17/04/2004 06:03 GMT+7

Đà Lạt: khách sạn Ngọc Lan được bán với giá bèo

NGUYỄN HÀNG TÌNH
NGUYỄN HÀNG TÌNH

TT - Một tài sản địa ốc công khổng lồ tại Đà Lạt được định giá cực kỳ rẻ: 2,3 tỉ đồng, và người hưởng lợi chẳng phải người lao động mà là các tay trùm có"máu mặt".

XkZIRNYh.jpgPhóng to
Khách sạn Ngọc Lan
TT - Một tài sản địa ốc công khổng lồ tại Đà Lạt được định giá cực kỳ rẻ: 2,3 tỉ đồng, và người hưởng lợi chẳng phải người lao động mà là các tay trùm có"máu mặt".

Khách sạn Ngọc Lan (vốn sở hữu nhà nước), được Tổng cục Du lịch xếp sao (hai sao) đầu tiên ở Đà Lạt (từ năm 1995), nằm ở một vị trí đắc địa thượng hạng ngay trung tâm Đà Lạt và là một tài sản khổng lồ mà trong hệ thống 500 khách sạn hiện tại ở Đà Lạt xem ra nó chỉ có một “đối thủ” duy nhất: khách sạn Palace.

Ấy thế mà nó đã được bán với giá bèo không thể tưởng tượng: 2,3 tỉ đồng...

Chính xác hơn, ba năm trước hội đồng định giá do chính quyền sở tại lập ra đã định giá khách sạn Ngọc Lan (để tiến hành cổ phần hóa) là 2.358.464.429 đồng.

Gác qua giá trị của những vật dụng, chỉ tính giá trị mặt bằng của hệ thống phòng ốc khách sạn cũng thấy ngay sự khó hiểu khi người ta tính giá khách sạn Ngọc Lan bằng giá nhà ở, chỉ 1,2 triệu đồng/m2 sử dụng.

Chưa hết, theo nghị định 44 của Chính phủ về “chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần” thì lợi thế về địa lý (còn gọi lợi thế kinh doanh) cũng là một giá trị phải được tính vào, thế nhưng người ta đã bỏ qua.

Thế rồi mãi đến tháng 9-2002, nghĩa là ba năm sau khi khách sạn này được thực hiện cổ phần hóa, có phản ứng gay gắt từ dư luận thì cơ quan chức năng mới đưa vào tính với giá trị lợi thế kinh doanh với số tiền chỉ hơn 260 triệu đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng lý giải nếu tính giá trị lợi thế vị trí vào sẽ làm tăng giá trị của khách sạn, lúc đó người lao động (ở khách sạn Ngọc Lan) kêu đắt mà không mua cổ phần, thì kế hoạch và tiến độ cổ phần hóa không thực hiện được.

Thật ra người lao động chẳng hưởng được bao nhiêu khi Nhà nước cổ phần hóa khách sạn Ngọc Lan. Bằng chứng là từ 174 cổ đông là công nhân viên của Công ty Dịch vụ du lịch Đà Lạt (Dalat Toserco - đơn vị quản lý khách sạn Ngọc Lan, thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, trước khi cổ phần hóa) với hơn 42% cổ phần được nắm giữ, đến nay (4-2004) chỉ còn 19 cổ đông.

Trong khi 89% số cổ phần của khách sạn Ngọc Lan đã nhanh chóng nằm gọn chủ yếu trong tay của nhóm năm người đến từ TP.HCM và vài người có “máu mặt” khác ở Đà Lạt, trong đó cán cân cổ phần nghiêng hẳn về phía những người đến từ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Sự thật là năm cá nhân đến từ TP.HCM đang tranh thủ vét mua cổ phần còn lại của người lao động, cố chiếm tối đa số cổ phần ở Ngọc Lan.

Với diện tích xây dựng 1.218m2, khuôn viên rộng 2.292m2, nhưng giá thuê đất chỉ không đầy 2,3 triệu đồng/tháng, lại được thuê đến 43 năm, vì thế ai nắm trong tay cổ phần chủ yếu (dù tiền bỏ ra không nhiều) ở Ngọc Lan thì người đó gần như sở hữu cả một khối tài sản tuyệt vời và dễ sinh lợi nhất nhì ở thiên đường du lịch Đà Lạt.

Cổ phần hóa như vậy thì đúng là "thiệt đơn thiệt kép" - Nhà nước thiệt và người lao động cũng thiệt.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên