09/06/2009 16:38 GMT+7

Đa dạng viêm ruột thừa

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - Con gái tôi 21 tuổi, hiện học ở Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, trọ ở quận 11. Hằng ngày cháu đi học từ quận 11 sang quận 8 bằng xe đạp.

Năm ngoái cháu có đau bụng vài ba lần trong một năm, từ trước và sau tết năm nay cháu đau liên tục, có thể đau lâm râm rồi quặn thắt, lại lâm râm 1, 2, 3 ngày rồi hết, mấy lần đầu đau nhẹ và tự hết, sau này đau dữ dội nên đến bệnh viện khám chữa bệnh.

Cháu đau vùng bụng dưới bên phải lan xuống hố chậu phải, nếu ngồi thì đau tức sau mông phải. Lần đầu tiên đi khám bác sĩ cho biết cháu bị viêm phế nang, uống hết một toa thuốc sau vài ba tuần thấy đau lại, uống tiếp toa thứ hai, sau khoảng ba tuần đau lại. Tôi nghĩ cháu bị bệnh lý của phụ nữ nên đưa đi phụ sản, cháu được siêu âm và kết quả không có trạng thái gì bất thường.

Khoảng 3-4 tuần sau cháu đau lại, đi khám BS bảo có thể co thắt đại tràng. Một BS khác lại cho rằng bị viêm ruột thừa, yêu cầu mổ. Nhưng sau đó cháu hết cơn đau nên không mổ.

Sau mấy tuần cháu lại đau lại dữ dội kèm theo nôn ói nhiều, vào một phòng khám tư BS siêu âm cho rằng cháu bị sỏi thận trái, và có một viên sỏi ở ống niệu phải. Do tắc sỏi ở ống niệu phải nên thận bị ứ nước độ 1, nguyên nhân đau bụng do kẹt sỏi ở ống niệu phải. Bác sĩ cho uống thuốc sỏi thận, sau vài ngày hết đau. Tại Hòa Hảo xét nghiệm tổng quát thì gan, lách, mật, buồng trứng, tử cung, bàng quang, ống niệu và thận đều bình thường, không có sỏi.

Bây giờ tôi nên đưa cháu đi khám ở đâu và đi xe đạp có ảnh hưởng gì tới bệnh lý của cháu?

Việt Hoàng

Cứ như thư anh mô tả tôi nghĩ cháu bị viêm ruột thừa. Có thể anh sẽ nói rằng nếu vậy thì nó viêm và vỡ ra từ lâu rồi. Có thể anh cũng nói cháu đã được siêu âm chẩn đoán. Tuy nhiên như anh thấy máy siêu âm mỗi nơi ra kết quả khác nhau đến mức anh cảm thấy bấn loạn. Có bác sĩ siêu âm nhìn thấy cả sỏi, thận ứ nước, bác sĩ khác lại chẳng thấy viên sỏi nào.

Ruột thừa là một mẩu nhỏ gắn vào góc manh tràng. Vì là "thừa" nên nó chẳng có vai trò gì nhưng khi bị viêm thì sinh ra rắc rối.

Đầu ruột thừa nằm lơ lửng nên có thể đung đưa và ở những vị trí khác nhau: sau manh tràng, tiểu khung (phần thấp của ổ bụng phụ nữ), dưới gan... Chính vì vậy, triệu chứng lâm sàng của viêm ruột thừa biểu hiện nhiều vị trí đau khác nhau, gây ra những khó khăn cho chẩn đoán. Một nhà ngoại khoa nổi tiếng thế giới gọi là "những bệnh viêm ruột thừa" để mô tả tính đa dạng, phong phú, khó chẩn đoán của nó.

Bất cứ thứ gì làm ruột thừa to ra đều gây họa. Chẳng hạn bị nhiễm trùng đường ruột, các nang bạch huyết ở ruột thừa to ra gây tắc nghẽn. Thế là đau vùng bụng bên phải. Có thể vì thế nên khi con gái anh đến bệnh viện họ cho uống thuốc vài ngày hết đau rồi ít ngày sau cháu đau trở lại. Phì đại các nang bạch huyết chiếm tới 60% nguyên nhân viêm ruột thừa. Nó không sưng to tướng đến mức vỡ ra nhưng thỉnh thoảng lại đau. Khả năng này không thể loại trừ. Cũng vì vậy khi siêu âm dễ bị bỏ qua.

Có nguyên nhân lãng nhách như một chút phân rơi vào lòng ruột thừa. Phân chứa chất cặn bã, vi khuẩn nên sẽ gây viêm rõ ràng hơn. Nguyên nhân này chiếm chừng 35%. Còn lại chừng 5% là các dị vật rơi vào ruột thừa như hạt ổi, hạt ớt, giun kim... cũng gây viêm và gây đau.

Anh sẽ thắc mắc tại sao cứ dai dẳng thế? Bởi cơ thể chúng ta mỗi người đáp ứng mỗi kiểu. Nếu mức độ tắc nghẽn lòng ruột thừa không trầm trọng, sự tiết dịch của ruột thừa không nhiều thì người bệnh cứ có những trận đau, uống thuốc giảm đau, uống kháng sinh tình trạng lại dịu xuống. Vì thế người ta chia ra: viêm ruột thừa sung huyết, viêm ruột thừa nung mủ và viêm ruột thừa hoại tử. Tôi e là con gái anh bị viêm ruột thừa sung huyết nên siêu âm rất dễ bị bỏ qua và cứ uống thuốc kháng viêm giảm đau lại hết và rồi tái phát.

Triệu chứng chính của viêm ruột thừa là đau bụng. Đau khá lung tung có thể bắt đầu từ trên rốn, lan ra sau lưng rồi sau mới xuống hố chậu phải. Cơn đau xuất hiện đột ngột và nếu đau dữ dội thì bệnh nhân buộc phải đi bệnh viện. Khi đau cơ thể tiết ra một yếu tố gây đau tác động đến toàn thân là prostaglandin nên khó chịu, đau đầu, vã mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, có người còn tiểu rát, tiểu buốt khiến bác sĩ lầm là nhiễm trùng tiểu. Anh đừng nghĩ đã viêm ruột thừa thì phải sốt ầm ầm. Có người sốt 38 độ, có người chỉ ớn lạnh nhưng triệu chứng đau là biểu hiện quan trọng nhất.

Tôi đề nghị anh đưa cháu đến khám ở khoa ngoại Bệnh viện Đại học Y dược khi cháu đau lần kế tiếp. Khi đi nhớ mang theo hồ sơ (siêu âm, đơn thuốc...) của những lần trước. Tôi tin là cháu sẽ được chẩn đoán chính xác. Tình trạng của cháu có thể mổ nội soi, đơn giản và xuất viện sớm ngay ngày hôm sau.

Nếu còn điều gì chưa hài lòng xin anh cứ online với TTO chúng tôi sẽ giải đáp tiếp.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên