Ngày 30-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án liên quan ông Mai Tiến Dũng (cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), đại gia Nguyễn Cao Trí cùng các bị cáo ra xét xử.
Phiên tòa sẽ được mở vào ngày 16-1 tới đây và dự kiến kéo dài trong 5 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.
Theo quyết định, 6 người bị xét xử tội nhận hối lộ gồm: Trần Đức Quận (cựu bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), Trần Văn Hiệp (cựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), Lê Quốc Khánh, Hoàng Xuân Văn, Nguyễn Nho Định (cựu lãnh đạo cấp cục và cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ) và Nguyễn Ngọc Ánh (cựu chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng).
Ông Mai Tiến Dũng cùng cấp dưới Trần Bích Ngọc (cựu vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, ông Nguyễn Hồng Giang (cựu cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ) bị đưa ra xét xử.
Riêng đại gia Nguyễn Cao Trí (cựu chủ tịch Công ty Giáo dục Văn Lang, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị xét xử tội đưa hối lộ.
Phi vụ thâu tóm siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh hưởng lợi 2.700 tỉ của đại gia Nguyễn Cao Trí
Trước đó, bản cáo trạng được Viện kiểm sát ban hành cho thấy ông Nguyễn Cao Trí chi cả chục tỉ cho các cựu quan chức để giúp "bẻ lái" kết luận thanh tra, thâu tóm dự án Sài Gòn Đại Ninh sau đó "sang tay" cho Novaland với giá 27.600 tỉ, hưởng lợi 2.700 tỉ.
Cơ quan truy tố cáo buộc ông Trí đã chi tiền cho một số cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để "bẻ lái" thâu tóm dự án Đại Ninh.
Theo cáo trạng, ông Trí biết dự án đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị thu hồi do phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh ký, nên đã tìm cách tác động "bẻ lái" kết luận để mua lại dự án.
"Tôi kiến nghị thu hồi được thì sẽ tháo gỡ cho gia hạn phục hồi dự án được", ông Minh nói với ông Trí và yêu cầu làm theo hướng dẫn của mình. Sự thỏa thuận này đã mở đường cho phi vụ thâu tóm dự án.
Sau khi được ông Minh nhận lời giúp đỡ không thu hồi dự án, ông Trí và bà Phan Thị Hoa ký thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng dự án với giá 3.000 tỉ đồng.
Một tháng sau, hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán và ông Trí vay ngân hàng trả cho bà Hoa 1.000 tỉ đồng để sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Nguyễn Cao Trí tiếp tục nhờ ông Trần Văn Minh hướng dẫn thủ tục gia hạn, giãn tiến độ dự án nhằm tìm kiếm đối tác bán lại dự án, kiếm lợi nhuận, cáo trạng nêu.
Ông Minh hướng dẫn ông Trí phải "chính danh" đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh gửi đơn kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng, phó thủ tướng thường trực kiến nghị xem xét cho gia hạn, giãn tiến độ dự án.
Từ hướng dẫn của phó tổng thanh tra, ông Trí hai lần gửi đơn đề nghị đến Văn phòng Chính phủ.
Kết quả điều tra xác định đại gia Nguyễn Cao Trí khai đã 2 lần đến nhà riêng của ông Minh tại quận 3, TP.HCM và đưa 10 tỉ đồng. Một lần 8 tỉ ông Trí đưa trực tiếp, 2 tỉ đồng đưa qua con trai ông Minh.
Hai lần bút phê của cựu bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Theo cáo trạng, ông Trí ra Hà Nội và đến gặp ông Mai Tiến Dũng, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, để trao đổi việc đã mua lại dự án Đại Ninh nhưng dự án này đã có kiến nghị thu hồi theo kết luận của Thanh tra.
Trí cầm theo đơn để nhờ ông Mai Tiến Dũng bút phê giao Vụ I tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, để chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho Thanh tra Chính phủ giải quyết.
Tuy nhiên do đơn kiến nghị lần 1 chưa được giải quyết, theo hướng dẫn của ông Minh, Trí tiếp tục ra Hà Nội gặp ông Mai Tiến Dũng nhờ Văn phòng Chính phủ tham mưu, xin ý kiến của phó thủ tướng thường trực chỉ đạo Thanh tra Chính phủ "giải quyết một cách mạnh mẽ hơn".
Từ đó để Thanh tra Chính phủ có cơ sở thành lập đoàn kiểm tra, xác minh kiến nghị.
Theo cáo trạng, trong những lần gặp này, Trí đã chi 200 triệu đồng "cảm ơn" ông Mai Tiến Dũng. Ngoài ra, Trí còn liên hệ nhiều lần với Trần Bích Ngọc, vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, để nhờ tư vấn, tham mưu, báo cáo giúp cho việc giải quyết đơn kiến nghị nhanh chóng, đúng đường hướng mà Trí và ông Trần Văn Minh đã thống nhất.
Quá trình nhờ Ngọc tư vấn giải quyết kiến nghị, Trí đã hẹn gặp Ngọc tại phòng khách Văn phòng Chính phủ và đưa một phong bì 50 triệu đồng để "cảm ơn".
Sang tay dự án hưởng lợi 2.700 tỉ
Theo cáo trạng, ông Trí còn nhiều lần gặp cựu bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận nhờ quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ thay đổi đăng ký kinh doanh, ủng hộ kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Ông Trí 5 lần đến phòng làm việc của ông Quận tại Tỉnh ủy Lâm Đồng để gặp, đưa tổng số 2,1 tỉ đồng.
Ông Trí cũng nhờ cựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp xin thay đổi đăng ký kinh doanh, giãn tiến độ dự án, chỉ đạo sở ngành tính tiền sử dụng đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ông Trí đã 7 lần đưa cho ông Hiệp, tổng 4,2 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định từ năm 2019-2020, lãnh đạo Tập đoàn Novaland, đã bắt đầu đàm phán với bà Hoa về nhận chuyển nhượng dự án Đại Ninh.
Do phương án tài chính không đảm bảo nên việc này tạm dừng, chờ thời điểm đầu tư phù hợp sau.
Đến tháng 7-2020, lãnh đạo Novaland được bà Hoa giới thiệu với ông Trí và cho biết dự án đang được xin phục hồi, gia hạn. Nếu Novaland muốn mua lại thì làm việc với ông Trí. Do lúc này dự án vẫn đang bị kiến nghị thu hồi, nên phía Novaland bảo ông Trí là chờ dự án được gia hạn, phục hồi mới đàm phán chuyển nhượng tiếp.
Sau khi kết luận thanh tra dự án Đại Ninh được "bẻ lái", Công ty Lavender của ông Trí và Tập đoàn Novaland ký thỏa thuận bảo mật thông tin với phí bảo mật là 300 tỉ đồng.
Ngay sau đó Công ty Lavender và Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Sài Gòn Đại Ninh. Tổng giá trị giao dịch 27.600 tỉ đồng, 5 đợt thanh toán.
Tuy nhiên, đến ngày 7-10-2022, Thiên Vương mới thanh toán 2.700 tỉ đồng cho công ty của ông Trí. Viện kiểm sát cáo buộc sau khi chuyển nhượng dự án cho Tập đoàn Novaland, ông Trí thu lợi 2.700 tỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận