Ông Lê Văn Mười bên căn nhà bị giải tỏa. Hiện cả nhà ông phải đi ở nhà thuê - Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều hộ dân ở H.Bình Chánh (TP.HCM) bị thu hồi đất trong dự án này đã nhận tiền nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng do chưa được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng trên phần đất còn lại hoặc trên đất đã mua chỗ khác mà không phù hợp quy hoạch.
Có đất nhưng không được xây nhà
Ông Lê Văn Mười ở ấp 4, xã Đa Phước (H.Bình Chánh) là một trong số các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện ông Mười đang thuê nhà ở trọ chờ UBND H.Bình Chánh cấp giấy phép xây dựng.
Ông Mười cho hay sau khi biết tin nhà, đất của ông thuộc diện giải tỏa trắng ở dự án trên, gia đình ông đã gom góp tiền mua khoảng 500m2 đất gần chỗ ở cũ để xây nhà sau khi giao nhà cho Nhà nước làm dự án. Trước đó, khu đất này cũng có nhiều người mua và đã được cấp giấy phép xây dựng nên ông Mười không lo lắng gì. Nhưng vào năm 2015, đến lượt ông xin giấy phép xây dựng thì bị đình lại cho đến nay.
Do căn nhà cũ đã được giao, nhà mới chưa xây nên gia đình ông Mười phải thuê một căn phòng trọ gần nơi ở cũ. Căn phòng chừng 15m2 cũ kỹ với giá thuê 600.000 đồng/tháng là nơi ở chật chội, tạm bợ cho 5 người trong gia đình.
Mỗi lần đi ra ngoài, ông Mười phải băng qua cửa ngõ khu trọ luôn ngập nước trong mùa mưa. Mỗi lần đưa cháu đi học và đón về, ông Mười phải cõng qua chỗ nước ngập.
Ông Mười cho biết vợ chồng ông làm chổi lông gà rồi đạp xe đi bán nên không có nhiều tiền để thuê chỗ ở tốt hơn. Còn tiền bồi thường căn nhà cũ phải dành dụm chờ xây nhà mới.
Tương tự ông Mười, nhiều người dân ở xã Đa Phước cũng rơi vào tình cảnh có đất mới mua hoặc còn một phần đất sau khi giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nhưng phải đi ở nhà thuê do chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Theo UBND H.Bình Chánh, những người dân bị từ chối cấp giấy phép xây dựng do đất mới mua là đất nông nghiệp, không phù hợp quy hoạch nên không được chuyển thành đất ở.
Một số hộ dân khác còn đất nằm ngoài ranh dự án đường cao tốc sau khi bị thu hồi một phần, nhưng diện tích này nằm trong phạm vi lộ giới đường cao tốc và nằm trong hành lang an toàn đường bộ theo phương án thiết kế của đường này.
Kiến nghị gỡ rối cho dân
UBND H.Bình Chánh đã cho chuyển thành đất ở và cấp giấy phép xây dựng cho 15 trường hợp có đất là phần diện tích còn lại sau khi bị giải tỏa và hộ dân mua đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch để ở sau khi bị giải tỏa trắng.
Năm 2015, UBND TP cho phép UBND các huyện có đường cao tốc đi ngang qua giải quyết chuyển mục đích sử dụng phần đất còn lại của các hộ dân sau khi bị giải tỏa cho dù không phù hợp quy hoạch. Diện tích đất được chuyển thành đất ở tối đa bằng hạn mức đất ở của địa phương do UBND TP quy định. UBND TP cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp xúc với từng hộ dân để tìm hiểu và xem xét cụ thể.
Theo UBND H.Bình Chánh, UBND các xã đã tiếp xúc với các hộ dân bị thu hồi đất và có nhu cầu xin phép xây dựng mới. Huyện cũng nhận được khoảng 70 trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch.
Thời gian qua, huyện đã trả lời chưa đồng ý cấp phép xây dựng cho khoảng 50 trường hợp, còn lại chưa trả lời. Trong đó có nhiều trường hợp người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án vì chưa được cấp giấy phép xây dựng nhà mới.
Liên quan đến việc này, UBND H.Bình Chánh cũng kiến nghị UBND TP thêm một phương án tháo gỡ cho người dân.
Cụ thể, cho chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích bằng hạn mức đất ở đối với trường hợp đất nằm trong quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp. Người dân cam kết tự nguyện tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường tài sản gắn liền với đất nếu Nhà nước thực hiện quy hoạch trong vòng 5 năm.
Đối với các trường hợp người dân mua đất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp thì không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng cho phép xây dựng có thời hạn với diện tích tối đa 70m2 (theo tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội liên kế).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận