27/04/2017 15:48 GMT+7

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tâm trong, trí sáng

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Sáng 27-4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cùng thân nhân gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng tới dự lễ kỷ niệm.

Vị tướng tài ba

Trong diễn văn kỷ niệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ôn lại những đóng góp to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng suốt chiều dài lịch sử cách mạng VN.

Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh năm 1917, tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), trong một gia đình làm nghề thủ công. Trải qua cuộc sống cơ cực của giai cấp công nhân đã giúp ông sớm giác ngộ cách mạng, sớm tham gia các phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Năm 19 tuổi ông trực tiếp tham gia vận động, tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông, Hà Nội, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện đời sống cho công nhân.

Năm 20 tuổi ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 21 tuổi, ông được cử làm Bí thư chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội, sau đó tham gia ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội.

Từ năm 1939-1944, ông ba lần bị địch bắt giam tù đầy. Không chịu khuất phục giam cầm, ông đã hai lần trốn thoát khỏi nhà tù thực dân và bị chúng kết án tử hình vắng mặt.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như thành lập chiến khu 2 và làm chính uỷ chiến khu; cục trưởng cục chính trị quân đội quốc gia VN, phó bí thư quân ủy trung ương; chính ủy kiêm tư lệnh liên khu 3; chính ủy kiêm tư lệnh đại đoàn 320, đại đoàn Đồng Bằng.

Từ tháng 11-1953 đến tháng 5-1978, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1980-1986.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN

“Trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, Đại tướng Văn Tiến Dũng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên trung, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu.

Không chỉ là vị tướng tài ba trên trận mạc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là nhà ngoại giao quân sự, nhà khoa học quân sự tài năng. Ông còn dành nhiều tâm huyết cho ra đời những tác phẩm quân sự có giá trị, với nhiều nguyên tắc như: địch thế nào ta đánh thế, ta có gì đánh đấy, đánh thế nào, huấn luyện thế ấy...

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: “Dù ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn luôn giữ tác phong nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, là người chỉ huy nhân hậu, khoan dung, hết lòng thương yêu bộ đội, luôn quan tâm hết mực đến đời sống cán bộ chiến sĩ, được chiến sĩ và nhân dân tin yêu, kính trọng”.

Người thầy, người anh lớn

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên tư lệnh quân đoàn 3, đại diện cựu chiến binh VN chia sẻ nhiều kỷ niệm về Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Ông kể: “Cuối năm 1951, với cương vị là Chính ủy kiêm Tư lệnh đại đoàn 320, đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ huy trận tập kích thị trấn Phát Diệm, Ninh Bình. Ông đã đưa bộ đội, trong đó có trung đoàn 48 chúng tôi luồn qua các vị trí vòng ngoài, bất ngờ đánh vào chiếm thị trấn và các cơ quan đầu não chỉ huy của địch rồi đưa bộ đội trở ra tiêu diệt các vị trí vòng ngoài”.

“Trong trái tim tôi, Đại tướng Văn Tiến Dũng là người thầy, người anh lớn. Chính ông đã trang bị nhân sinh quan và thế giới quan cách mạng cho tôi. Ông đã trau dồi đạo đức cách mạng và quan hệ đối nhân xử thế cho tôi, từ ngày đầu nhập ngũ đã chắp cánh từng bước đi vững chắc trên con đường binh nghiệp của tôi.

Nhớ về ông là nhớ về vị tướng mưu lược có tầm nhìn xa trông rộng, đã phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, phù hợp với từng chiến trường và giành thắng lợi vẻ vang. Nhớ về ông là nhớ về tấm gương trong sáng của người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Ông có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, tâm trong, trí sáng, nghiêm khắc trong công việc nhưng bình dị, khiêm nhường, gần gũi trong đời thường”, Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ những lời xúc động.

Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ những lời xúc động về kỷ niệm với Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN
Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ những lời xúc động về kỷ niệm với Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN

 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên