06/11/2019 08:10 GMT+7

Đà Nẵng: Đường dưới 7,5m không được làm nhà hàng

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Rất nhiều chủ nhân của các khu đất, đất biệt thự nằm trong khu dân cư, trên các trục đường lớn ở 4 quận trung tâm của TP Đà Nẵng đã không thể mở nhà hàng, tiệm ăn vì chính quyền TP này không cấp phép. Vì sao vậy?

Đà Nẵng: Đường dưới 7,5m không được làm nhà hàng - Ảnh 1.

Nhiều chủ biệt thự đang xây dựng ở các khu đô thị rất lo lắng do không được mở nhà hàng để buôn bán. Ảnh: V.Hùng

Những ngày qua, rất nhiều bạn đọc đã gửi đơn đến Tuổi Trẻ Online, phản ánh việc họ không được các cơ quan chức năng cấp phép cho họ được mở nhà hàng, quán ăn ngay trên phần đất mà họ làm chủ. 

Để trả lời câu hỏi này, Tuổi Trẻ Online  đã tìm gặp các cơ quan hữu quan để giải đáp những thắc mắc nói trên. Theo Sở xây dựng Đà Nẵng: đối với đất ở trong các khu đô thị, khu dân cư, muốn xây công trình dịch vụ ăn uống, nhà hàng phải tuân thủ hàng loạt các quy định khắt khe về các chỉ tiêu kiến trúc, mật độ, tầng cao, PCCC, môi trường…

Theo ông Nguyễn Hải Đường, trưởng Phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng): ngoài ra các lô đất muốn mở nhà hàng phải có khoảng lùi phía trước công trình tối thiểu 4m để đậu đỗ xe, không sử dụng mục đích khác; có diện tích đậu đỗ xe ôtô đúng quy chuẩn xây dựng; đất xây dựng phải nằm trên các tuyến đường có lòng đường rộng tối thiểu 7,5m (tối thiểu 2 làn xe ôtô), vỉa hè tối thiểu 4m. Đặc biệt, từ nay đối với đất nhà ở biệt thự chỉ sử dụng để ở, không cho phép chuyển đổi công năng sang công trình thương mại dịch vụ.

Cũng theo ông Đường: việc quy định khoảng lùi 4m là theo quy chuẩn bắt buộc công trình thương mại dịch vụ phải đảm bảo diện tích đậu đỗ xe. Hiện đa phần các nhà hàng, quán ăn 1-2 tầng tập trung đông người, chủ sử dụng toàn bộ diện tích tầng 1 để kinh doanh, nếu không lùi 4m phía trước công trình thì toàn bộ xe của khách sẽ đậu đỗ tại lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông, văn minh đô thị.

Ngoài ra theo ông Đường, việc mở quán ăn dễ gây ùn tắc giao thông "Theo quy định đối với đường đô thị bề rộng 1 làn xe là 3,75m nên các tuyến đường dưới 7,5m (phổ biến là đường 5,5m) không đủ 2 làn xe ôtô lưu thông, nếu cho xây dựng nhà hàng, quán ăn có đông người thì nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông là rất lớn. Với đường từ 7,5m trở xuống nhưng vỉa hè 4m, sở sẽ xem xét từng trường hợp để giải quyết cho  xây dựng công trình thương mại dịch vụ", ông Đường nói

Đà Nẵng: Đường dưới 7,5m không được làm nhà hàng - Ảnh 2.

Một biệt thự đang được xây dựng trên tuyến đường Thăng Long ven sông Hàn sẽ không được mở nhà hàng ăn uống. Ảnh: V.Hùng

Ông Đường cũng cho rằng việc người dân có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm là đúng theo quy định của Luật đầu tư nhưng việc đầu tư phải đảm bảo các quy định khác như diện tích đậu đỗ xe, PCCC, môi trường, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, văn minh đô thị,...cũng là việc làm cần thiết, đáp ứng điều kiện kinh doanh theo các quy định khác của pháp luật.

Tuy nhiên theo luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN), việc quy định của Sở Xây dựng như trên có một số nội dung còn cứng nhắc, có biểu hiện và tính chất hàm chứa quy phạm bắt buộc phải thực hiện. Các quy định đang giới hạn lại phạm vi, địa điểm được kinh doanh, dẫn tới việc hạn chế quyền kinh doanh của người dân. Công văn quy định nhà ở biệt thự chỉ sử dụng để ở, không cho phép chuyển đổi công năng sang công trình thương mại dịch vụ đang có dấu hiệu trái Luật nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Đất đai 2013.

​Hà Nội áp dụng quy định mới về cấp phép xây dựng ​Hà Nội áp dụng quy định mới về cấp phép xây dựng

Từ ngày 4-7, Hà Nội chính thức áp dụng những quy định mới về cấp phép xây dựng.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên