16/08/2011 03:01 GMT+7

Đam mê - người dẫn đường của bạn trẻ

NST
NST

TT - Từ câu chuyện của cô sinh viên Chử Bích Phương (“Không được học ngành yêu thích sẽ khổ cả đời”) và bài phỏng vấn tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng (“Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị”) một diễn đàn về niềm đam mê của bạn trẻ đã được gầy dựng trên trang Nhịp sống trẻ từ ngày 5-8-2011.

JCurXtyv.jpgPhóng to

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Con đường phía trước đang rộng mở với các bạn - Ảnh: Như Hùng

Qua 10 ngày triển khai, diễn đàn đã nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc tham gia sôi nổi, đầy hào hứng. Ngoài ý kiến của bạn đọc, diễn đàn còn có bàn tròn xoay quanh mơ ước và đam mê trước ngưỡng cửa đại học của một số bạn học sinh THPT (“Có ước mơ thôi chưa đủ"), cùng câu chuyện thời tuổi trẻ sôi nổi với đam mê dẫn đường của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (“Tôi đã sống bằng đam mê”,).

Đam mê là điều không thể thiếu với cuộc đời mỗi người và nếu có đam mê, cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa - đó là ý kiến của phần lớn bạn đọc gửi đến diễn đàn. Điều này được làm sáng tỏ thêm qua rất nhiều câu chuyện của bạn đọc kể về sự đeo đuổi đam mê của bản thân, sự thành công khi đi đến cùng con đường mơ ước - nhờ đam mê dẫn dắt - và sự nuối tiếc khi chưa đủ dũng khí bước trọn con đường đam mê của mình...

Hãy giành quyền tự quyết tương lai của mình!

Đó là điều mà thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM) khuyên các bạn trẻ. Ông lưu ý: “Sẽ không hay lắm nếu bạn trẻ để người khác - cha mẹ, người thân - quyết định thay tương lai của mình, bởi không ai hiểu rõ các bạn bằng chính bản thân mình. Ước mơ và đam mê để đeo đuổi đến cùng ước mơ đó của đời mình phải do các bạn quyết định”.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Trí (giám đốc điều hành Học viện huấn luyện kỹ năng hiệu quả Breakthrough Power) cũng khẳng định bạn trẻ sẽ khó thể hạnh phúc trong cuộc sống, hứng thú với công việc cả trong hiện tại lẫn tương lai... khi phải gồng mình gánh mơ ước của người khác, từ đó dẫn đến việc thui chột niềm đam mê của tuổi trẻ, sống mòn. “Họ cảm thấy nhạt nhẽo lẫn thất vọng dù đạt được thành công trong cuộc sống. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ chán nản, bỏ bê học tập và công việc của mình để lao vào một số thú vui tiêu cực nhằm quên đi sự thật về con đường đang đi”.

Theo ông Trí, trong trường hợp này các bạn trẻ cần quyết tâm thể hiện bản lĩnh và sự chín chắn của bản thân bằng việc sống, học tập thật nghiêm túc bên cạnh việc lập ra kế hoạch cụ thể để thuyết phục cha mẹ. “Chú ý không được mất bình tĩnh khi bảo vệ quan điểm. Vì càng nóng giận hoặc cáu gắt, bạn sẽ càng giống con nít và phụ huynh càng có lý do áp đặt suy nghĩ để bảo vệ “đứa con nít” của mình. Hãy tin rằng những khác biệt trong suy nghĩ sẽ được hóa giải nếu chúng ta biết lắng nghe lẫn nhau”, anh đúc kết.

Về phía các bậc phụ huynh, thạc sĩ Long cho rằng việc tạo điều kiện cho con được tự lập, tự xác định con đường học vấn, tương lai, sự nghiệp, được chọn con đường đi theo đúng đam mê của mình sẽ khiến cuộc sống của bạn trẻ có ý nghĩa hơn. Nếu ép buộc con cái đi theo ý muốn chủ quan của cha mẹ sẽ vô tình làm đứa con mất đi sự tự lập và giá trị bản thân, dễ gây ra sự ỷ lại và thiếu ý chí.

NST
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên