04/08/2018 10:03 GMT+7

Đảm bảo minh bạch cho hợp đồng BT

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Đại học Fulbright Việt Nam) - N.BÌNH ghi
ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Đại học Fulbright Việt Nam) - N.BÌNH ghi

TTO - Thời gian qua, ở một số địa phương có triển khai dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT: Build - Transfer) đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận.

Đảm bảo minh bạch cho hợp đồng BT - Ảnh 1.

Dự án cống kiểm soát triều Tân Thuận - một trong sáu cống kiểm soát triều phải ngừng thi công - Ảnh: Q.KHẢI

Từ ngày 1-1-2018, một số văn bản không còn phù hợp với quy định tại Luật quản lý tài sản công sẽ hết hiệu lực, trong có đó quyết định 23/2015 của Thủ tướng quy định về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Việc tạm dừng hình thức BT là phù hợp.

Mới đây, một dự án BT ở Bắc Ninh đã được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ thông tin báo chí phản ánh. 

Chúng ta hình dung 100ha đất đổi lấy con đường chỉ có chiều dài 1,39km với tổng mức đầu tư lên đến 663 tỉ đồng. Điều này cũng có nghĩa lô đất 100ha kia chỉ được định giá 663.000 đồng/m2

Không chỉ dự án ở Bắc Ninh, nhiều dự án BT ở Hà Nội, TP.HCM thời gian qua cũng gây hoài nghi trong dư luận. Những dự án này đều triển khai theo quy định và cho thấy có quá nhiều thứ bất ổn.

Bản thân quyết định 23 chỉ đơn giản là hướng dẫn quy trình thực hiện, trong khi không hề trình bày phương pháp định giá đất cũng như cách thức xác định tổng mức đầu tư của dự án. 

Ngoài ra, các yêu cầu về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, vấn đề thực thi hợp đồng… của các bên liên quan cũng còn để ngỏ. 

Nói chung, quyết định 23 chủ yếu hướng dẫn cách thực hiện để đảm bảo "đúng quy trình", trong khi hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án cũng như yêu cầu đảm bảo tránh thất thoát tài sản công, quỹ đất của Nhà nước lại thiếu sự chú trọng. 

Những bất cập trong các quy định hiện hành đã tạo kẽ hở để một số nhà đầu tư trục lợi, trao cơ hội cho tham nhũng.

Trong rất nhiều trường hợp, giá trị đầu tư dự án do không phải thông qua cơ chế cạnh tranh nên thường bị nhà đầu tư kê khống giá trị lên rất lớn. 

Ngược lại, đất đai cũng không được định giá đúng theo các tiêu chuẩn thị trường, mà thường là định giá thấp, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. 

Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác của mô hình BT, chẳng hạn như năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư không đảm bảo, nhà đầu tư thường là nhà phát triển dự án bất động sản hơn là đầu tư hạ tầng có chất lượng.

Trên phương diện pháp lý, trong khi chưa có văn bản thay thế, việc tạm dừng thực hiện mô hình BT theo quyết định 23 là đương nhiên. 

Tháng 5-2018, Chính phủ có ban hành nghị định 63 thay thế nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có một số điều khoản đề cập mô hình BT. Tuy nhiên, nhìn chung các điều khoản này còn rất chung chung. 

Được biết Bộ Tài chính đã soạn thảo nghị định hướng dẫn mới thay thế quyết định 23. Tuy nhiên, theo nội dung dự thảo công bố thì những bất cập của quyết định 23 cũng như các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh vẫn chưa được giải quyết. 

Nội dung dự thảo vẫn cơ bản hướng dẫn quy trình, trong khi các vấn đề đáng quan tâm, nhất là định giá tài sản công, đất đai; các cơ chế cạnh tranh, minh bạch hóa và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan… lại chưa được làm rõ.

Bản thân mô hình BT cũng không phải hoàn toàn thất bại, vấn đề là môi trường thể chế để áp dụng nó.

Dự án BT tạo những kẽ hở thất thoát ngân sách Dự án BT tạo những kẽ hở thất thoát ngân sách

TTO - Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc thực hiện các dự án đầu tư đổi đất lấy hạ tầng (BT) theo hình thức chỉ định thầu tạo kẽ hở làm thất thoát ngân sách chứ không làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Đại học Fulbright Việt Nam) - N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên