22/06/2024 04:44 GMT+7

Đàn ông bị vợ chửi, cam chịu bạo lực gia đình

Không chỉ nữ giới, nam giới ngày nay cũng chịu nhiều áp lực về tâm lý, đặc biệt là định kiến giới. Tỉ lệ nạn nhân là nam giới bị bạo lực gia đình đang có dấu hiệu tăng. Nhiều người bị bạo hành từ thân thể, tinh thần đến kinh tế, tình dục.

Đôi khi những người đàn ông đang chịu ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống sẽ nghĩ rằng mình là phái mạnh phải là trụ cột, phải là người quan trọng nhất quyết định mọi việc... Những áp lực đó cần chính đàn ông phải cởi bỏ cho mình - Ảnh: NAM TRẦN

Đôi khi những người đàn ông đang chịu ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống sẽ nghĩ rằng mình là phái mạnh phải là trụ cột, phải là người quan trọng nhất quyết định mọi việc... Những áp lực đó cần chính đàn ông phải cởi bỏ cho mình - Ảnh: NAM TRẦN

Nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình, kêu ai?

Cam chịu bạo hành tinh thần

Theo báo cáo mới đây của bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới lại có dấu hiệu tăng.

Nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình trong đó chủ yếu là bạo lực tinh thần. Trên thực tế nhiều người nam bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Đa số cho rằng đó là "chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai".

M.T., 36 tuổi, đang làm việc cho một công ty tại Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM), tâm sự kể từ khi lập gia đình hơn 5 năm nay anh thường xuyên sống trong áp lực vì bị vợ cằn nhằn, chửi bới thường xuyên. Nhiều hôm vừa đi làm về tới nhà vợ đã khó chịu, lôi đủ mọi chuyện ra chửi bới.

"Tôi làm gì cô ấy cũng không hài lòng. Cuộc sống mưu sinh vốn đã vất vả, lương tháng công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt, đóng tiền trọ, tiền ăn uống và nuôi con đang đi học nên không mấy dư dả. Lúc nào cô ấy cũng chê bai tôi kém cỏi, vô tích sự, làm lớn mọi chuyện nhưng tôi chỉ biết im lặng làm ngơ", anh T. nói.

Anh T. cho biết vì muốn giữ gia đình êm ấm nên luôn nhịn vợ, không muốn ly hôn để con cái có đủ cha mẹ. Ngoài ra anh cũng ít tâm sự với người khác những chuyện trong gia đình vì sợ điều tiếng xấu. 

"Bạn bè làm cùng tôi đôi lúc họ cũng kể đã rơi vào hoàn cảnh tương tự bị vợ mắng, cằn nhằn vì có mức thu nhập không cao. Nhiều người chỉ biết cam chịu để giữ hạnh phúc gia đình, thậm chí tìm đến rượu, bia để giải tỏa căng thẳng", anh T. tâm sự.

Còn ông M. (65 tuổi, Hà Nội) thậm chí phải đến bệnh viện tâm thần thăm khám vì tâm trạng luôn u uất, buồn bực do thường xuyên nghe vợ la rầy. Ông chia sẻ trước đây làm công việc tự do, khi lớn tuổi hết sức lao động không có thu nhập. Trong khi đó, vợ ông là công chức xã về hưu, có lương hưu theo quy định.

"Từ ngày về hưu, dù tiền sinh hoạt con cái chu cấp hằng tháng nhưng vợ tôi luôn phàn nàn, thậm chí có những từ ngữ xúc phạm, nói rằng tôi không làm gì, ăn bám vợ con. Do buồn chán, tôi thường xuyên sang nhà hàng xóm chơi để "lánh nạn", hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với vợ. Nhưng bà ấy cũng chẳng tha, chỉ cần làm gì không vừa ý là lại chửi bới thậm tệ", ông M. buồn nói.

Tại bệnh viện ông M. được chẩn đoán trầm cảm nặng, có ý định tự sát. Các bác sĩ đã phải điều trị can thiệp tâm lý, hóa dược.

Khi bị bạo lực lâu dài, nhiều nam giới sẽ rất áp lực không muốn ở trong ngôi nhà đó nữa dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Ngoài ra tính tình họ thay đổi càng trở nên nóng tính, dễ cáu gắt hơn dẫn đến hàng loạt hệ lụy.

ThS tâm lý Trần Quang Trọng

Bạo hành gia đình không chỉ là dùng bạo lực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Ngô Thị Thanh Hương, chuyên ngành tâm thần Viện Ứng dụng công nghệ y tế, cho rằng nam giới ngày nay ngày càng chịu nhiều áp lực về tâm lý, đặc biệt là định kiến giới.

Định kiến giới làm mọi người ngầm hiểu: "Nam giới phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình, phải đảm đương trọng trách lớn lao. Chính những điều "mặc định" này khiến nam giới chịu áp lực rất lớn. Và nếu họ không đạt được những điều trên sẽ phải chịu sự phán xét của mọi người hay của chính người thân, bạn đời. Và với bạo lực gia đình ở nam giới, đó không chỉ là việc bạo lực bằng hành động, đánh đập mà chủ yếu là bạo lực về tinh thần", bà Hương chia sẻ.

Theo bà Hương, sự biểu hiện tâm lý của nam giới không giống như nữ giới. Khi nữ giới gặp các vấn đề có thể chọn lựa chia sẻ, nói chuyện với người khác để giải tỏa. Còn nam giới họ thường chịu đựng vì cho rằng nam giới phải mạnh mẽ, không kêu than.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS tâm lý Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực thể xác mà còn cả bạo lực về tinh thần thông qua ngôn từ, lời nói. Khi nam giới bị bạo lực tinh thần trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần khác nhau. Điển hình nhất chính là stress, căng thẳng do phải thường xuyên tiếp xúc, ăn ở, sinh hoạt trong gia đình hằng ngày.

Cần tìm gốc rễ vấn đề

Theo ông Trọng, muốn giải quyết vấn đề bạo lực gia đình cần tìm gốc rễ của vấn đề để giải quyết từ người bị bạo lực và người bạo lực.

Người vợ nên thẳng thắn chia sẻ những áp lực, vấn đề gặp phải với chồng để cả hai cùng lắng nghe nhau, thông cảm để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Nam giới nên giảm bớt áp lực công việc, dành nhiều thời gian cho gia đình, tham gia các hoạt động xã hội...

Bà Hương cũng cho rằng khi gặp vấn đề về tinh thần, thường xuyên căng thẳng trong mối quan hệ thì các cặp đôi nên được sự tham vấn của chuyên gia để được sự hỗ trợ kịp thời.

Cùng hành động ngăn bạo lực gia đìnhCùng hành động ngăn bạo lực gia đình

Trên 300.000 vụ bạo lực gia đình giai đoạn 2009 - 2018, tức trung bình trên 30.000 vụ/năm. Dẫu con số này giảm dần và đến năm 2022 chỉ còn trên 4.000 vụ nhưng bạo lực gia đình vẫn là câu chuyện nhức nhối, nhiều vụ chưa bị phát hiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên