01/03/2015 08:25 GMT+7

Đặc điểm di truyền bệnh thận đa nang: Ba nữ sinh muốn truy đến cùng

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TT - Năm học 2014-2015, lần đầu tiên tỉnh Bình Định có ba nữ sinh được tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP.HCM.

Từ trái qua: Lê Thị Hồng, Trần Thị Phương Linh, Nguyễn Thị Phương Thảo - Ảnh: Đức Thọ

Đó là các nữ sinh đã đoạt giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT lĩnh vực y khoa và khoa học sức khỏe với đề tài nghiên cứu đặc điểm di truyền bệnh thận đa nang.

Cả ba nữ sinh tài năng trong nhóm thực hiện đề tài đều là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện miền núi Hoài Ân (Bình Định), trong đó có hai bạn xuất thân từ hộ nghèo.

Gia cảnh éo le

Khoa sẵn sàng hỗ trợ

ThS Hoàng Thị Hai - phó trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết khoa luôn khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học.

Nếu ba sinh viên này có nguyện vọng tiếp tục nghiên cứu và phát triển đề tài nghiên cứu của mình, khoa sẵn sàng hỗ trợ và khuyến khích các em thực hiện.

Tháng 8-2014, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng cho ba nữ sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Phương Linh và Lê Thị Hồng đoạt giải ba về lĩnh vực y khoa và khoa học sức khỏe của cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã bày tỏ niềm vui:

“Cho dù chỉ là thành công khởi đầu của các em nhưng đó là niềm tự hào cho quê hương xứ sở, là nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học cho giới trẻ ngay từ lúc còn ở trường phổ thông, các em xứng đáng là con cháu Bùi Thị Xuân, con cháu trên quê hương anh hùng Tăng Bạt Hổ”.

Hai tuần nghỉ tết trôi qua, các bạn đang chuẩn bị trở lại trường. Với Nguyễn Thị Phương Thảo, thời gian nghỉ tết là dịp giúp mẹ chăm đàn heo và săn sóc bà ngoại già yếu.

Buổi chiều gặp Thảo ở nhà, bạn đang loay hoay sửa sang lại giàn mướp góc vườn giúp mẹ sau khi lặn lội ra đồng cả ngày hái rau về nuôi mấy chú heo con.

“Cậu mợ và bà con bên ngoại giúp mẹ chút vốn, mẹ phụ hồ tích cóp được một ít, mua bốn heo con, coi như dành tiền nuôi em ăn học” - Thảo nói.

Mẹ Thảo - bà Nguyễn Thị Ai (54 tuổi) - góa bụa từ khi ngoài 20 tuổi, một mình nuôi con, nuôi mẹ già. Nguồn thu duy nhất của gia đình là một sào ruộng, năm hai mùa, tạm đủ gạo ăn.

“Mình ở nhà rau cháo quấy quá qua ngày, có đồng nào dành dụm gửi cho con, cũng may mắn là có cơ sở thẩm mỹ viện Xuân Trường TP.HCM nhận giúp đỡ cháu, nếu không có họ chắc tui cũng không đủ sức nuôi con” - bà Ai nói.

Thảo kể giai đoạn khó khăn nhất là ba tháng nghỉ hè cuối năm lớp 11, mẹ Thảo đau nặng, nhập viện suốt ba tháng, Thảo ngày đêm ở bệnh viện nuôi mẹ, rồi còn bà ngoại một mình ở quê, chạy đi chạy về như con thoi, mà tiền bạc quá eo hẹp.

“Năm đó, nếu không nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, thầy cô chia sẻ, chắc em không thể tiếp tục đến trường. May mắn là em vẫn được đi học đến bây giờ” - Thảo nhoẻn cười.

Nhà bạn Lê Thị Hồng cũng như Thảo, mẹ góa con côi, diện hộ nghèo. Hồng còn một em trai đang học lớp 10 và bà ngoại đã hơn 80 tuổi.

“Ngay sau khi vào Sài Gòn nhập học là em đã lo tìm việc làm thêm để mẹ nhẹ gánh lo lắng nuôi đứa em còn nhỏ đang học ở nhà và chăm sóc ngoại hay ốm đau”- Hồng nói.

Khoa học rất lôi cuốn

Cơ hội làm việc có ích

Thầy Phan Chí Quốc Hùng (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoài Ân, Bình Định) cho biết cả ba học sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Phương Linh và Lê Thị Hồng có một đặc điểm chung là khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, đam mê nghiên cứu khoa học và có tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp tốt.

“Về lâu dài, tôi hi vọng các em sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt việc được Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển thẳng là một cơ hội cho các em làm nhiều điều có ích cho đời” - thầy Hùng nói.

“Nghiên cứu đặc điểm di truyền bệnh thận đa nang tại Hoài Ân bằng phương pháp phả hệ” là tên đề tài mà nhóm ba nữ sinh trường huyện Hoài Ân thực hiện từ đầu năm 2013 đến tháng 4-2014. Khi đó các bạn đang học lớp 12.

Trần Thị Phương Linh kể hồi đó có rất nhiều đề tài liên quan đến môi trường như làm hầm biogas, vấn đề ảnh hưởng khói thuốc lá đến trẻ em và nhiều đề tài khác.

“Rất may mắn là đề tài của nhóm ba đứa em thực hiện được thầy giáo Phan Chí Quốc Hùng hướng dẫn và giúp đỡ rất nhiều trong thời gian khảo sát và nghiên cứu” - Linh nói.

Câu chuyện “bệnh thận đa nang” bắt đầu từ một dòng họ ở thôn Gia Chiểu (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân). Đã có 19 người trong tổng số 51 người của dòng họ này bị “bệnh thận đa nang”, có yếu tố di truyền.

“Rất khó để người bị bệnh kể cho mình nghe câu chuyện về bệnh tật của họ đang mắc phải.

Họ buồn nhưng ít nhiều họ mặc cảm và không muốn chia sẻ, đặc biệt khi tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, về tập quán ăn uống, điều kiện sống của họ thì không phải dễ dàng có đầy đủ thông tin.

Hơn một năm phải đi lại và tiếp xúc thân thiết thì chúng em mới có đầy đủ thông tin, dữ liệu cần thiết cho đề tài, đó là những ngày tháng khó khăn vất vả, nhưng khoa học luôn có sức hấp dẫn của nó.

Thầy Hùng luôn ở bên cạnh các em động viên và giúp đỡ. Nếu không có thầy Hùng và các thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đề tài nghiên cứu không đạt như mong muốn” - Nguyễn Thị Phương Thảo kể.

Hỏi hiện tại đề tài có được tiếp tục nghiên cứu rộng hơn không thì cả ba em đều hào hứng cho biết sẽ nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn vì hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này.

“Tụi em chỉ ước có được một chiếc laptop để có thể tranh thủ thời gian tiếp tục cho đề tài này” - ba nữ sinh viên khoa y tế công cộng chia sẻ niềm mơ ước của mình.

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên