Bà chưa vội bày biện mà chậm rãi mở chiếc bao nhỏ xách theo bên hông, thả vốc lúa cho đàn bồ câu vừa sà xuống vỉa hè. Rồi đứng ngó đàn chim mổ lúa một lúc, vẻ mặt nhẹ nhõm, bà mới quay vào kê bàn bán thuốc và vé số.
Phóng to |
Bà Năm cho đàn bồ câu ăn lúa mỗi sáng - Ảnh: Yến Trinh |
Bảy, tám năm nay, từ khi một gia đình gần đó đi nước ngoài bỏ lại đàn bồ câu, ngày nào bà cũng đem lúa cho chúng. Bà kể: “Tôi ngồi bán thấy tụi nó bay lên bay xuống mà vỉa hè sạch trơn có gì để ăn đâu. Nghĩ bụng chắc chúng đói nên tôi rải xuống mấy hột cơm. Rồi sau tôi mua lúa cho chúng ăn sáng sớm với xế trưa. Ban đầu chỉ chừng mười mấy con, càng ngày tụi nó càng đông”.
Mỗi ngày bà lời được mấy chục ngàn đồng từ tiền bán vé số và thuốc lá nhưng dành ra non nửa để mua lúa, mua bánh mì cho bồ câu. Hộp cơm 20.000 đồng bà ăn nguyên ngày, tiền dành mua đồ ăn cho chim còn nhiều hơn. Hỏi sao không để tiền lo cho mình, bà Năm đáp: “Quen rồi nên không cho chúng ăn tôi lại không chịu được”.
Bảy năm trước giá lúa 3.000 đồng/ký, bây giờ 10.000 đồng/ký, mỗi ngày đàn bồ câu ăn 1kg không đủ nên trưa nào bà cũng mua 4-5 ổ bánh mì không, ngồi tẩn mẩn cắt nhỏ rồi rải cho chim. Có mấy bữa bà nghỉ bán, nghe mấy người gần đó kể đàn bồ câu cứ bay qua bay lại đợi người cho ăn nhưng không thấy...
Bà Năm ở Sài Gòn từ nhỏ, lấy chồng năm 20 tuổi. 20 năm sau chồng bà cùng hai con ở riêng, còn mình bà ở trong căn nhà thuê tại quận 4. Từ đó, ngày nắng cũng như mưa, bà đón xe buýt từ quận 4 lên góc đường Pasteur này bán đến 18g thì lầm lũi đi về. Người dân gần đó thấy bà đi lại cực nhọc nên chỉ bà thuê trọ trong con hẻm đường Lê Lợi (Q.1) với giá 700.000 đồng/tháng.
Hiểu tấm lòng bà Năm nên thi thoảng có người cho bà ký lúa, ít tiền. Bà Lê Thị Hồng, 45 tuổi, nhân viên văn phòng trên đường Lê Thánh Tôn, nói: “Có bữa tôi đi làm sớm bắt gặp bà lão ngồi cho bồ câu ăn, thấy thương bà nên lâu lâu tôi ghé vào đưa bà mấy chục ngàn đồng mua lúa”. Mỗi khi có ai ghé mua vé số mà cố ý mua nhiều giúp bà, hoặc cho bà đồ ăn, bà lại ngậm ngùi: “Tôi sống nhờ người dưng, ai cho thì nhận chứ không bao giờ xin xỏ gì. Còn sức tôi còn bán được, còn lo cho mấy con chim. Mai mốt chết rồi, biết tụi nó ra sao?”.
Khi không có khách, bà lắng nghe tiếng người phát ra từ cái radio giá 50.000 đồng do một thanh niên mua cho. Cũng đỡ buồn. Ngày qua ngày, cạnh những cửa hiệu hào nhoáng, bà vẫn ngồi lẻ loi với mấy bao thuốc lá, hộp quẹt và xấp vé số mỏng dính, cố gắng nuôi sống mình và đàn chim.
Đã từ lâu, bà Năm và đàn bồ câu đã trở thành một phần linh hồn của con đường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận