án khu Bến Thành - tứ giác Mã Lạng của Bitexco có tổng diện tích hơn 10ha nằm ngay giữa Q.1 sẽ là một tổ hợp cao ốc, văn phòng cho thuê, siêu thị với tầng cao trung bình 40-55 tầng.

Hệ quả này chắc chắn sẽ làm tăng dân cư nơi trung tâm. Một số người cho rằng chỉ tăng dân số “động” vào ban ngày, còn dân số “tĩnh” vào ban đêm sẽ không có nhiều. Thật sự đây là một sự ngụy biện, bởi vì dân số tăng bất kỳ dưới dạng nào nhưng khi mật độ tập trung cực cao vào một điểm thì cũng sẽ dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, điện, xử lý rác thải, tắc nghẽn giao thông, quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội như chợ, trường học cho trẻ em, dịch vụ hành chính công, an ninh trật tự, dịch vụ vui chơi giải trí...

Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối của các nhà kinh tế, quản lý đô thị, xã hội học nhưng dường như không có tác dụng gì.

Một ví dụ điển hình là thành phố Seoul, từ năm 1985 chính phủ đã ban bô luật đô thị, trong đó có điều khoản hạn chế phát triển ở khu trung tâm của thành phố. Các công sở, trường học, công ty có diện tích mặt sàn từ 100.000m2 trở lên, cũng như các tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên phải di chuyển ra ngoài cách thủ đô 30km. Các dự án mới có khả năng làm tăng dân số không được triển khai ở trung tâm mà phải chuyển ra các vùng khuyến khích phát triển.

Như vậy, vấn đề dân số đối với TP.HCM trong thời gian tới không là quá lo lắng với việc tăng lượng nhập cư mà là ở hai điểm: thứ nhất là kiểm soát và phân bổ nội vùng sao cho hợp lý, thứ hai là nâng cao chất lượng dân số (sức khỏe, học vấn, tay nghề, kỹ năng sống, văn hóa).

(giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cộng đồng)

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên