![]() |
Các bạn học sinh trong buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm |
Tôi có đam mê, tôi có ước mơ
Cả chín bạn có mặt tại buổi tọa đàm đều chung nhận định bất cứ ai cũng có đam mê, có ước mơ và chính các bạn cũng vậy. Nói như Nguyễn Thị Thu Thanh, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, “bất cứ ai cũng có đam mê vì nó nằm trong tiềm thức của mỗi con người”. Thanh nói mình thích thú với việc được giao tiếp với nhiều người, có niềm đam mê đặc biệt với những con số, thích tính toán và muốn đặt mình vào những thách thức trong ngành tài chính (năm nay Thanh vừa thi ĐH Ngân hàng TP.HCM). Do đó, Thanh quyết tâm trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tài chính.
"Nếu có đam mê thật sự thì phải dấn thân tới cùng cho đam mê đó. Cuộc sống và tương lai mỗi người do chính họ quyết định chứ không phải một ai khác" |
Huỳnh Vũ Duy, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết ước mơ xây dựng được một thương hiệu riêng về một lĩnh vực kinh doanh nào đó và đang đam mê thành lập một CLB tình nguyện với mạng lưới khắp cả nước. “Một tổ chức như vậy là nơi gặp gỡ của các bạn cùng chí hướng” - Duy nói. Đơn giản hơn, Bùi Quang Huy - lớp 11 Trường THPT Gia Định - nói mình thích trở thành một thầy giáo dạy toán và nếu có thể sẽ quay về dạy ở chính ngôi trường mình đang học. “Tôi thích điều này từ khi còn rất nhỏ, ước mơ trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng để giảng bài cho các em đã đến với tôi từ lâu” - Huy cho biết.
Còn bạn Lê Thị Quỳnh Như - lớp 12 Trường trung học Thực hành - nói ước mơ đơn giản của mình là trở thành bác sĩ vì trót mê hình tượng này trên phim ảnh. “Tôi nghĩ công việc giữ sự sống cho ai đó là một điều thật hạnh phúc” - Quỳnh Như lý giải lựa chọn của mình.
Đam mê: hành trang đi qua con đường gập ghềnh
Nhưng cũng có những băn khoăn từ các bạn trẻ về ước mơ và đam mê.
Từ thực tế, Vương Gia Tuấn - cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong - cho rằng không nhất thiết phải thực hiện ngay đam mê của mình khi chưa đủ độ chín. “Nếu đi đến cùng với niềm đam mê của mình mà điều kiện gia đình và xã hội chưa cho phép thì nên đợi một thời gian, đến khi đủ khả năng và tiềm lực thì quay lại với niềm đam mê của mình cũng không phải là muộn” Tuấn nói.
Đồng tình quan điểm này, Vương Thiện Huy - lớp 12D1 trung học Thực Hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) - nói con đường thực hiện niềm đam mê không hề bằng phẳng. Dù vậy, Huy bày tỏ:“Tôi nghĩ khi đã có niềm đam mê rồi chắc chắn mình sẽ làm được. Có thể một thời gian nào đó mình sẽ tạm gác lại niềm đam mê đi theo một ngã rẽ khác trong cuộc đời, nhưng nếu thật sự có đam mê mình sẽ làm được”.
Cụ thể hóa đam mê và cũng là ước mơ trở thành thầy giáo dạy toán, Quang Huy nói mình bắt đầu từ việc nhận làm thầy giáo cho những đứa trẻ trong khu phố mình ở, sau đó sẽ thi vào ngành toán của ĐH Sư phạm. “Tôi nghĩ nếu đã có một niềm đam mê cháy bỏng rồi thì ngại gì không đi đến cùng niềm đam mê đó. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng đam mê của mình” - Quang Huy khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận