Trong thời gian qua, để đón đầu các cơ hội mở ra từ việc Việt Nam tham gia ký kết hiệp định TPP, một số nhà đầu tư đã đến Đà Nẵng khảo sát và có dự định đầu tư vào các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm.
Tuy nhiên, do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên TP. Đà Nẵng đã không giữ chân các nhà đầu tư này.
Cụ thể, trong quý 1/2014, một tập đoàn dệt may của Hồng Kông đã đến Đà Nẵng khảo sát để xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc có tổng vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD.
Do dự án có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên thành phố không xúc tiến dự án này. Quý 2/2014, có một công ty Hàn Quốc cần trên 30ha để làm khu liên hợp dệt nhuộm, ban quản lý khu công nghiệp đã phải giới thiệu vào tỉnh lân cận.
Được biết, đến tháng 3-2015, tại Đà Nẵng có 322 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 2,055 tỉ USD.
Lĩnh vực bất động sản - du lịch chiếm tỉ lệ lớn nhất về vốn đầu tư (53,69%), tiếp đến là công nghiệp chế biến – chế tạo (32,98%), giáo dục – đào tạo (5,08%). Hiện có 37 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
Không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và hội nhập của nền kinh tế thành phố.
Trong đó ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao để góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, có nền công nghiệp phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận