09/09/2017 07:07 GMT+7

Đẫm nước mắt đồng đội, người thân tiễn đưa người lính trẻ

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Suốt ngày hôm qua, căn nhà mái tôn của gia đình thượng úy Phạm Phi Long ngột ngạt, nóng hầm hập. Rất nhiều người lặng lẽ đến chia buồn trước sự ra đi của anh...

Ngồi bệt trên chiếc chiếu giữa nền nhà, bên cạnh linh cữu của chồng, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, vợ thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi, Phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân, TP.HCM), một tay xoa bụng, một tay cầm bình sữa cho bé Phạm Hữu Phát mới vừa 2 tuổi. 

Một tháng nữa chị sẽ sinh con. Nhìn cảnh ấy, người đến viếng không cầm được nước mắt. Mọi người đến nói lời chia buồn, chị chỉ biết cúi đầu cảm ơn.

Chồng - con của chúng tôi

Ngồi khuất sau bàn thờ con rể, bà Bùi Thị Mến (65 tuổi, mẹ vợ thượng úy Long) bậm môi, nước mắt chực trào. 

Bà Mến cho biết trước khi đi trực một ngày, anh Long đã chở vợ đi sắm quần áo, nôi để chuẩn bị đón đứa con thứ hai. 

Cùng ngày hôm đó, gia đình đặt xe đi chùa cầu an ở Vũng Tàu do sắp đến lễ cúng 100 ngày của cha chị Phượng vừa qua đời cách nay ba tháng. Anh Long nói không đi được vì còn nhiều việc ở cơ quan. 

Bà thở dài: "Nếu nó đi Vũng Tàu thì đâu đến nỗi. Nhưng tính nó lúc nào cũng đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Và suốt thời gian gần đây nó đều xung phong đi trực, nói là để vài hôm nữa vợ sinh, xin phép nghỉ bù để ở nhà chăm sóc" - bà Mến nước mắt tuôn trào nhìn về phía con gái.

Gia đình thượng úy Long đã nhận được hung tin lúc nửa đêm nhưng không ai dám nói cho chị Phượng biết. Đến 4h sáng, chị được tin chồng bị nạn, đang nằm viện nên gấp rút đón xe từ Vũng Tàu về. 

Bà Mến kể tiếp: "Sợ nó hay rồi chết ngất trên xe nên không ai dám báo tin Long đã mất. Phượng gặng hỏi mãi là Long nằm ở đâu để đi thẳng đến bệnh viện. Cả nhà phải nói vòng vo để Phượng bình tĩnh về đến nhà".

Đến đầu đường thì chị Phượng thấy cờ tang, lòng đã bán tín bán nghi nhưng chị vẫn cố trấn tĩnh. Đến cửa nhà thì sự thật đau lòng ập tới. Phượng suýt ngất xỉu, cả nhà xúm lại động viên phải bình tĩnh, giữ sức khỏe để bảo vệ đứa con trong bụng. 

Đẫm nước mắt đồng đội, người thân tiễn đưa người lính trẻ - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng lo cho con trai, câu bé cứ khóc đòi cha - Ảnh: DUYÊN PHAN"Chưa hoàn hồn sau tang cha thì đã đến tang chồng, không biết con tôi có chịu đựng được không" - bà Mến nén nỗi xót xa.

"Chưa hoàn hồn sau tang cha thì đã đến tang chồng, không biết con tôi có chịu đựng được không" - bà Mến nén nỗi xót xa.

Ngồi cạnh là mẹ ruột anh Long - bà Nguyễn Thị Mua. Người đàn bà 52 tuổi, đôi bàn tay thâm đen. Bao nhiêu năm nay, bà lam lũ bán rau ngoài chợ để lo cho con. Anh Long học hết lớp 12, thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi vào cảnh sát PCCC. 

Sau thời gian phấn đấu, anh được cử đi học trung cấp để theo nghiệp lính chữa cháy. Thời gian gần đây, anh về khoe mẹ là sắp được đơn vị cử đi học đại học cảnh sát. Cả nhà vui vì những tiến bộ trong nghề nghiệp.

"Long sống bên vợ (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), cách nhà tôi vài kilômet. Hôm kia nó đi trực về ghé ngang xin trái bí, mua ít thịt, nói: vậy là đủ một tô canh. Nó thấy nhà mưa là ngập, đòi đưa tiền cho mẹ sửa nhưng tôi không đồng ý. Chịu ngập thêm ít lâu, tôi sẽ tiết kiệm đủ tiền tự sửa nhà, để nó còn lo cho vợ con..." - bà Mua nói rồi khóc ngất.

Nước mắt đồng đội

Hơn 20 năm làm công tác chữa cháy, sáng 8-9 đại tá Huỳnh Văn Quyến - trưởng Phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân (thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM) - cũng bật khóc. 

Đẫm nước mắt đồng đội, người thân tiễn đưa người lính trẻ - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Cách Mạng - phó chủ tịch UBND TP.HCM (giữa) và các đồng đội thắp nhang tại đám tang anh Long - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông nghẹn ngào: "Đây là một vụ cháy nhỏ mà tôi lại phải chứng kiến đồng đội hi sinh. Thật không có nỗi đau nào bằng". 

Những chiến sĩ trong đội ai nấy đều nước mắt giàn giụa trong giờ khâm liệm. Đêm 7-9 với họ sẽ là một đêm không thể quên.

23h05, đơn vị nhận tin hỏa hoạn tại một căn nhà trên đường 10A (khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân). 

Vài phút sau các chiến sĩ đã có mặt ở hiện trường, điện báo xin lực lượng chi viện vì đám cháy có khả năng lan rộng. Hai đơn vị khác đã có mặt hỗ trợ, tổng cộng 11 xe chữa cháy cùng 68 cán bộ, chiến sĩ.

30 phút sau, ngọn lửa đã được khống chế. Một lực lượng trong đó có thượng úy Phạm Phi Long được lệnh bắc thang, phá cửa sổ để tiếp cận phun nước dập tắt. Bất ngờ, sàn lầu 1 đổ sập.

"Nghe tiếng ầm ầm rất lớn, tôi chiếu đèn pha sang thì thấy bức tường đã đổ, chỉ còn cánh tay của đội phó Lam đang đu trên thang. Những tiếng la lớn. Ba người đã bị bức tường đè lên, vùi trong đống đổ nát, khói lửa" - đại tá Quyến nhớ lại.

Tất cả lực lượng, khí tài lập tức tập trung vào việc giải cứu. Xe cứu thương được huy động sẵn sàng. Nhưng tiếng kêu cứu bên trong mỗi lúc một nhỏ dần...

15 phút sau, ba chiến sĩ được đưa ra ngoài, chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Thượng úy Phạm Phi Long đã không qua khỏi.

Tiếc thương người lính cứu hỏa ra đi khi còn quá trẻ Tiếc thương người lính cứu hỏa ra đi khi còn quá trẻ Tuổi Trẻ truy tặng thượng úy Phạm Phi Long danh hiệu Tuổi Trẻ truy tặng thượng úy Phạm Phi Long danh hiệu 'Bạn đồng hành quanh tôi' Bạn đọc đồng cảm, xót xa cùng gia đình chiến sĩ hi sinh Bạn đọc đồng cảm, xót xa cùng gia đình chiến sĩ hi sinh
     

Đến chiều cùng ngày, hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) đã được mổ xương đùi thành công, đang hồi sức. 

Hạ sĩ Phạm Tấn Quốc (24 tuổi) bị chấn thương cột sống. Tỉnh lại, biết tin đồng đội hi sinh, hai anh khóc, mắt sưng húp trên gương mặt vẫn còn ám khói sạm đen.

Đại tá Quyến thương tiếc: "Long là người sống hòa đồng, kỷ cương, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và là cán bộ nguồn chỉ huy của đơn vị...".

Nhìn về phía mẹ con chị Phượng, trên nén nhang thắp trước bàn thờ anh Long, các đồng đội của anh thầm thì: "Anh hãy an lòng. Từ giờ, chị ấy và các cháu sẽ là người thân của chính chúng tôi".

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên