Đánh cá trên lòng hồ thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Hồ Văn Trợ |
Báo Tuổi Trẻ ngày 25-10 đăng loạt ảnh biết nói “Thủy điện trong mắt các nạn nhân” phản ánh cuộc sống khốn khổ, luẩn quẩn của người dân ở miền Trung và Tây nguyên trong vùng tái định cư do ảnh hưởng của thủy điện.
Đây là một góc nhìn rất thực tế về tác động của thủy điện đến cuộc sống người dân.
“Nạn nhân” ở đây phần lớn lại thuộc tầng lớp dân nghèo và người dân tộc thiểu số. Hay nói cách khác, người dân nghèo điên đầu với thủy điện!
Qua hình ảnh “thủy điện trong mắt các nạn nhân”, công chúng dễ nhận thấy đây là cách làm thuộc dạng “điều tra cộng đồng” lấy ý kiến trực tiếp của người dân vùng bị ảnh hưởng.
Những hình ảnh trong phóng sự là có thật, phản ánh đúng những vấn đề đang xảy ra sau khi xây dựng thủy điện. Vấn đề ở chỗ, đây là tiếng nói của những người bị tác động một cách hoàn toàn “bị động”.
Họ không thể can thiệp vào việc thủy điện xây dựng ở đâu, tích nước hay xả nước khi nào, bao nhiêu diện tích đất hay ruộng nương, thủy sản bị mất.
Thậm chí họ cũng không có lựa chọn trong việc sẽ phải chuyển đi đâu, làm gì để sống khi cuộc sống và tập quán của họ bị thay đổi.
Từ hàng ngàn năm nay, các bản làng hình thành ven các sông suối, sau bao nhiêu thăng trầm, đối chọi với thiên nhiên để có cuộc sống hài hòa, ổn định. Rụp một cái, sự hài hòa đó bị phá hủy. Dân tái định canh, tái định cư.
Người dân tộc thiểu số quen sống dựa vào rừng, vào suối, nay tái định cư trên những khu phố với những căn nhà hình ống giống hệt chốn đô thành. Trống giong cờ mở ngày khánh thành. Ít lâu sau, hết tiền trợ cấp của mấy chủ đầu tư làm thủy điện, dân bắt đầu khó khăn.
Khó khăn thì lại vào rừng bởi rừng là của cha ông tổ tiên để lại. Cần gì biết luật. Lại phá rừng, làm nương, làm lán. Vài vụ, mưa gió lại cuốn hết những gì bổ béo của những vùng nương cheo leo, dân lại đi tìm rừng sâu hơn.
Vì vậy, di dân tái định cư không đơn thuần chỉ là đền bù, hỗ trợ về vật chất, quan trọng hơn là cần tìm ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế để giúp các hộ dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Trên bình diện quốc gia, không thể thiếu một quy hoạch bài bản và tầm nhìn dài hơi cho các công trình thủy điện khi trách nhiệm và trình độ quản lý của một số ngành liên quan đến công tác di dời, tái định cư còn nhiều hạn chế.
Cho nên cần sớm có một chính sách chung, thống nhất cho công tác di dân, tái định cư trong các công trình thủy điện, thủy lợi.
Trong quá trình lập kế hoạch di dân, tái định cư có thể khuyến khích các hình thức di dân không tập trung theo phương thức xen ghép và tự nguyện nhằm hạn chế sức ép đất đai tập trung, tăng cường khả năng tự điều chỉnh, tiến tới hồi phục nhanh cuộc sống của các hộ dân sau tái định cư.
Hiện nay, Nhà nước đang kêu gọi “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, phải chăng đây cũng là cơ hội tốt để tập trung giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng ở hạ du các công trình thủy điện.
Đứng về mặt đạo lý phải biết nhớ ơn và đền bù xứng đáng cho những người dân đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát khi phải rời quê hương di chuyển đến nơi ở mới, tái định cư vì phát triển thủy điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận