![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cựu chiến binh cùng xúc động trong buổi gặp mặt - Ảnh: Việt Dũng |
Câu chuyện kéo dài với trên 300 cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: “Hôm nay, chúng ta gặp nhau đây là quí lắm rồi. Gặp nhau đây là quý lắm rồi”.
Sáng 20-4, trong nắng vàng rực rỡ của buổi sớm bình minh lòng chảo Điện Biên, hơn 300 cựu chiến binh Điện Biên và Cao Bằng, những người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ, đã quân phục chỉnh tề, huân - huy chương chói lòa trước ngực tề tựu đông đủ tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên để chờ đón vị tướng tổng tư lệnh kiêm chỉ huy chiến dịch - đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đúng 8 giờ, đoàn xe đưa đại tướng cùng phu nhân đến, tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường 500 chỗ kín mít.
Sau lời chào mừng, cảm ơn của bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trịnh Long Biên, đại tướng Võ Nguyên Giáp từ từ chậm rãi bước lên sân khấu, cả hội trường lặng thinh xúc động theo từng bước chân của vị tổng tư lệnh năm nào.
Đại tướng xúc động khi được gặp lại các cựu chiến binh, những người đã từng chiến đấu làm nên một “chiến thắng vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đại tướng nói: “Gặp các đồng chí ở đây tôi muốn kể một câu chuyện. Trước đây tôi về Nam bộ thăm một trong những nơi chiến đấu ác liệt nhất là tỉnh Long An và Đồng Tháp Mười, tôi đã đến thăm gia đình một đồng chí đặc công. Khi tôi vào đến nhà, đồng chí ấy đã ôm chầm lấy tôi nước mắt ròng ròng nói: “Thưa đại tướng, gặp lại nhau đây là quí lắm rồi”. Tôi thấy rằng hôm nay, 50 năm sau chiến dịch vĩ đại Điện Biên Phủ, chúng ta, tôi và các đồng chí, cả các đồng chí từ Cao Bằng về có mặt tại đây hôm nay thì gặp lại nhau đây là quý lắm rồi…”.
Dù tuổi đã cao (năm nay đại tướng tròn 94 tuổi), lại trải qua một hành trình dài với lịch trình khá dày thăm lại các di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ trong bốn ngày, nhưng trước những người lính của mình năm nào, đại tướng như mạnh khỏe hơn, hào hứng hơn.
Trở lại sau đúng 10 năm (năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tướng đã về thăm chiến trường xưa), được gặp lại những người lính của mình năm nào nên ông càng xúc động, “buổi gặp hôm nay không phải là lịch sử nhưng các đồng chí nên nhớ đây là buổi gặp quan trọng”. Cả hội trường lặng yên…
Cùng các cựu chiến binh, đại tướng đã nhắc lại “chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta chống ngoại xâm, kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu ròng rã suốt chín năm trời”. Nhắc tới hôm qua cũng là để nói tới hôm nay, đại tướng bảo trong thời gian sắp tới các cựu chiến binh cần phải mẫu mực, tiếp tục làm nhiều việc tốt để xứng đáng là “chiến sĩ Điện Biên Phủ”, góp phần đưa “Điện Biên là tỉnh đầu tiên tiến kịp miền xuôi”.
Với lối nói chuyện dí dỏm của một người lính, đại tướng thẳng thắn chỉ ra một số di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã bị xâm hại: “Đồi Him Lam người ta đã làm nhà ở đó. Năm ngọn đồi phía đông chỉ có hai ngọn được giữ nguyên… Tôi không phải là họa sĩ nên thích thấy nhiều màu sắc, khi ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy nhiều đồi trọc quá”.
Từ thực tế này, vị tướng từng một thời gắn bó với Điện Biên cho rằng chính quyền và cả các cựu chiến binh phải trồng thêm nhiều cây mới vào đó, phải làm sao cải thiện đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân để “Điện Biên tiến nhanh, tiến chắc, tiến kịp miền xuôi” như Bác Hồ hằng mong ước.
“Phải ra sức xây dựng Điện Biên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, đẹp, dân ấm no hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, trẻ lớn lên phải được học tập, phải chăm lo cho người già…” - đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc buổi gặp gỡ với các cựu chiến binh Điện Biên Phủ sau suốt hơn 30 phút nói chuyện.
Thời gian khá khẩn trương và sức khỏe đại tướng không cho phép nên dù muốn nói rất nhiều với những người lính của mình nhưng cuối cùng buổi gặp gỡ cũng phải kết thúc. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc của Đoàn kịch nói Quân đội, đại tướng cũng không kịp thưởng thức.
Chia tay trong sự nuối tiếc của mọi người, ông lại tiếp tục lịch trình viếng nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 bởi đó là “mục đích chuyến đi chính của tôi lần này trở lại thăm Điện Biên”. Vẫn không nghỉ, sau khi thăm nghĩa trang, thắp hương viếng các liệt sĩ, những đồng đội, những người lính của mình, đại tướng thay đổi kế hoạch tiếp tục đi thăm hầm tướng De Castries, thăm lại cây cầu Mường Thanh lịch sử…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận