TT - Hôm qua 29-12, bất ngờ đã xảy ra khi Công ty VPF gửi văn bản đồng ý cho Đài truyền hình VN (VTV) là đơn vị được truyền hình các trận đấu của Super League, Hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia kể từ mùa bóng 2012.
Theo đó, bản quyền truyền hình VPF bán cho VTV có thời hạn ba năm, giá trị hợp đồng trong mùa giải 2012 là 7 tỉ đồng (cao hơn 1 tỉ so với giá VFF bán cho AVG).
Có thể nói quyết định của VPF đã chính thức mở màn cho một “cuộc chiến” hứa hẹn rất gay cấn, bởi Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là đơn vị đang nắm trong tay bản quyền truyền hình độc quyền của các giải đấu nói trên trong 20 năm sau khi đã mua từ Liên đoàn bóng đá VN (VFF). Thật ra, câu chuyện bản quyền truyền hình đã nóng từ cuối mùa giải 2010 khi AVG mua lại bản quyền truyền hình hầu hết các giải đấu quốc nội của VFF trong thời hạn 20 năm với giá trị 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến tăng 10% mỗi năm.
Ngay sau khi VFF bán bản quyền cho AVG, truyền thông và người hâm mộ đã phản ứng dữ dội về sự phi lý ở thời hạn 20 năm của hợp đồng. Thông thường hợp đồng bản quyền chỉ kéo dài ba năm và mỗi nhiệm kỳ của các quan chức VFF cũng chỉ có năm năm. Các quan chức của VFF khi đó và cả hiện nay đều một mực khẳng định bản quyền truyền hình V-League cùng các giải đấu quốc nội thuộc sở hữu của VFF và VFF bán cho AVG là đúng luật.
Ngày 9-11-2011, Công ty VPF ra đời với sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL để tổ chức, quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN. Việc tổ chức, điều hành các giải đấu (cụ thể gồm bốn giải Super League, Hạng nhất, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia) và toàn bộ thương quyền của các giải đấu này VFF buộc phải chuyển giao cho VPF, trong đó có bản quyền truyền hình.
Chiều cùng ngày, AVG đã có thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông. Theo đó, AVG khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật và AVG sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. “Đây là hành vi cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật VN và công ước quốc tế về vấn đề bản quyền. Chúng tôi tin các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không bỏ qua hành vi vi phạm này” - ông Hoàng Xuân Bắc, phó giám đốc AVG, nói.Ngay sau khi VPF có văn bản đồng ý cho VTV truyền hình các giải đấu, ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch HĐQT AVG - cho biết: “AVG sẽ gửi văn bản có đầy đủ chứng lý đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của AVG”.
Trước đó ngày 21-12, AVG cho biết đã gửi văn bản tới VFF nêu rõ: “Việc đàm phán, làm việc (nếu có nhu cầu thay đổi thật sự từ phía VFF) cần diễn ra trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào từ phía VFF cho dù với đối tác là VFF hay bất kỳ một tổ chức/cá nhân nào”. Những quan điểm này không phải nhằm loại bỏ VPF khỏi cuộc chơi mà là cách thức tiến hành để đạt được mục đích vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của AVG vừa tạo điều kiện để VPF hoạt động đúng luật pháp.
Về phần mình, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết VFF mới có nghị quyết chuyển giao bốn giải đấu này cho VPF chứ chưa ký hợp đồng bàn giao chính thức. Trong tuần tới thường trực VFF mới có cuộc họp để làm việc về vấn đề này. “Việc anh Kiên có văn bản cho VTV vào khai thác các trận đấu Super League anh Kiên chịu trách nhiệm. Bây giờ làm tất cả mọi việc thế này là không đúng quy trình vì mọi việc phải làm theo thứ tự từng bước. Nếu có phương pháp giải quyết tốt, tôi nghĩ sẽ ổn thôi. Trong trường hợp VFF đã bàn giao bằng hợp đồng các giải đấu này cho VPF thì VPF có được bán lại bản quyền truyền hình hay không phải căn cứ vào hợp đồng bàn giao xem VPF được quyền gì thì khai thác đó”.
K.XUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận