27/09/2009 08:52 GMT+7

Da đen không thể trở thành "thần tượng" Trung Quốc?

HIẾU TRUNG (Theo TQNT, NDNB, Nhật báo Thượng Hải)
HIẾU TRUNG (Theo TQNT, NDNB, Nhật báo Thượng Hải)

TT - Hàng vạn cư dân mạng Trung Quốc đùng đùng nổi giận với một cô gái trẻ người Thượng Hải dù cô chưa từng làm điều gì sai trái. Đơn giản chỉ vì cô gái có màu da đen và xuất hiện trên truyền hình để thi làm “thần tượng”...

Da đen không thể trở thành “thần tượng” Trung Quốc?

TT - Hàng vạn cư dân mạng Trung Quốc đùng đùng nổi giận với một cô gái trẻ người Thượng Hải dù cô chưa từng làm điều gì sai trái. Đơn giản chỉ vì cô gái có màu da đen và xuất hiện trên truyền hình để thi làm “thần tượng”...

ImageView.aspx?ThumbnailID=363972
Lou Jing (bìa phải) và mẹ trong chương trình Thiên thần phương Đông - Ảnh: Chinahush.com

Ở nhiều khía cạnh, Lou Jing là một phụ nữ trẻ Thượng Hải điển hình: xinh đẹp, tự tin, mê thời trang và nói tiếng phổ thông với thổ ngữ Thượng Hải nặng trịch. Điểm khác biệt của cô sinh viên Học viện Kịch nghệ Thượng Hải này là làn da màu đen. Cô là con của một phụ nữ Trung Quốc và một người đàn ông Mỹ gốc Phi. Cha Lou Jing đã bỏ mẹ cô 20 năm trước và người mẹ này đã một mình nuôi dạy Lou Jing trưởng thành.

Tháng trước, Lou Jing quyết định tham gia chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc Thiên thần phương Đông của kênh Dragon TV, một chương trình kiểu American Idol (Thần tượng nước Mỹ). Lập tức mọi rắc rối ập đến, đặc biệt khi cô trở thành một trong năm thí sinh lọt vào vòng chung kết tại Thượng Hải. Sự xuất hiện của Lou Jing khiến tỉ lệ người xem chương trình tăng vọt, nhưng cũng thổi bùng lên một cuộc tranh cãi gay gắt về chủng tộc chưa từng thấy ở Trung Quốc.

Kể từ ngày 30-8, trên mạng Internet đã có hàng chục nghìn bài viết và bình luận hằn học, mạt sát nguồn gốc của Lou Jing. Trên diễn đàn Tianya.com, một bài viết có tựa đề “Người cha da đen và người mẹ Thượng Hải của Lou Jing” đã thu hút hơn 100.000 lượt truy cập và vô số lời bình luận ác ý, đầy tính chất phân biệt chủng tộc, bài ngoại. Một bình luận còn dán nhãn cay độc cho Lou Jing: “Cha mẹ sai lầm, màu da sai lầm, xuất hiện sai lầm”.

Nhiều cư dân mạng kết luận Lou Jing không phải là “người Trung Quốc thật sự”, không xứng đáng tham dự một cuộc thi trên truyền hình dành cho người Trung Quốc, không thể là thần tượng của giới trẻ hoặc ít nhất là đại diện Thượng Hải tranh tài ở một cuộc thi quốc gia. Trên diễn đàn KDS Life, một cư dân mạng còn sỉ vả: “Tôi không thể tin nổi sao cô ta lại vô liêm sỉ và trơ tráo đến mức dám chường mặt trên tivi”.

"Rất nhiều kẻ đạo đức giả suốt ngày lên lớp người khác về luân lý đạo đức, nhưng bản thân lại phỉ báng một người mẹ đã làm hết sức để bảo vệ con gái mình"

Do Lou Jing là kết quả của mối quan hệ thầm lén giữa mẹ cô, lúc đó đã có chồng, và người đàn ông Mỹ gốc Phi, nên rất nhiều cư dân mạng đã trút những lời nguyền rủa cay độc lên người mẹ và gọi bà là kẻ “phản bội giống nòi”. Trên cổng thông tin kdnet.net, một người kết tội bà là “đã phạm tội ngoại tình, đáng ghê tởm hơn là lại ngoại tình với một kẻ khác giống nòi”.

Một người khác viết: “Bà ta thuộc trại tập trung của những phụ nữ vô liêm sỉ dành cho người nước ngoài”. Trên trang Tianya.com, một người có nick là dunkez cay độc: “Mụ Lou rõ ràng nghĩ rằng mụ ta có thể rời khỏi Trung Quốc bằng cách mồi chài một gã da đen, nhưng kết quả là tiền mất tật mang”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hòa vào dòng người nguyền rủa Lou Jing và mẹ cô. Trên blog cá nhân của Lou Jing, nhà văn nổi danh Hung Huang đã lên tiếng: “Bà ấy đã phải đối đầu với rất nhiều kẻ đạo đức giả suốt ngày lên lớp người khác về luân lý đạo đức nhưng bản thân lại phỉ báng một người mẹ đã làm hết sức để bảo vệ con gái mình”.

Một người khác gióng tiếng chuông báo động: “Người Hán đã sa vào thói phân biệt chủng tộc nghiêm trọng”. Có người lại mỉa mai: “Người Mỹ, vốn bị người Trung Quốc buộc tội là phân biệt chủng tộc, lại đã bầu một tổng thống da màu. Trong khi đó, người Trung Quốc lại không thể chấp nhận một thí sinh truyền hình là con lai da đen”.

Trong một bài viết có tựa đề “Nổi giận vì thiên thần da đen” đăng trên trang tiếng Anh của Trung Quốc Nhật Báo, cây bút bình luận Raymond Zhou tỏ thái độ: “Mọi người cần nhận ra rằng nếu anh có quyền phân biệt đối xử với một chủng tộc khác thì tự anh đã trao cho các chủng tộc đó quyền phân biệt đối xử với anh”.

Trước Lou Jing, năm ngoái Trung Quốc cũng rộ lên những phản ứng tiêu cực khi Ding Hui, một người lai gốc Phi, được gọi vào đội tuyển bóng chuyền quốc gia.

Theo giáo sư xã hội học David Zweig thuộc ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong, hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn khi Trung Quốc dần dần mở cửa. “Đó là một phần của tiến trình quốc tế hóa và chúng ta chỉ có thể hi vọng người Trung Quốc, bao gồm các cư dân mạng và những người có quan điểm cực đoan, có thể chấp nhận một thực tế rằng có rất nhiều người lai giữa các chủng tộc khác nhau cả ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”.

HIẾU TRUNG (Theo TQNT, NDNB, Nhật báo Thượng Hải)

HIẾU TRUNG (Theo TQNT, NDNB, Nhật báo Thượng Hải)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên