14/11/2021 10:39 GMT+7

Đàn ông muốn được vợ nuôi, xã hội có coi thường?

MI LY
MI LY

TTO - Vì vợ có lương cao và công việc ổn định, một người chồng muốn đi làm phim và để vợ nuôi. Nhưng lựa chọn này không dễ khi hai vợ chồng có con nhỏ và do áp lực từ khuôn mẫu 'đàn ông là trụ cột'.

Đàn ông muốn được vợ nuôi, xã hội có coi thường? - Ảnh 1.

Hai cha con đi dạo và mua sắm ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong cuộc trò chuyện "Khuôn mẫu giới trong vấn về việc làm và thăng tiến nghề nghiệp" hôm 13-11, nhiều diễn giả cũng là phụ huynh chia sẻ câu chuyện riêng của mình.

Muốn vợ nuôi để theo đam mê nhưng tự áp lực

Cách đây ba năm, anh Vũ Hải Linh (hiện là quản lý dự án giáo dục) muốn thay đổi công việc. Anh thích điều phối, chạy nhảy, không tìm việc quá ổn định nên muốn đi làm phim. Đó cũng là lúc vợ chồng anh có em bé. 

Vợ chồng anh đi đến quyết định anh Linh phải có công việc ổn định hơn thay vì làm phim - công việc mà tháng thì có lương, tháng thì không. Hai năm qua cũng là thời gian có dịch COVID-19 khiến anh Linh có thời gian ở nhà chơi với con nhiều hơn.

Trong khi gia đình hai bên không gây áp lực "đàn ông phải làm trụ cột kinh tế", anh Linh vẫn cảm nhận được áp lực từ chính mình bởi vợ anh có lương cao và công việc ổn định hơn. 

"Tôi nhận ra mình không thể dựa vào vợ mãi được, ít nhất phải hợp tác nuôi con. Bài toán kinh tế là áp lực tôi phải tìm lời giải đáp. Nhưng tôi luôn nhen nhóm là sau ba năm ổn định, có một khoản tiết kiệm thì sẽ đi làm phim tiếp" - anh Hải Linh nói.

Bên cạnh áp lực từ chính mình, người đàn ông cũng chịu áp lực từ xã hội. Khuôn mẫu "nữ chăm sóc gia đình, nam làm kinh tế và trụ cột" đã được áp lên các gia đình Việt Nam từ lâu. Anh Linh cho rằng trước khuôn mẫu giới, đàn ông vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Chị Thanh Ngọc, một giảng viên đại học ở Hà Nội, cũng khuyên chồng bỏ công việc kiểm toán từng khiến anh là niềm tự hào của gia tộc để chọn "hạnh phúc từ trong tâm", theo đuổi nghề nông nghiệp anh thích. Lựa chọn này không được gia đình hai bên ủng hộ, nhưng hai vợ chồng động viên nhau là hãy sống theo cách mình muốn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương - chuyên gia về lĩnh vực này - là người chống lại khuôn mẫu về cả nghề nghiệp, chuyện lập gia đình, có con. 

Nhưng khi trở thành mẹ và phải dạy con, chị nhận ra mình phạm vào những khuôn mẫu giới đang muốn thoát ra, ví dụ: yêu cầu con gái phải học nấu ăn, con trai phải là trụ cột gia đình.

Chị Quỳnh Phương phân tích ở góc độ nào đó, khuôn khổ khiến chúng ta thoải mái và dễ sống. Tuy nhiên sẽ có những lúc cái khuôn trở nên chật chội, đặc biệt khi mâu thuẫn với những thôi thúc cá nhân như trường hợp anh Vũ Hải Linh.

"Chị làm việc nhiều thì khổ chồng con nhỉ"

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị An hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Phụ nữ làm nghiên cứu phải đi công tác, điền dã nhiều. 

"Ở văn phòng chỉ mình tôi có con. Tôi từng rất xấu hổ khi phải rời cơ quan lúc 5h chiều. Những người khác ngồi từ 7h sáng đến 9h tối để làm hết công việc" - chị An nói. 

Chị cho rằng cuộc đời mình là sự kháng cự định kiến giới nhưng lại cố phù hợp với khuôn mẫu giới: vào viện nghiên cứu để thoải mái bay nhảy thì lại bị các khuôn mẫu tấn công.

Chị An cố gắng vừa làm tốt công việc, vừa chu toàn gia đình. Nhưng khi chị lên chức quản lý, ở cơ quan từ 8h sáng đến 8h tối lại vấp phải lời nhận xét gây tổn thương như: "Công nhận chị làm việc thì tốt thật nhưng khổ cho chồng con nhỉ, chị có khi còn chả biết con đang học lớp mấy".

Có thể thấy cả đàn ông lẫn phụ nữ đều vất vả khi muốn phá bỏ khuôn mẫu giới về việc làm. Anh Đinh Trần Tuấn Linh, một phụ huynh, tự hào khi năm công ty trong hệ thống của anh đều có giám đốc điều hành là nữ. Trong gia đình anh, vợ lái xe và là chủ xe. Anh vui vẻ khi được ngồi trong xe vợ.

Phó giáo sư Phạm Quỳnh Phương chỉ ra rằng anh Tuấn Linh tự tin phá bỏ, thách thức khuôn mẫu giới trong công việc và gia đình vì chính anh cũng thành công, làm sếp. Còn với những người đàn ông có vị trí xã hội thấp hơn, điều đó không mấy dễ chịu.

Chị Quỳnh Phương cho biết bên cạnh xu hướng chống lại khuôn mẫu cũ thì có xu hướng chống đối ngầm. Người ta đang "diễn" rất nhiều về bình đẳng giới trên mạng xã hội, nhưng khi không lộ danh tính, họ lại ủng hộ giữ nguyên những khuôn mẫu cũ.

"Ngay trong một bộ phận giới trẻ, khuynh hướng bảo thủ còn khá mạnh. Điều này đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn có những bạn nam đánh giá các bạn nữ ngày nay là thực dụng, chỉ biết tiền bạc, không thể so sánh với các bà, các mẹ" - chị Phương nói.

Nghề nghiệp ngày càng phi giới tính

Gần đây ranh giới về giới tính trong nghề nghiệp nhòe dần đi. Những nghề phổ biến hiện nay là tiếp thị, quảng cáo, truyền thông hay các nghề trên không gian số hầu như "phi giới tính", nam hay nữ đều có thể làm.

Đừng nghĩ sướng như... đàn ông ly dị vợ Đừng nghĩ sướng như... đàn ông ly dị vợ

TTO - Nhiều người thường nghĩ sau ly hôn, cuộc sống của người phụ nữ sẽ thiệt thòi, trống trải, khó xây dựng được hạnh phúc hơn. Thế nhưng không chỉ vậy, sau ly hôn, đàn ông cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề…

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đàn ông vợ nuôi