Chỉ cảnh sát giao thông mới được xử phạt xe ba bánh vi phạm
![]() |
Một dân quân tự vệ làm đúng trách nhiệm hướng dẫn, điều tiết giao thông tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp sáng 31-12-2009) - Ảnh: Gia Minh |
Theo thượng tá Trần Văn Trình - phó trưởng Công an Q.Tân Bình, các lực lượng hỗ trợ như dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố và lực lượng thanh niên xung phong chỉ giữ vai trò hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông, tuyệt đối không được phép dừng xe hay truy đuổi người vi phạm.
Dân quân, dân phòng lạm quyền
Theo phản ảnh, nhiều trường hợp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của công an hay lực lượng hỗ trợ, bị lực lượng này rượt đuổi, đạp ngã xe, hành hung. Nhiều người còn phản ảnh lực lượng dân quân, dân phòng lạm quyền, tự ý bắt giữ, đánh đập người vi phạm khi đi đường. Tuy nhiên, hầu hết vụ việc này khó xác minh bởi khi xảy ra chuyện chỉ có nạn nhân và những dân quân, dân phòng liên quan. Trong trường hợp có nhân chứng, vật chứng thì tùy sự tích cực của những người có trách nhiệm sự việc mới được làm sáng tỏ.
Câu trả lời chung của cơ quan chức năng khi tiếp nhận những phản ảnh nói trên là “không đủ cơ sở chứng minh”. Trong khi đó, nhiều người dân rất bức xúc về sự lộng hành của không ít “ông kẹ” mang danh dân quân, dân phòng.
Nhiều người dân buôn bán quanh khu vực trụ sở Công an P.1, Q.Tân Bình khẳng định từ 18g-20g, công an và lực lượng bảo vệ dân phố hay dân phòng đều ra đứng trước cửa công an phường chặn những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Trước đó, một số người dân tại P.15, Q.Tân Bình cũng phản ảnh bị những người mặc đồng phục làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng công an truy đuổi, đạp đổ xe, đánh khi họ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Sau khi bị đạp đổ xe, bị đánh, nạn nhân đã gọi người thân ra tìm người hành hung mình nhưng người đó không còn tại hiện trường...
Nhiều bà con ở vùng ven hay các khu vực xa trung tâm thành phố cũng gửi đơn, thư tới báo Tuổi Trẻ phản ảnh việc họ bị lực lượng mặc đồng phục dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố nhũng nhiễu, xúc phạm, hành hung gây thương tích.
Sẽ chấn chỉnh việc làm sai
Thượng tá Trần Văn Trình khẳng định các quy định chỉ cho phép lực lượng bảo vệ dân phố hay các lực lượng phối hợp, giúp việc khác như dân phòng, dân quân tự vệ được phối hợp với các lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết giao thông hoặc kiểm tra hành chính khi có yêu cầu. Nếu lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ đứng ra chặn xe, truy đuổi xe vi phạm như người dân phản ảnh là sai, sẽ sớm được chấn chỉnh.
Khi được hỏi về cách xử lý đối với những trường hợp “lạm quyền, vượt quyền” của lực lượng hỗ trợ, thượng tá Trình cho biết do lực lượng này trực thuộc UBND cấp phường nên công an quận không thể xử lý trực tiếp mà phải báo cáo, tham mưu cho UBND các cấp xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Ai được phép xử phạt người vi phạm Luật giao thông đường bộ? Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ chủ tịch UBND các cấp, trưởng công an các cấp; lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ; lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và lực lượng thanh tra giao thông đường bộ mới được phép xử phạt người vi phạm các quy định về Luật giao thông đường bộ. Trong trường hợp người đứng đầu (chủ tịch UBND phường, xã và trưởng công an cùng cấp) huy động lực lượng dân quân, dân phòng... đi hỗ trợ, nhưng lại cho phép lực lượng này dừng xe, truy đuổi người vi phạm thì tùy mức độ hậu quả gây ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm từ xử lý hành chính tới hình sự và phải bồi thường thiệt hại vật chất nếu có. Đối với những người trong lực lượng hỗ trợ tự ý dừng xe, truy đuổi người vi phạm thì tùy mức độ sai phạm có thể bị kiểm điểm, bị đuổi khỏi lực lượng hoặc truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích, tử vong cho người bị truy đuổi. Việc đánh, bắt giữ người trái pháp luật đương nhiên không ai được làm, những người nhân danh lực lượng dân quân, dân phòng... để thực hiện việc làm trái pháp luật sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, người có trách nhiệm quản lý, điều hành lực lượng này tại địa phương cũng phải chịu trách nhiệm liên đới theo luật định. |
........................................................................................................................................
Ý kiến bạn đọc
* Chuyện này cũng xảy ra một thời gian rồi, giờ mới được báo Tuổi Trẻ phản ánh. Đôi lúc chúng tôi đi về thường xuyên thấy cảnh dân phòng và cả công an phường chặn người dân không đội mũ bảo hiểm để xử phạt, lập biên bản. Có lần một thanh niên vì không chấp hành hiệu lệnh dừng của dân phòng thì liền bị một dân phòng khác chạy tới đạp ngã xe và dùng dùi cui đánh.
* Luật thì vậy nhưng người dân có mấy ai rành. Ngay cả dân phòng còn không biết nữa. Nên chăng mỗi phường, xã hoặc xóm ấp cho treo bảng, dán những thông tin như thế để người dân đến đọc và tìm hiểu luật một cách chính xác.
* Tôi đang làm việc ở Hà Nội, tôi thấy tình trạng này xảy ra cũng nhiều và chính tôi đã từng bị mấy anh dân phòng cầm dùi cui vụt vào người. Nay thấy báo Tuổi Trẻ đăng thế này mới biết là dân phòng không được phép bắt người hoặc dừng xe người vi phạm.
* Việc khẳng định dân quân, dân phòng không được dừng xe người vi phạm là việc làm cần thiết lúc này. Tuy nhiên hãy lưu ý xem việc này đã không được triển khai đồng bộ chưa. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh việc hướng dẫn, giáo dục các quy tắc ứng xử cho người thi hành công vụ để khỏi dẫn đến nhiều tình huống vi phạm pháp luật, lạm quyền, chướng tai gai mắt.
Người dân chấp hành pháp luật, sẵn sàng hợp tác với những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn giao thông, vì văn minh đô thị, vì lợi ich cho bản thân cũng như vì cộng đồng, nên người dân sẽ cảm thấy tổn thương, khi gặp cách đối xử không đúng chừng mực của lực lượng dân quân, dân phòng.
* Phải khẳng định rằng việc lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tự ý dừng xe là sai, phải chấn chỉnh. Tuy nhiên theo hiểu biết của tôi, cần phải làm cho mọi người hiểu rằng lực lượng công an phường là lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được phép tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong các tuyến đường nội phường, liên phường nhưng phải tuân theo đúng quy trình tuần tra kiểm soát, việc lập biên bản và xử lý phải theo quy định.
Một số ý kiến cho rằng công an phường không có quyền nêu trên là không đúng. Nên tránh hiểu nhầm để không xảy ra các trường hợp cãi cọ, chống đối đáng tiếc.
* Khi nhìn nhận hay phán xét một sự việc phải nhìn tổng thể, ở một số địa phương khi thực hiện dọn dẹp lòng đường vỉa hè (đặc biệt là khu vực chợ) không phải có 1 công an hay 1 cảnh sát giao thông, 1 Chủ tịch UBND phường (hoặc phó chủ tịch) mới làm được mà đòi hỏi phải có nhiều lực lượng tham gia phối hợp như dân phòng, dân quân, thanh tra xây dựng...
Do đó, nếu thấy một dân phòng, dân quân đang chặn cá nhân nào đó để xử lý vi phạm, trước tiên hãy xem cá nhân đó có vi phạm pháp luật không, tại khu vực đó có lực lượng công an hay đại diện chính quyền sở tại có tham gia không. Có nhìn nhận như vậy mới thấy sự việc này chính xác hay phiến diện, nếu không sẽ không thể gìn giữ được trật tự đô thị.
* Nhờ các anh dân quân và công an phường ra chặn người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy mà đoạn đường gần nhà tôi hầu như 100% đội mũ bảo hiểm. Thế,nhưng khi ra khỏi đoạn đường này họ lại tháo mũ ra!
Tôi thiết nghĩ lực lượng CSGT thì rất mỏng mà các con đường tầm trung bình thì rất nhiều, nên làm sao các anh ấy tuần tra cho hết. Cộng thêm là có nhiều người tham gia giao thông chỉ sợ CSGT chứ không sợ luật giao thông!
Tôi thấy chỉ những cung đường nào có tình hình giao thông phức tạp và có quá nhiều người xem thường luật giao thông thì mới được bố trí các anh dân quân và công an. Với tâm lý không sợ luật giao thông mà chỉ sợ cảnh sát giao thông, nay nếu có thêm các anh dân quân tham gia nữa thì tôi nghĩ cái ý thức chấp hành của mọi người sẽ cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận