31/01/2006 09:29 GMT+7

"Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm"

Theo Đầu Tư
Theo Đầu Tư

Tuần nào người ta cũng thấy Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ trên mặt báo, trên đài. Dường như báo chí chưa bao giờ cảm thấy "chán" gõ cửa phòng ông. Trong buổi nhập nhoạng của thị trường nhà đất, cái tài nói (hay dám nói) của ông được rất nhiều người đón nghe.

0ITkulN8.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ
Tuần nào người ta cũng thấy Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ trên mặt báo, trên đài. Dường như báo chí chưa bao giờ cảm thấy "chán" gõ cửa phòng ông. Trong buổi nhập nhoạng của thị trường nhà đất, cái tài nói (hay dám nói) của ông được rất nhiều người đón nghe.

* Ông có bao giờ cảm thấy bị báo chí quấy rầy không, hay coi đây là dịp để xuất hiện trước công chúng nhiều hơn?

- Cũng có người nói với tôi, anh nên xuất hiện vừa vừa thôi, nên dừng lại đi. Nhưng tôi với anh Mai Ái Trực (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường) có chung quan điểm, báo chí là phương tiện tuyên truyền, phổ biến cho hệ thống pháp luật đất đai. Chứ không phải chúng tôi lên mặt báo, đài để đánh bóng tên tuổi của mình hay nói quá nhiều về mình. Tôi tâm niệm, mình hãy bắt đầu từ thiện tâm và không ngại đối diện với thực tế gai góc.

* Nhưng một số quan chức ngại ra mặt báo chí vẫn nói rằng, nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít. Mà xuất hiện trên báo chí nhiều quá cũng mất "thiêng" chứ?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Nói luôn đúng cũng tốt thôi. Nhưng không nói gì để mình "luôn đúng", không bị sai thì không thể chấp nhận được. Tôi biết nhiều quan chức ngại ra mặt báo chí lắm. Gặp báo chí nói loanh quanh là bị "xoáy" ngay. Có gan làm phải có gan chịu. Sai thì sửa. Sai đến mức không chấp nhận được nữa, nhà nước bảo "về" thì mình "về". Chuyện giản dị vậy thôi.

* Bức thư ngỏ của ông gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An được dư luận rất quan tâm. Nhưng đến giờ người ta vẫn không hiểu vì sao ông lại cởi chiếc áo thứ trưởng để khoác lên mình tấm áo nhà khoa học thuyết trình về việc giấy đỏ, giấy hồng?

- Trong quản lý đất đai và bất động sản có 2 việc phải làm là một hệ thống giá đất, một hệ thống đăng ký. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quản lý đất đai ở VN. Thế nhưng, lúc đó, Chính phủ đã đưa trình Quốc hội theo hướng hai loại giấy chứng nhận riêng rẽ đất và tài sản trên đất.

Nếu tôi gửi bức thư ngỏ cho Chủ tịch Nguyễn Văn An với danh nghĩa là thứ trưởng, có nghĩa là mình với vai thứ trưởng đã đi ngược lại Chính phủ. Nhưng quan điểm của Bộ là dứt khoát phải bảo vệ, đó là cấp chung trên một giấy, một mẫu giấy cho mọi loại tài sản. Do vậy, chỉ có cách cởi chiếc áo thứ trưởng ra, mặc áo nhà khoa học vào nói với Chủ tịch Quốc hội về vấn đề khoa học.

* Ông không sợ cách làm này khiến nhiều người đồn đoán ông Võ "lobby" chính sách?

- Lobby thì người ta cầm tiền đi, chứ ai cầm thư. Thư tôi gửi là thanh thiên bạch nhật. Tôi đã cẩn thận viết dưới cuối thư là có thể công bố bức thư này trên báo. Tôi muốn mọi chuyện phải công khai, rõ ràng.

* Trong đợt kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường đã được trao hết quyền hạn, mà như người dân nói đó là "thượng phương bảo kiếm" có thể tiền trảm hậu tấu. Ông nghĩ sao?

- Bộ không được trao và không muốn được trao thượng phương bảo kiếm. Quan điểm của Bộ là trách nhiệm của cấp nào, cấp đó phải giải quyết, cấp trên không làm thay. Chúng tôi chỉ đi kiểm tra để xem cấp dưới có áp dụng đúng pháp luật không, chứ không xét xử bất cứ ai cả.

* Trong năm qua, ông nhận được bao nhiêu đơn thư phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền của cán bộ địa chính trong năm qua?

- Khá nhiều. Chúng tôi giải quyết bằng cách gọi điện trực tiếp cho huyện, quận đó phản ánh về hành vi sách nhiễu, doạ nạt... đó. Nếu huyện điều chỉnh được ngay thì thôi, còn không sẽ gửi công văn đến UBND tỉnh đề nghị xử lý. Khoảng 60-70% trường hợp khiếu nại tố cáo đã được giải quyết. Điện thoại của tôi được công khai, nên có lần đã phải nghe dân chửi rồi.

* Tham nhũng về đất đai hiện nay vẫn là vấn đề nóng bỏng và nhức nhối nhất. Phải chăng, pháp luật vẫn còn quá nhiều kẽ hở cho tham nhũng ăn đất ?

- Đây không phải do kẽ hở của pháp luật, mà do ta vận dụng pháp luật không đúng. Phải nói công bằng là tham nhũng đất đai đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Tham nhũng ngày trước xen kẽ vào tất cả quá trình quản lý chứ không phải chỉ ở một số hiện tượng như bây giờ.

Trước năm 2003, tham nhũng "nặng" nhất nằm ở đối tượng ban hành quyết định giao đất. Cấp xã giao đất, song thực chất là đem bán, chia chác. Hệ thống quản lý thiếu chặt chẽ đến mức huyện không quản lý được xã, tỉnh không quản lý được huyện. Luật Đất đai mới bây giờ giải quyết được việc giao đất trái thẩm quyền, giao đất sai đối tượng.

* Ông nói quá trình đổi mới pháp luật và hệ thống quản lý đất đai đã làm cho tham nhũng bị thu hẹp. Có nghĩa là có thể "khoanh vùng" những điểm nóng về tham nhũng đất đai?

- Đúng vậy! Tôi cho rằng có 2 seri "ăn" đất. Seri thứ nhất là "ăn" trên các dự án thu hồi đất. Dựa vào dự án thu hồi đất để thu hồi đất nhiều hơn; cho chuyển mục đích sử dụng đất vô tội vạ không dựa vào quy hoạch; chẳng có dự án vẫn thu hồi đất rồi chia chác.

Seri thứ hai là "ăn" đất trên các khu tái định cư và giãn dân. Giải quyết trường hợp không có chỗ ở, nhưng thực chất lại đưa nhiều người nhà của quan chức vào ở; danh sách những người không có chỗ ở trình lên một đằng, người vào ở một nẻo. Trường hợp này nhiều lắm.

Theo Đầu Tư
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên