31/01/2014 12:59 GMT+7

Đặc khu kinh tế

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - CẦM VĂN KÌNH ghi
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - CẦM VĂN KÌNH ghi

TTXuân - Sau hơn 25 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi nước thu nhập thấp. Nhưng để vươn lên giàu, chúng ta không còn nhiều dư địa nữa. Kinh tế nếu cứ như thế này có thể sẽ vẫn phát triển nhưng chậm. Mà chậm trong thời đại ngày nay nghĩa là khó, nếu không nói là không thể đến đích mong muốn.

aZsUrpcn.jpg
Ý tưởng làm đặc khu Quảng Ninh đã có, nhưng sẽ tốt hơn nếu liên kết được Hải Phòng và Quảng Ninh để làm một “vùng đặc khu”. Trong ảnh: Cảng Vân Đồn - Ảnh: Đỗ Giang

Phải vượt lên chính mình

Cần thấy rằng Việt Nam đang trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nước để thu hút vốn đầu tư. Nếu cứ theo tầm nhìn hẹp, đưa ra ưu đãi vặt, cho cái mình sẵn có mà không nghĩ tạo môi trường kinh doanh vượt trội các nước láng giềng, tôi e các nhà đầu tư lớn sẽ “good-bye” Việt Nam để chọn quốc gia khác.

Việt Nam đang ở thời khắc chuyển đổi quan trọng với rất nhiều mục tiêu, chính sách được đặt ra để xoay chuyển tình hình, với những nút thắt đã được chỉ tên. Nên tương lai đang ở chính trong tay của Việt Nam, thành công hay thất bại sẽ tùy thuộc vào chính quyết tâm và cách chúng ta xử lý những vướng mắc để tiến tới.

Năm qua lạm phát đã giảm, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt tới hơn 20 tỉ USD… Đây là tín hiệu bắt đầu cho niềm tin trở lại. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn chưa sáng. Bởi nếu nói đã ổn định được vĩ mô rồi thì chưa đúng, vì ổn định không chỉ là lạm phát giảm, mà còn là sức khỏe của doanh nghiệp thế nào, đời sống dân ra sao…

Rồi tái cơ cấu là cách duy nhất để xoay chuyển tình hình thì nhiều lĩnh vực “khởi động” mãi mà chưa “động”. Chúng ta cũng đã có bài học về thái độ chính sách khi thực tế dù doanh nghiệp nhà nước là trụ cột, nhưng khu vực tư khó khăn thì ngân sách cũng gặp sức ép rất lớn. Nếu là ba điều cần chiêm nghiệm thì tôi sẽ nghĩ tới ba điều trên trong thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Việt Nam đã trả giá quá nhiều nên đầu tiên vẫn là giữ ổn định vĩ mô. Để cái giá đắt mấy năm qua không quay lại, tránh cứ tăng trưởng thì lại lạm phát, Việt Nam không còn cách nào khác là phải thực lòng tái cơ cấu nền kinh tế. Theo tôi, nếu nói mấu chốt cải cách thì nên là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bởi nói cho cùng khu vực này cũng liên quan đến tái cơ cấu khu vực tài chính, đầu tư công vì doanh nghiệp nhà nước - các ngân hàng thương mại nhà nước - nắm giữ các ngân hàng. Doanh nghiệp nhà nước cũng là đối tượng đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng/năm.

Và đặc biệt, theo tôi, một việc cần làm ngay trong năm 2014, nó cũng có thể giải quyết ngay được các vấn đề về thể chế, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo đà cho Việt Nam bật lên… đó chính là Việt Nam cần thành lập ngay một vài đặc khu kinh tế đúng nghĩa. Hãy nhìn sang Trung Quốc với Thâm Quyến vốn là một làng chài, nay đã hơn 10 triệu dân, diện tích chỉ xấp xỉ tỉnh Bình Dương nhưng đang có GDP lớn hơn cả Việt Nam rất nhiều. Gần đây, Incheon của Hàn Quốc, Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng phát triển với tốc độ thần tốc… Đó là những đặc khu.

Theo tôi, trước mắt, năm 2014 cũng như vài năm tới, chỉ cần mở được hai đặc khu cho hai vùng kinh tế trọng điểm. Ở miền Bắc nên là đặc khu Quảng Ninh - Hải Phòng. Với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên là Bà Rịa - Vũng Tàu. Ý tưởng làm đặc khu Quảng Ninh đã có, nhưng sẽ tốt hơn nếu liên kết được Hải Phòng và Quảng Ninh để làm một “vùng đặc khu”. Đặc khu này không thuộc tỉnh nào cả mà trực thuộc trung ương. Nếu làm đặc khu cấp huyện trực thuộc tỉnh thật sự là rất khó vận hành các thể chế vượt trội. Vì như thế ngay cả khi đặc khu tạo cơ chế tốt rồi nhưng có vấn đề gì lại vẫn phải xin ý kiến tỉnh. Mà tỉnh thì không phải đặc khu, nghĩa là vẫn theo bộ máy cũ. Tôi e “đặc khu cấp huyện” sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Nguyên tắc của đặc khu kinh tế phải là mở cửa và tự do hóa kinh tế tối đa, là thể chế kinh tế hiện đại vượt trội. Đặc khu là phải tiến tới “zero” các rào cản thuế quan, thương mại, đầu tư… Chứ cứ ngồi tính chi li giảm mỗi 1% thuế là mất mấy tỉ đồng thu ngân sách thì không thể có đặc khu kinh tế được. Đặc khu không thể dừng lại ở cái gọi là mức ưu đãi lớn nhất tại Việt Nam, kiểu giá đất rẻ nhất trong khung. Tôi đã từng sang Dubai. Đây là nước Hồi giáo nhưng chấp nhận bỏ hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp, cảnh sát họ cũng thuê nước ngoài làm… Về cơ chế, đặc khu nên có tính độc lập cao, thậm chí có quyền xây dựng một số luật riêng như luật về tiền lương, về ngân sách, thuế… Nếu như cán bộ đặc khu Quảng Ninh lương vẫn mấy triệu đồng như bây giờ, chỉ đảm bảo được 60-70% nhu cầu cơ bản thì rồi mọi thứ sẽ lại quay về như cũ.

Đặc khu cần cả thể chế mới, bộ máy hành chính, ngay bộ phận tư pháp ở đó cũng phải vận hành theo thông lệ thế giới… Chính vì làm được điều này, Dubai hiện nay là một trung tâm lớn của cả khu vực Trung Đông - Ả Rập, thậm chí là trung tâm giao dịch kinh tế toàn cầu. Việt Nam có thách thức rất lớn là đi sau, phải tạo được ưu thế vượt trội hơn những đặc khu đi trước. Nếu chúng ta không dám làm theo cách vượt lên thì sẽ bị tụt lại. Các đề án lập đặc khu mà tôi biết đều cho thấy quyết tâm rất cao của nhà nước. Đã có tính toán áp dụng cơ chế lãnh đạo công - quản trị tư. Tức nhà nước chỉ nắm phần định hướng, còn lại dịch vụ công có thể để tư nhân làm... Nhưng theo tôi, đặc khu kinh tế vai trò rất lớn nên cần sự chuẩn bị tương xứng hơn nữa. Quy luật là nước nào, nơi nào bắt kịp sự phát triển thì sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị đào thải, chật vật mãi với sự tụt hậu.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên