31/07/2004 10:54 GMT+7

Dàn hợp xướng của Châu Anh

NGUYỄN MẠNH HÀ
NGUYỄN MẠNH HÀ

TTCN - Các em 7-15 tuổi, đến từ tất cả các khoa trong nhạc viện trừ thanh nhạc. Điều kiện tham gia khá đơn giản: chỉ cần biết hát đúng ký xướng âm. Dàn hợp xướng thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội (NVHN) sau năm năm luyện tập đã vừa thực hiện chương trình riêng và lưu diễn tại một số địa phương.

7tua0YmT.jpgPhóng to
TTCN - Các em 7-15 tuổi, đến từ tất cả các khoa trong nhạc viện trừ thanh nhạc. Điều kiện tham gia khá đơn giản: chỉ cần biết hát đúng ký xướng âm. Dàn hợp xướng thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội (NVHN) sau năm năm luyện tập đã vừa thực hiện chương trình riêng và lưu diễn tại một số địa phương.

Cô giáo Đặng Châu Anh cho hay: “Thường thì gia đình các em đều muốn con em mình chỉ quan tâm theo đuổi chuyên ngành, quyết tâm trở thành nghệ sĩ biểu diễn hoặc ít ra cũng được vào dàn nhạc”.

Vì thế, với các em ở Hà Nội, Châu Anh thậm chí phải vận động phụ huynh rằng tham gia hợp xướng sẽ giúp các em nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, phát triển giọng hát và tai nghe, hình thành kỹ năng trình diễn, làm việc tập thể, có kỷ luật...

Cho đến nay dàn hợp xướng thiếu nhi NVHN do cô Châu Anh phụ trách cùng trợ lý Phạm Hoàng Trung (SV năm 2 khoa chỉ huy) có lẽ là hợp xướng thính phòng thiếu nhi đầu tiên trong cả nước - có nghĩa là các thể loại pop, dân ca, jazz, ragtime, cổ điển thính phòng… đều được các em trình diễn theo phong cách thính phòng thể hiện chủ yếu qua giọng chuyển.

sWkRPrSb.jpgPhóng to
Buổi học đầu tiên thu hút tới 40 em, đều là dân nội trú. Hợp xướng thiếu nhi bình thường hát giọng thật chỉ cần 30-40 em là kêu to lắm rồi, tiếng cũng hơi đanh. Còn hợp xướng của Châu Anh hát giả thanh, nên phải cần 60 thành viên trở lên - nếu lên tới 80-90 em có thể bỏ micro và khán giả sẽ càng nghe rõ chất du dương, nhẹ và bay chỉ thiếu nhi mới có được.

Từ 1999 đến nay dàn hợp xướng thiếu nhi NVHN đã có khá nhiều dịp biểu diễn vào các ngày kỷ niệm trong năm. Ngày 19-5-1999, Châu Anh chỉ huy hơn 200 em biểu diễn, được truyền hình trực tiếp từ quảng trường Nhà hát Lớn, nhưng mới là đồng ca giọng thật. Phải đến 12-6 vừa qua tại phòng hòa nhạc NVHN, trong đêm “liveshow” đầu tiên, hợp xướng trình bày 11 bài hát mới là thính phòng thật sự. Đêm 13-6 diễn ở Cung Việt - Tiệp, Hải Phòng, hợp xướng đã thu hút gần 1.000 bạn nhỏ yêu nhạc. Trung thu tới nếu kịp làm a capella hợp xướng sẽ xin tài trợ để trình diễn ở Nhà hát Lớn. Rồi Hải Dương mời, Hải Phòng cũng có ý mời lại…

Để lấy ngắn nuôi dài, Châu Anh vẫn làm MC (vẫn dẫn chương trình Bài hát tôi yêu trên VTV3), rồi dạy nhạc ở trường quốc tế. Trước đây Châu Anh cũng phụ trách một dàn hợp xướng nhỏ của Trường Quốc tế Hà Nội, nhưng tất nhiên năng khiếu không thể bằng học sinh nhạc viện.

Có giọng hay lại thuộc bài nhanh hơn cả hợp xướng người lớn, chỉ trong nửa giờ các em có thể thuộc một bài, nhưng để thành một tác phẩm hợp xướng phải mất cả tháng. Trước các em cậy biết nhạc, cứ chuẩn bị biểu diễn mới kéo đến tập đông nghịt, không thấy biểu diễn, lại lười; giờ đã hiểu ra vấn đề - tập thường xuyên (tuần hai buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi liên tục không nghỉ) giọng mới lên được.

Sau khi xem các tiết mục của dàn hợp xướng thiếu nhi NVHN được phát trên VTV và HTV (Truyền hình Hà Nội), nhiều bậc phụ huynh đã mang con đến xin tham gia… Cho đến giờ hợp xướng vẫn đón và dạy nhận miễn phí tất cả các em nhỏ biết hát, không phân biệt trong hay ngoài trường nhạc.

Trong các hình thức âm nhạc thính phòng - giao hưởng, hợp xướng có tính cộng đồng cao, không kén người nghe, dễ phổ cập hơn hẳn. Nằm trong dự án xã hội hóa âm nhạc giao hưởng thính phòng của NVHN, tiến tới hợp xướng của Châu Anh sẽ biểu diễn tại các trường phổ thông, đại học… Dự kiến hai tháng sẽ làm một show.

Nhiệm vụ gây dựng dàn hợp xướng thiếu nhi được giao cho Châu Anh ngay từ khi mới ở lại trường giảng dạy (môn ký xướng âm), vì vào thời điểm đó các thầy cô chuyên về chỉ huy hợp xướng đều về hưu hoặc chuyển công tác. Hơn nữa, Châu Anh tỏ rõ năng lực làm việc với các em nhỏ.

Đêm biểu diễn ở Hải Phòng, các em lần đầu tiên lên sân khấu lớn, ánh sáng, khói… lại không có loa gần để kiểm soát giọng. Bài đầu mất khí thế, thấy các em nhớn nhác, ỉu xìu, sợ, không cười gì cả, cô chỉ huy không ngại làm đủ trò hề: mắt lác, mồm méo, thè lưỡi... quên cả truyền hình đang chĩa máy quay về phía mình. Các em cười, tự tin hơn hẳn... Thời gian đầu bản thân nữ chỉ huy cũng không thấy tự tin. Sau sự kiện một hợp xướng của Mỹ toàn các cậu bé đến Hà Nội biểu diễn giao lưu, Châu Anh thay đổi hẳn quan niệm về hợp xướng thiếu nhi, không cứ phải áo choàng đen cầm sách khẽ đung đưa theo nhạc mà rất đa phong cách. Cô càng quyết tâm đưa hợp xướng lên sân khấu.

Mùa hè này, bù vào chỗ các em ngoại tỉnh về quê, có thêm nhiều các em ở Hà Nội đến xin học. Vào năm học mới các em ngoại tỉnh lên, quân số cầm chắc trên 100. Nhà trường cũng đã quyết năm học tới hợp xướng trở thành môn chính khóa, nghĩa là giáo viên có tiền giờ, học sinh phải học, phải thi. Để chỉ huy hợp xướng, Châu Anh phải học thêm về thanh nhạc. Tuy tốt nghiệp loại ưu ngành chỉ huy giao hưởng năm 1997, đến nay Châu Anh mới có một lần duy nhất chỉ huy dàn nhạc giao hưởng- cũng chính là bài thi tốt nghiệp. Hiện cô đang theo cao học ngành chỉ huy hợp xướng tại NVHN.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên