05/05/2015 10:36 GMT+7

​Đã thu sai, chờ hoài không trả

QUANG PHƯƠNG - HỒ VĂN
QUANG PHƯƠNG - HỒ VĂN

TT - Nhiều thực tập sinh đi xuất khẩu lao động tại Nhật khi trở về đã bị Alsimexco - Trung tâm Xuất khẩu lao động chi nhánh TP.HCM không trả tiền ký quỹ.

Các thực tập sinh căng băngrôn trước trụ sở Alsimexco tại TP.HCM để đòi tiền - Ảnh: TTS cung cấp

Alsimexco là chi nhánh Công ty cổ phần Cung ứng và xuất nhập khẩu lao động Hàng không.

Số tiền của mỗi thực tập sinh (TTS) chưa biết ngày nào mới đòi lại được lên đến hơn 84 triệu đồng. Đáng nói hơn, số tiền ký quỹ này còn được xem là sai luật.

Nợ… khó đòi

Trong những ngày gần đây, hàng chục TTS đã kéo đến trụ sở của trung tâm tại số 57 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM) yêu cầu trung tâm phải trả lại số tiền trên nhưng đều bất thành.

Tháng 10-2011 chị Trương Thị Mai Hương (Q.12) được Alsimexco ký kết hợp đồng thực tập kỹ năng tại Nhật. Chị Hương cho biết trước khi đi đã đóng tổng cộng 7.500 USD gồm 3.500 USD tiền làm hồ sơ, 4.000 USD (tương đương 84,4 triệu  đồng)  còn lại là tiền đặt cọc “chống trốn”, nhưng vì để hợp thức hóa thủ tục pháp lý nên số tiền này được gọi là tiền tái hòa nhập cuộc sống. Tiền làm hồ sơ có phiếu thu, còn “tiền chống trốn” chỉ được thể hiện trên phụ lục hợp đồng.

Tháng 10-2014 chị Hương cùng các TTS khác về nước và đến công ty để làm thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng không được giải quyết số tiền 84,4 triệu đồng. Nhiều lần sau, chị cùng các TTS tiếp tục đến đòi tiền nhưng đều bất thành. Trong khi đó, tại điều 6 của phụ lục hợp đồng đưa TTS đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản mà lãnh đạo Alsimexco ký với các TTS ghi rõ: “Sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, bên B (tức các TTS - PV) sẽ được nhận một khoản tiền gọi là tiền hỗ trợ tìm việc, tái hòa nhập và ổn định cuộc sống với số tiền 84.400.000 đồng”.

Chị Hương đã nhờ Liên đoàn Lao động Q.Tân Bình can thiệp. Theo biên bản hòa giải tranh chấp lao động giữa chị Hương và Alsimexco do Liên đoàn Lao động Q.Tân Bình tổ chức ngày 9-12-2014, thì Alsimexco hẹn chị ngày 24-4-2015 đến trụ sở chi nhánh Alsimexco để thanh lý hợp đồng và nhận số tiền trên, nhưng đúng ngày vẫn không được trả. 

Tương tự chị Hương, anh Trương Hoàng Long (Đắk Lắk) cũng được Alsimexco đưa đi Nhật Bản cùng đợt. Đến nay anh vẫn bị công ty “nợ” tiền “tái hòa nhập cuộc sống”. Chị Nguyễn Thị Thanh Thư (Phú Yên) cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có khoảng 20 TTS về nước cùng đợt với chị Thư, chị Hương, anh Long bị Alsimexco không chịu trả tiền ký quỹ. Ngoài ra còn một số TTS về nước sau đó cũng bị đơn vị này “khất” tiền tái hòa nhập cuộc sống.

Ai phải trả tiền cho TTS?

Theo các văn bản hòa giải tranh chấp lao động do Liên đoàn Lao động Q.Tân Bình tổ chức, đại diện Alsimexco đều đưa ra ý kiến: “Hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn, sự việc xảy ra ngoài ý muốn, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ cố gắng giải quyết đúng thời gian”. 

Trong khi đó ông Đào Quang Vy, phó giám đốc Alsimexco, cho rằng để xảy ra sự việc trên là do công ty quá tin vào người tư vấn là ông Vũ Xuân Hùng (đã nghỉ việc). Theo đó, tháng 8-2010 Alsimexco ký hợp đồng thuê ông Hùng (sinh năm 1974, huyện Định Quán, Đồng Nai) làm tư vấn cho trung tâm xuất khẩu lao động về lĩnh vực xuất khẩu lao động trong thời hạn một năm. Sau khi hết hạn, Alsimexco tiếp tục ký hợp đồng với ông Hùng thêm một năm nữa. Giữa tháng 5-2012, ông Hùng có thông báo gửi ban giám đốc Alsimexco về việc ngưng khai thác hợp đồng và ngưng tuyển TTS mới. Tháng 7-2012 Alsimexco có quyết định chấm dứt hợp đồng với ông Hùng.

Theo tài liệu, trong thời gian còn làm việc cho Alsimexco, tháng 1-2011 ông Hùng có “tờ trình và cam kết” đề nghị giám đốc trung tâm xuất khẩu lao động xem xét ký hợp đồng với TTS có điều khoản: sau khi hoàn thành hợp đồng tu nghiệp về nước đúng thời hạn sẽ được hỗ trợ khoản tiền để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp với số tiền 600.000 yen (đối với TTS tu nghiệp ba năm), 200.000 yen đối với TTS tu nghiệp một năm. Trong tờ trình ông Hùng ghi: “Tôi cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với trung tâm, trước các cơ quan pháp luật nếu có tranh chấp hay sau khi về nước TTS không được nhận tiền hỗ trợ này”. 

Trả lời câu hỏi vì sao trong các biên bản hòa giải công ty đều hẹn TTS đến thanh lý hợp đồng, nhưng khi TTS đến không được giải quyết, ông Vy cho rằng: “Trước tình hình TTS cứ làm ùm lên, chúng tôi đã nhờ cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa xong”.  

“Chuyện xảy ra ngoài ý muốn, tôi chỉ đề nghị các TTS làm bản tường trình với nội dung: đã nộp tiền cho ai, nộp như thế nào, nộp ở đâu để chúng tôi nắm được tình hình và TTS cũng nên phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Vì tại thời điểm ông Hùng còn làm, ông Hùng có thuê địa điểm riêng để tuyển dụng TTS. Nếu cơ quan chức năng kết luận chúng tôi sai, buộc chúng tôi trả số tiền đó cho TTS thì chúng tôi sẽ tìm cách trả” - ông Vy nói.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Hùng cho rằng người sai và phải chịu trách nhiệm là Alsimexco. “Tôi là chuyên gia tư vấn, tôi đâu có ngồi ở đó làm việc, tôi đâu có tiếp xúc với người lao động. Tôi lấy tư cách gì mà thu tiền của người lao động. Người lao động đòi ai thì người đó chịu. Nếu tôi làm sai thì công an đã bắt tôi từ lâu rồi. Cứ giấy trắng mực đen mà làm” - ông Hùng cho biết. Trong thời gian ông làm tư vấn có tổng cộng 183 TTS được Alsimexco đưa đi tu nghiệp tại Nhật. 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết: “Nếu đã cam kết trả lại khoản tiền tái hòa nhập cộng đồng cho người lao động thì phải thực hiện. Việc để lao động về nước lên đòi tiền mà khước từ là đã sai rồi. Chúng tôi sẽ cho tìm hiểu thêm sự việc từ Alsimexco, công ty sai đến đâu thì xử lý đến đó theo quy định của Luật xuất khẩu lao động ”. 

Thu tiền sai luật

Điều 6 trong phụ lục hợp đồng ghi rõ các TTS về nước đúng hạn sẽ được hỗ trợ 84,4 triệu đồng tiền tái hòa nhập cuộc sống - Ảnh: Q.Phương

Theo các chương trình xuất khẩu lao động, hiện chỉ có Tổ chức IMM Japan (Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản) là tổ chức hỗ trợ tiền tái hòa nhập cộng đồng khi TTS hết hạn về nước và tiền này do chính Tổ chức IMM Japan chi trả chứ không thu của người lao động. Riêng các lao động đi theo phái cử của doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì không có sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp cũng không thu khoản tiền này vì Luật xuất khẩu lao động không cho phép. 

Theo một chuyên gia xuất khẩu lao động, khoản tiền như nói trên mà Alsimexco thu có thể là tiền đặt cọc “chống trốn”, để lách luật nên gọi là tiền tái hòa nhập cộng đồng. “Tuy nhiên ngay cả tiền “chống trốn” thì Alsimexco cũng không được thu vì kể từ ngày 1-7-2010, phía Nhật Bản đã cấm các doanh nghiệp phái cử lao động thu tiền đặt cọc của lao động dưới bất kỳ hình thức nào. Mới đây, Bộ Lao động - thương binh và xã hội mới cho phép thu tiền đặt cọc “chống trốn” trở lại từ năm 2013 (khoảng 3.000 USD - PV). Trong khi đó số lao động của Alsimexco xuất cảnh năm 2011 thì họ không phải đóng tiền đặt cọc”, vị chuyên gia này cho biết.

Bản thân ông Đào Quang Vy cũng thừa nhận: “Ông Hùng tư vấn cho chúng tôi làm như vậy nhưng khổ nỗi chỉ có những đơn vị thuộc IMM Japan mới được, còn các TTS đợt đó làm việc không phải ở các doanh nghiệp thuộc IMM Japan nhưng ông Hùng không nói”.

 

QUANG PHƯƠNG - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên