05/11/2009 07:45 GMT+7

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm - Kỳ 5: Không cứu họ thì mình sống với ai!

ĐÌNH TOÀN
ĐÌNH TOÀN

TT - Trong trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999, biết bao tấm gương hi sinh vì đồng bào mình. Khi lũ ập đến, họ không ngại hiểm nguy lăn xả cứu từng con người. Có người may mắn giữ được tính mạng sau khi cứu cả hàng trăm người, nhưng có người vĩnh viễn ra đi…

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm - Kỳ 5: Không cứu họ thì mình sống với ai!

TT - Trong trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999, biết bao tấm gương hi sinh vì đồng bào mình. Khi lũ ập đến, họ không ngại hiểm nguy lăn xả cứu từng con người. Có người may mắn giữ được tính mạng sau khi cứu cả hàng trăm người, nhưng có người vĩnh viễn ra đi…

Có người nói cơn lũ 1999 được xem là lịch sử, tạo ra một kỳ tích lịch sử khác về tình người.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372864

Sau cơn đại hồng thủy 1999, ông Trừu vẫn tiếp tục công việc thường nhật ở bến Than - đưa người viếng điện Hòn Chén - Ảnh: Đình Toàn

ImageView.aspx?ThumbnailID=372865
10 năm trước, chàng trai lái đò ngang Võ Đại Đại (học sinh lớp 7 Trường THCS Hương Thọ) đã dùng con đò này cùng với mẹ và chú giải thoát cho 57 bạn học và hai thầy giáo lên đồi cao. Đại đã được T.Ư Đoàn tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm - Ảnh: Minh Tự

>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy>> Kỳ 2: Cuộc giải thoát 57 học sinh>> Kỳ 3: Hòa Duân bãi bể nương dâu>> Kỳ 4: Quyết định sinh tử

Kỳ tích ông lão bến Than

Ông là Lê Văn Trừu, năm nay gần 70 tuổi, ở Bến Than, làng Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bao năm nay ông làm nghề lái đò, ai thuê chở đi đâu thì ông chở, nhưng chủ yếu là đưa khách viếng điện Hòn Chén. Mỗi chuyến như vậy người ta trả công cho ông 5.000 đồng/người, ai hảo ý thì tặng thêm cho ông đôi ba ngàn.

Lúc chúng tôi đến, cả nhà ông Trừu vẫn chưa dọn xong những lớp bùn đặc quánh của trận lũ cuối tháng 9-2009. Mười năm trước, khi nước lũ dâng ngập quá nửa nhà, ông Trừu đã bỏ của để đi cứu người. Khi nước rút, ông trở về thì ngôi nhà đã sập hoàn toàn.

Ngay sau cơn lũ lịch sử 1999, lãnh đạo trung ương và tỉnh đã trực tiếp đến thăm, biểu dương và chia sẻ với cá nhân và gia đình ông Lê Văn Trừu và anh Hoàng Đình Thảnh, đồng thời trao tặng bằng khen biểu dương công lao, tấm gương quên mình cứu người của ông Trừu và anh Thảnh.

Làng Cư Chánh 2 có hai xóm, một xóm gọi là xóm Hòa Lương, xóm thứ hai là xóm Bến Than. Riêng số người ở Bến Than, với sức của một người đã qua tuổi 60 như ông Trừu lúc ấy, cứu được đã là một kỳ tích. Thế nhưng cứu hết người ở xóm Bến Than, ông Trừu tiếp tục lên xóm Hòa Lương. Khi chiếc đò đã chứa chừng 20-25 người thì ông Trừu nhắm hướng lăng Thiệu Trị hoặc nhà máy giấy ở Cư Chánh (hai nơi người dân Cư Chánh tìm đến tránh lũ) mà thẳng tiến.

Những thanh niên theo ông Trừu đi cứu người lúc ấy hiện không còn nhớ rõ đã có bao nhiêu chuyến đò chở người di tản thoát hiểm, mà chỉ nhớ với tay lái, tay chèo của ông chiếc đò không lúc nào ngơi nghỉ.

Đến đầu giờ chiều 2-11-1999, ông Trừu mới có một nắm cơm nguội chia sớt từ người dân trong làng để lót dạ.

Ông Trừu rùng mình kể: “Tui nhớ lúc đó có mấy chục công nhân làm ở mỏ đá Gà Lôi bị mắc kẹt giữa biển lũ. Họ ở nhiều tỉnh lắm, Quảng Bình có, Quảng Trị có. Đưa họ lên nhà máy giấy an toàn xong thì người ta biểu còn dì Tuất ở Hòa Lương chờ cứu. Rứa là hai cha con tui tiếp tục chạy vô đó, ai ngờ chạy gần tới nơi vướng dây điện, chiếc đò bị mắc lại giữa biển nước đục ngầu. Lúc đó ai cũng nghĩ cha con tui rứa là rồi đời, không ngờ tự dưng có một làn nước xô ngược khiến chiếc đò hết bị vướng. Cuối cùng cũng cứu được dì Tuất”.

Nghe chồng kể đến đoạn này, bà Thúy, vợ ông Trừu, cười góp chuyện: “Người xưa đã dạy rồi: Người ta thì trồng cây hạnh mà chơi, mình trồng cây đức để đời mà ăn. Vợ chồng tui chừ có phần thanh thản”. Nghe vậy ông Trừu quay sang vợ “đính chính”: “Nói rứa nghe cũng dữ dằn, chứ lúc đó tui chỉ nghĩ nếu không đi cứu để bà con chết hết thì mình ở với ai”.

Tên anh còn mãi với xóm làng

Khi đối diện với hai người thân còn lại, một là vợ, một là con gái của anh Hoàng Đình Thảnh (ở khu vực 2, Tây Linh, phường Thuận Lộc, Huế), chúng tôi cũng nghẹn ngào đến khó bắt đầu câu chuyện. “Chao, 10 năm rồi hè. Nhanh thiệt” - chị Nguyễn Thị Thúy, vợ anh Hoàng Đình Thảnh, bùi ngùi. Nước mắt như chực trào theo từng hồi ức trong người phụ nữ ở tuổi 53 ấy. 10 năm trước, nỗi mất mát quá lớn ập đến cùng lúc khiến chị ngã quỵ tưởng không bao giờ gượng dậy nổi.

Từ sáng sớm 2-11-1999, khi nước lũ dâng mỗi lúc một cao, anh Thảnh rời nhà đi cứu người dân trong xóm. Tây Linh là nơi thấp của thành phố Huế, người ta thường gọi nơi đây là “xóm lụt”. Với chiếc ghe cau chèo tay anh sắm để mùa lũ đưa vợ đi làm, đưa con đi học, anh chèo đến nhiều nhà, hết giúp bưng bê đồ đạc thì chở người đi tránh lũ. Quần quật từ sáng cho đến chiều vẫn chưa về nhà, nào hay ở nhà mẹ vợ, vợ và hai con thơ của người đàn ông ở tuổi 42 ấy cũng đang bị uy hiếp bởi nước lũ.

Anh trở về nhà kịp ăn vội một ít cơm nguội chị Thúy nấu từ sáng rồi chèo ghe đưa mẹ vợ và hai con lên chùa Tây Linh tránh lũ. Chùa cách nhà chỉ hơn 100m nhưng nửa đường ghe vướng phải dòng nước dữ rồi bị lật. Anh Thảnh lặn hụp cứu mẹ cứu con nhưng sức đã kiệt…

Nhắc chuyện anh Thảnh, anh Lê Văn Thanh, tổ trưởng tổ dân phòng khu vực 2, phường Thuận Lộc, xúc động: “Lúc đó khoảng 4g chiều, trời mưa mịt mùng. Tôi đang chèo ghe ngang trước chùa Tây Linh thì nghe tiếng kêu cứu. Lại gần thì thấy bé Thủy đang bu bám vào đuôi chiếc ghe đã bị lật úp. Hóa ra là ghe nhà anh Thảnh. Bé Thủy chỉ nói được lí nhí rằng ba, em trai và mệ ngoại đã chết rồi”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=373020
10 năm trước, bé Hoàng Nguyễn Thanh Thủy - con anh Thảnh - sống sót nhờ níu trúng một mảnh phao. Ngày đó, Thủy mới 14 tuổi đang học lớp 9, bây giờ cô là bác sĩ nội trú Bệnh viện trung ương Huế. Trong ảnh: Thủy và mẹ - chị Nguyễn Thị Thúy - Ảnh: Đình Toàn

Anh Thanh kể chính mẹ anh là người đã được anh Thảnh chèo ghe đến cứu. Khi lũ lên cao, anh Thanh vẫn còn bên ngoài chèo ghe đi chở người dân trong xóm. Lúc đó ở nhà người mẹ già của anh cũng bị uy hiếp bởi dòng nước lũ không ngừng dâng. Đúng thời điểm đó anh Thảnh xuất hiện, đưa mẹ anh Thanh lên chùa Tây Linh tránh lũ. “Tôi mắc nợ anh ấy, nhưng cũng an ủi cho tui phần mô là tui đã tiếp sức cho anh, đưa được bé Thủy lên chùa tránh lũ an toàn”, anh Thanh nói.

Nuốt nước mắt, chị Thúy nhớ lại: “Sáng sớm, sau khi kê vội một ít đồ đạc lên cao anh ấy lấy ghe chèo đi. Anh nói nhà mình cao chắc không nguy hiểm, trong xóm nhiều nhà thấp nên phải đi chở họ không thì họ sẽ bị nước cuốn. Anh nói đời ai cũng một lần chết. Ai ngờ đó là một trong những câu nói sau cùng của anh ấy”.

ĐÌNH TOÀN

ImageView.aspx?ThumbnailID=373001
Anh Trần Duy Phước, Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, trao quà cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cứu đói cho đồng bào ở đầm Cầu Hai. Ảnh chụp chiều 6-11-1999 - Ảnh: N.C.T.
ImageView.aspx?ThumbnailID=373002
Giáo viên và học sinh Trường THCS Tứ Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế lau rửa bàn ghế để chuẩn bị học lại trong khi nước lũ vẫn chưa rút hết sân trường sáng 7-11-1999 - Ảnh: N.C.T.
ImageView.aspx?ThumbnailID=373003
Bà con huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) vui nhận quà cứu trợ khẩn cấp của bạn đọc Tuổi Trẻ ngày 9-11-1999 - Ảnh: N.C.T.

Khi nước rút khỏi các đường phố Huế, hai mũi phóng viên của Tuổi Trẻ đã đến Huế. Mũi từ toà soạn tại TP.HCM cử ra có Nguyễn Công Thành và Cù Mai Công. Mũi từ Hà Nội vào có Đà Trang và Việt Dũng đến sau đó ít giờ.

Nhìn anh Công Thành lôi ra cái máy ảnh kỹ thuật số và hỏi chỗ kết nối Internet để truyền ảnh về toà soạn, tôi nói: “Cơ chi anh đến sớm hơn, thì đỡ khổ cho tui biết bao nhiêu”.

Trước đó, chúng tôi phải nhờ anh Việt Hùng và anh Sơn, hai người bạn chụp ảnh ở Huế tráng thủ công ra thành phim đen trắng, sau đó dùng nhờ máy scan phim (một thiết bị hàng khủng lúc bấy giờ với dân làm báo) của Ngọc Trường (TTXVN), rồi copy file vào đĩa mềm, chạy ra một điểm dịch vụ Internet gần như duy nhất ở Huế lúc bấy giờ, truyền về toà soạn. Mà kết nối Internet lúc bấy giờ là bằng cách dial-up 1269. Truyền một cái ảnh, mất hàng giờ đồng hồ.

Những ngày sau đó, khâu ảnh cho toà soạn coi như đã được giải quyết. Trong trận lũ lịch sử 1999 ở Huế, Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên có phóng viên sử dụng máy ảnh kỹ thuật số (dù lúc đó còn dùng đĩa mềm) và truyền ảnh về toà soạn qua kết nối Internet. Kể từ đó, cách tác nghiệp, đưa tin, truyền ảnh thời sự trên Tuổi Trẻ đã chuyển sang một thời kỳ rất khác. Cách làm này sau đó lan rộng ra với nhiều toà soạn báo khác, đến mức độ gần như phổ biến như ngày nay chúng ta thấy.

LÊ THANH HÀ

___________________

Miền Trung bao lâu nay vẫn là khu vực nhạy cảm với thiên tai, nhưng vấn đề là sống chung với thiên tai, với lũ như thế nào? Ông Lê Huy Ngọ - người trực tiếp chỉ đạo ứng cứu trận “đại hồng thủy 1999” - nhìn nhận lại những bài học rút ra sau trận lụt lịch sử.

Kỳ tới: Chỉ huy tại chỗ và sống chết với dân

=====================================================================

Ký ức của bạn đọc

* Năm 1999, tôi học Lớp 10 Trường PTTH Gia Hội, một ngôi trường nằm trong vùng trũng của TP Huế. Nhà tôi lúc đó không được xây cao như bây giờ, sau một đêm, mọi thứ đã nổi lềnh bềnh khắp trong nhà.

Do nhà có cửa hàng Lab sang rửa ảnh tại đường Hùng Vương - phía Nam sông Hương, nên chú tôi phải đi từ tối hôm trước khi nghe tin nước ngập. Sáng nước lên tận nóc nhà, cả nhà gồm bà nội, tôi, em gái tôi, người vợ chú tôi, đứa con gái đầu của chú lúc đó mới gần 2 tuổi, cả nhà phải đục nóc nhà rồi đi thuyền qua ở nhà mẹ thím tôi.

Mấy ngày sau trở về, nhà cửa đầy bùn, khổ nhất là sách vở ướt hết. Tôi phải phơi khô để còn tiếp tục học, hầu như lớp tôi ai cũng xài cuốn vở 100 trang bị nhem mực vì nước lũ ở hai đầu bìa. Kinh hoàng nhất khi nghe quá có nhiều người chết, quan tài đặt trước bia Quốc Học. Tôi quá lặng người và thấy cay trong mắt.

Giờ vào Nam đã 7 năm, làm ngành du lịch đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cảnh đời, nhưng sâu thẳm trong lòng tôi: vẫn không thể quên được cảnh tượng kinh hoàng của trận lũ năm 1999.

Hi vọng sẽ không có những thiên tai như vậy nữa, không phải thấy những đau thương nữa.

NGUYỄN TƯỜNG HẢI

* Năm đó tôi là một cô sinh viên của Trường ĐH Khoa học Huế. Nhà tôi nằm ngay nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, cũng là một con đường khá cao ráo của Huế. Hôm đó, cũng như những ngày bình thường khác, buổi sáng ba mẹ tôi đi làm, nhà chỉ còn dì của tôi và 2 chị em tôi.

Trời mưa như trút nước, nước bắt đầu tràn lên mặt đường, nước mấp mé ngoài sân, nửa tiếng sau nước vào nhà bếp của tôi, nửa tiếng tiếp nước vào nhà dưới. Ba dì cháu cúng tôi ráng chuyển đồ lên cao để tránh nước, lúc đầu thượng vàng hạ cám cái gì cũng bê lên cao hết, nhưng nước lên nhanh quá nên riết một hồi chỉ những thứ quý giá mới được bưng đi, nhưng rốt cuộc không cứu được bất cứ thứ gì vì nước lên quá cao và quá nhanh.

Cả ba dì cháu đành phải bất lực ngồi nhìn đồ đạc của mình chìm trong nước, chỉ có tôi nhanh chân nghĩ ngay đến bao gạo, xách nó lên được chỗ an toàn thì cũng đã ướt mất phân nửa. Ba mẹ tôi điện thoại liên tục về nhà hỏi nước đến đâu. Lúc đầu tôi còn hớn hở khoe: ngoài sân, sau bếp, nhà dưới, nhà trên, đến chân len tường nhà trên, nước đến ngang đầu gối, và sau khi nước lên đến ngực thì mọi liên lạc cắt đứt hoàn toàn.

Mùa mưa, chưa kịp làm gì thì trời tối. Ngoài trưa mưa vẫn trút xối xả, trong nhà toàn nước và nước, cúp điện nên tối thui, đưa tay lên trước mặt chưa chắc đã thấy. Ba dì cháu nhà tôi loay hoay trên chái nhà vì dưới đất không còn một chỗ khô ráo nào đề ngồi. Áo quần thì ướt đẫm vì cả ngày lội nước để kê kê đồ, và cũng chẳng còn bộ áo quần khô nào để thay (vì nước lụt làm ướt hết rồi). Nằm không được, ngồi cũng chẳng xong, lạnh, đói, sợ....

Trời vẫn mưa! Ngồi nghĩ quẩn, lỡ nước còn lên nữa thì làm sao thoát, cửa thì bị nước bít hết, không một lối thoát. Nếu nước lên nữa chắc chỉ còn cách trổ mái nhà leo lên đó thôi, còn lên nữa thì chắc phó thác cho trời cho đất. Ngoài đường nghe tiếng canô chạy mà chịu vì không cách nào mà kêu cứu được.

Mãi đến trưa hôm sau, tôi nghe tiếng ba tôi gọi, mừng ơi là mừng. Ba tôi chui qua cửa, dìu từng người một trong nhà ra ngoài, đưa lên đò. Cả ba dì cháu được cứu và đưa đến nơi an toàn. Đến bây giờ, đã 10 năm, tôi vẫn không thể tưởng tượng đã có lúc có một chiếc đò to đùng chèo đến tận cửa lớn nhà của mình. Bây giờ tôi vẫn còn nguyên cảm giác kinh hoàng của trận lụt kinh hoàng đó.

Sau khi nước rút là đến cảnh dọn nhà. Vì phải đi khỏi nhà nên khi nước rút hẳn cả nhà tôi mới về nhà. Mất mấy ngày, nhà cửa mới dọn dẹp xong xuôi vì lúc đó không có đến một giọt nước để uống chứ đừng nói để dọn nhà. Bùn thì một lớp dày cả 20cm, phải dùng xẻng để xắn, xắn cật lực mới được, vì bùn đã khô và rất chắc. Ngoài đường còn ngổn ngang hơn, không đến nỗi có xác gia súc gia cầm nhưng toàn là rác, bùn và mọi thứ mà người dân đổ ra. Đúng là thật kinh khủng!

PHAN THỊ TUYẾT HƯƠNG

* Nhắc lại lụt 1999, không người Huế nào quên. Chỉ một từ kinh khủng mới có thể diễn tả hết được tình trạng này. Nhà tôi ở một con đường thuộc loại cao của thành phố. Những khi lũ báo động cấp 3, nhà tôi vẫn bình yên vô sự. Khi nào mưa to quá, nước vào nhà tôi chỉ 5cm là tối đa. Vì vậy, gia đình tôi hầu như chả bao giờ bận tâm đến chuyện lũ lụt.

Vào ngày 1-11, sau 1 đêm ngủ ngon lành. Bố tôi dậy sớm nhất nhà, mở cưa ra, bố gọi "Các con ơi, lụt rồi, dọn nhà đi". Bọn tôi nhìn ra, nước mấp mé sân. Thì dọn nhà. Chúng tôi ai cũng chủ quan, mang tất cả đồ đạc dưới đất bỏ lên giường (chờ lụt xuống thì lại bỏ xuống). Nước vẫn lên. Lại chuyển đồ đạc lên cao hơn 1 mức nữa. Nước vẫn lên, lại chuyển... Cứ thế, cứ thế. Số đồ đạc chuyển đi cũng càng lúc càng ít dần. Nước vẫn lên, cái thùng đựng sách, vở không chịu nổi sức nước đổ ụp.

Tôi và chị dâu tôi đành xuôi tay (vì không còn sức và cũng vì không còn chỗ để chuyển lên nữa). Nhà tôi lúc này có 2 bố mẹ già, 2 anh trai, 2 chị dâu (một chị đang mang thai), 3 cháu nhỏ (trong đó có 2 cháu mới 8 tuổi) và tôi. Phương án lúc này: Làm sao lo chỗ cho bố mẹ, các cháu bé và chị dâu đang có thai là 1 vấn đề. Nhà cửa thì ngập hết rồi.

Vậy là 2 anh cùng với cháu kê giường lên thật cao, rồi kê các tấm ván lên để trải đệm cho người già trẻ em nằm. Còn những người khoẻ thì cứ có chỗ nào trống là nằm. Anh ba tôi nằm trên cái bàn rộng 40cm, dài 60cm, gác chân lên tường ngủ... Các chỗ khô ráo còn lại ưu tiên để bếp, gạo... Thế là tạm ổn.

Trong suốt 2 ngày (nhà tôi cao nên chỉ chịu trận có 2 ngày), nhà tôi ăn từ cơm với trứng, sau đó là lạc rang, nước mắm, và cuối cùng là nước mắm không. May sao dầu vẫn còn để nấu và thắp. Bát ăn xong thì cho xuống nền nhà để rửa qua nước lụt rồi mới rửa lại bằng nước sạch. Có hôm, anh hai tôi ngủ say, lăn ra khỏi tấm ván kê nhỏ nhoi, rơi xuống nền nhà đầy nước. Điều khủng khiếp nhất là chất thải sinh hoạt từ nhà vệ sinh chui ngược lên, và từ nhà hàng xóm "bò" vào nhà. Tôi toàn phải đi lấy chổi để đuổi chúng ra ngoài.

Sau 2 hôm, thống kê: Đa số sách vở, áo quần ướt hết. Xe cộ, máy móc đầy bùn.... Thiệt hại nhất là tôi: bao nhiêu bằng cấp chính định đem nộp cho cơ quan, khi mải chạy lụt quên mất. Đến khi kiểm lại thì chả còn gì, bong tróc, mất dấu hết.

Tuy nhiên, nhà tôi cũng có cái được sau trận lụt: 2 chị dâu của tôi vốn rất xung khắc nhau, qua hoạn nạn đã trở nên thân thiết. Bố tôi đã khắc lại điểm nước lên trên tường nhà để ghi dấu những ngày không thể quên ấy. và nhà tôi cũng đã "phổ biến" kinh nghiệm: Lần sau cứ lụt là dọn hẳn đồ lên cao một lần thôi chứ không thì mất hết.

Một bạn đọc

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến dưới đây. Chân thành cám ơn.

ĐÌNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên