11/08/2019 10:41 GMT+7

Đám cưới ứa nước mắt của chàng trai trên chiếc xe lắc

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN LỰC
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN LỰC

TTO - Một đám cưới mà chú rể rước dâu bằng xe điện ba bánh. Chú rể Nguyễn Thế Quy ngặt nghẹo dùng chân điều khiển xe, cô dâu Thu Phượng cũng khó nhọc song hành, nhưng hạnh phúc thì vô biên...

Đám cưới ứa nước mắt của chàng trai trên chiếc xe lắc - Ảnh 1.

Đám cưới của Thế Quy và Thu Phượng - Ảnh: N.Đ.

Nguyễn Thế Quy (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) bị di chứng chất độc da cam và gắn đời mình trên chiếc xe lắc tự chế 3 bánh. Chân tay anh co quắp, nói chỉ ú ớ.

Vậy nhưng anh vẫn sống và 'chiến đấu' với cuộc sống mỗi ngày. Hạnh phúc đã đến với Quy khi một cô gái cũng bị khuyết tật nên duyên vợ chồng cùng anh.

Chính tình thương của các thầy đã giúp tôi hoàn thiện hơn những nét vẽ ước mơ của mình.

Nguyễn Thế Quy

20 năm đầu của Quy

Ngày đến nhà, vợ chồng Thế Quy - Thu Phượng đang chơi đùa với đứa cháu trong cái oi ả của mùa hạ. Quy nói từng tiếng khó nhọc: "Hồi rồi đi bán hương dưới gần đường lộ thì chiếc xe ba bánh trở chứng. Từ bữa nớ đến nay phải bó gối ở nhà ri đây".

Suốt buổi chuyện trò, Quy chưa từng một lời than trách số phận. Anh luôn dí dỏm, tếu táo và thi thoảng còn thêm thơ ca vào cuộc trò chuyện. Ngồi ngặt nghẹo, tựa lưng vào tường, anh chia sẻ về cuộc đời của mình.

Tại phiên chợ nhỏ ở huyện, người ta bắt đầu xôn xao tò mò, rồi nháo nhác nhìn về phía chiếc xe lắc ba bánh kỳ cục bởi cách bán hàng của anh chàng khuyết tật ngồi trên đó.

Quy luôn cúi gầm mặt xuống đất sợ sệt, không dám nhìn ai dù mọi người tìm cách làm quen. Hễ ai cho tiền là anh đỏ mặt, đẩy mạnh xe ra xa rồi chạy đi.

Đó là những ngày đầu đầy khó khăn với Quy. Những ngày ngỡ ngàng và sợ sệt, bởi anh đã ngồi nhà suốt 20 năm. Những ngày mà suốt hai tháng tập đi xe lắc, Quy không còn nhớ mình đã té và suýt bị đụng xe mấy lần.

Không đầu hàng số phận

Ông Nguyễn Thế Quyền, cha Quy, bảo Quy mắc di chứng chất độc da cam mà những năm ở chiến trường Campuchia ông đã nhiễm phải. Theo ông Quyền, do tay chân bị co quắp không đi lại, cầm nắm được nên Quy không thể tới trường như chúng bạn. Nhưng sự hiếu học và thông minh của Quy thì có tiếng cả vùng này. Các bạn vào lớp thì Quy ngồi ngoài cửa và học lỏm. Học ngoài cửa lớp nhưng Quy đã tự biết chữ, biết đọc.

Một chiều cuối hạ năm 2009, Quy lủi thủi đi đưa một đám tang gần nhà. "Tôi cúi mặt và gồng mình trước đám đông người, ai hỏi cũng không đáp.

Thế rồi từ trong đám đông, một bàn tay đặt lên vai tôi rất ấm áp, cảm giác như bàn tay cha vậy và một giọng nói: "Con đi đưa đám à, lát về uống cà phê với chú cho vui". Tôi ngước lên nhìn người chú lạ mặt, chú nhìn tôi tỏ vẻ tôn trọng, không lộ nét thương hại. Đó chính là điều tôi đang cần, đang khao khát và tôi đã về quán Cội Nguồn" - Quy nhớ lại.

Đó chính là cuộc gặp gỡ của Quy với võ sư Nguyễn Đức Cường. Lúc đó, anh Cường cùng một số bạn bè đã mở cửa đón hàng chục em khuyết tật vào ở, nuôi dạy các em.

Cầm bút, hai tay co cứng, mỗi khi Quy chấm một dấu chấm là gãy mũi bút chì và các thầy phải gọt, Quy gạch một đường là gãy 5-6 mũi. "Chính tình thương của các thầy đã giúp tôi hoàn thiện hơn những nét vẽ ước mơ của mình" - Quy chia sẻ.

Chính các thầy tại Cội Nguồn là những người thầy đầu tiên của Quy. "Thầy của tôi không áo quần chỉnh tề đứng trên bục giảng, luôn ngồi ngang hàng với tôi dưới đất lạnh, luôn cầm tay tôi vẽ lên sắc màu cuộc sống, luôn ôm tôi ngủ lúc gió đông về" - Quy chia sẻ.

Sau 3 năm, Quy "ra trường" tự lập với nghề bán hương trên chiếc xe lắc ba bánh. Anh không dừng lại là người bán hương. Quy đến với vi tính. Đôi bàn tay co quắp của anh đã tự lướt trên bàn phím để dựng phim, photoshop, in ấn, thiết kế bảng hiệu, rồi mở tiệm in ấn.

Thầm lặng trong hạnh phúc

Ngày 9-3-2019, người dân ở Nam Phước đã lần đầu tiên được chứng kiến một đám cưới ứa nước mắt của Thế Quy và Thu Phượng. Một đám cưới mà được rước dâu bằng xe điện ba bánh, chú rể ngặt nghẹo dùng chân điều khiển xe, cô dâu cũng khó nhọc song hành.

Quy bảo đi xe hơi thì bình thường quá, ai cũng vậy, nên anh đưa ý tưởng cô dâu - chú rể sẽ đi bằng xe điện ba bánh. Suốt từ hôm trước, nhiều bạn bè, người thân đã "trang điểm" cho 2 chiếc xe điện ba bánh. Những bông hoa tươi tắn, thêm dăm chùm bóng bay. Vậy là chú rể Thế Quy đón cô dâu về cùng. Con đường làng hôm đó thật đông vui, biết bao người ùa ra chúc phúc cho đôi bạn trẻ.

"Tôi không thể đi xa lên nhà gái ở Quế Sơn rước dâu. Vậy nên phải "đàm phán" để cô dâu đến ở tiệm in ấn, rồi tổ chức rước dâu về. Hai đứa chọn cách đi thầm lặng trong hạnh phúc" - Quy chia sẻ. Lúc đang trò chuyện, Quy tiết lộ tin vui vợ chồng đang chờ đón đứa con đầu đời.

Có lẽ sự thông minh, dí dỏm của anh làm người đối diện dễ có thiện cảm. Và cô gái Phượng cũng vậy. Nói về cơ duyên gặp Phượng, Quy bảo gặp trên mạng thấy hình của Phượng xinh xắn nên kết bạn, rồi nhắn tin chuyện trò.

Sau gần 5 tháng làm quen và đồng cảm với nhau, Phượng từ quê Quế Sơn về Duy Xuyên bán dép cùng với Quy. Phượng bị tật bẩm sinh, yếu một bên chân, tay nên đi lại rất chênh vênh. "Hai đứa đồng cảm hoàn cảnh của nhau, thương nhau thì đến với nhau thôi" - Quy nói.

Chàng trai phi thường

Học chữ Nho và xuất bản 2 tập thơ đầu tay là Khoảng vắng Giấc mơ ta đã, Quy đã làm nhiều người phải trầm trồ về sự kiên nhẫn và lãng tử của mình.

"Có thể nói Quy khuyết tật toàn thân, duy chỉ có trí tuệ là không khuyết tật. Tại lớp học chữ Nho, Quy thể hiện đầy đủ bản lĩnh của một người đa tài. Nói về nhớ mặt chữ là em xếp vào hạng nhất, chỉ có không thể tập viết được thôi. Nhưng bù vào đó em có thể vẽ chữ Nho trên máy vi tính" - thầy Nguyễn Trường Ngợi nói.

Võ sư Nguyễn Đức Cường tâm sự anh đã dõi theo Quy suốt 10 năm qua và phải nói đây là chàng trai phi thường. "Quy không có được sự lành lặn của tứ chi nhưng trí tuệ, sự thông minh, kiên nhẫn của em thì nhiều người bình thường khác không thể có" - anh Cường tâm sự.

Mắt không nhìn thấy, chàng trai ấy vẫn 15 năm làm... phóng viên Mắt không nhìn thấy, chàng trai ấy vẫn 15 năm làm... phóng viên

TTO - 'Truyền thông chính là nhịp cầu ngắn nhất giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về người khuyết tật. Và đây cũng là cách duy nhất giúp người khuyết tật nói lên tiếng nói của mình để xóa đi những rào cản bất bình đẳng trong xã hội', Hoàng Văn Lý chia sẻ.

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên