Các thành viên đội nữ Sơn La trong trận gặp Thái Nguyên tối 9-5 ở Giải VĐQG 2016 - Ảnh: Nam Khánh |
Đêm 9-5, những khán giả có mặt ở sân vận động Hà Nam lần đầu được chứng kiến các cô gái đến từ Sơn La thi đấu với CLB Thái Nguyên ở Giải bóng đá nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2016.
Chơi bóng đá thì... ế chồng
Đó là suy nghĩ của không ít đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Tây Bắc về những nữ cầu thủ bóng đá. Lò Thị Hồng, 20 tuổi, đến từ bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La, cho biết năm 2012 khi được HLV về trường tuyển chọn vào đội bóng đá nữ, cô và bố mẹ còn chưa biết bóng đá nữ là gì.
Hồng kể bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Ở nhà chỉ biết con trai đá bóng chứ người lớn, trẻ con ở bản tôi chưa bao giờ nghĩ có con gái đá bóng. Lúc được HLV chọn đi đá bóng, bố mẹ tôi không cho đi vì sợ người ta lừa rồi bán sang Trung Quốc. Bản thân tôi từ bé đến lớn cũng chưa từng được cầm quả bóng xem nó như thế nào. Thường các bạn cùng trang lứa trong bản với tôi khoảng 15-17 tuổi đã lấy chồng, vì vậy giờ đây tôi về bản là... gái ế”.
Thấy các bạn bằng tuổi con gái mình đã cưới chồng, sinh con nên bố mẹ của Cà Thị Thư (18 tuổi) ở huyện Thuận Châu rất sốt ruột. Thư cho biết khi các thầy về Trường THCS Chiềng Pha nơi cô học để tuyển quân và Thư được chọn, bố mẹ đã phản đối kịch liệt.
Thư chia sẻ: “Bố mẹ bảo con gái ở nhà rồi cưới chồng, lên rẫy làm nương chứ ai đời lại đá bóng. Thế nhưng lúc đó tôi rất quyết tâm nên đòi lên thành phố tập bóng đá bằng được. Chơi bóng đá vất vả hơn đi làm nương nhưng cảm giác được đá bóng và nhất là ghi bàn khiến tôi phấn khích. Và điều này khiến tôi muốn theo đuổi bóng đá”.
Nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua sự phản đối của gia đình, định kiến của làng bản để đi theo bóng đá. Trong đội Sơn La đã có nhiều cầu thủ lên tập trung một thời gian nhưng rồi lại “đứt gánh giữa đường”. Lò Thị Thu (17 tuổi) là một trong những VĐV như thế. Sau thời gian tập luyện cùng CLB ở TP Sơn La, cha mẹ gọi Thu về bản để cưới một chàng trai đã được hai gia đình thống nhất.
Đá bóng kiếm tiền phụ giúp gia đình
Là con em dân tộc miền núi điều kiện kinh tế rất khó khăn, vì thế hằng tháng dù chỉ có rất ít tiền công và tiêu vặt nhưng các cầu thủ cũng chắt bóp để gửi về phụ giúp gia đình.
Lê Thị Hồng Vân (xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu), 16 tuổi và là cầu thủ nhỏ tuổi nhất đội, cho biết mỗi tháng cô được CLB cho 600.000 đồng tiền tiêu vặt, 40.000 đồng tiền công/ngày, cô cố gắng tiết kiệm để gửi tiền về phụ giúp gia đình. “Nhà có hai chị em, chị đã đi lấy chồng, tôi không có bố nên mẹ tần tảo nuôi hai chị em. Trước khi đi đá bóng, ngoài đi học, tôi lên núi lấy củi về bán kiếm tiền giúp mẹ. Gánh củi nặng nhưng may là tôi vẫn cao 1,61m nên đi đá bóng được. Tôi mơ ước một ngày sẽ được triệu tập vào đội tuyển quốc gia” - Vân nói.
Mơ ước trở thành dược sĩ nhưng Tòng Thị Hương Hiền lại trở thành cầu thủ bóng đá. Nhà nghèo, cha mẹ có ít ruộng nương nên cô tranh thủ đi làm mướn mới đủ sống. “Sau này không đá bóng nữa tôi mơ ước trở thành dược sĩ để bán thuốc chữa bệnh cho mọi người” - Hiền tâm sự.
Từng đến Cần Thơ để thi đấu, Lò Thị Hồng nói nếu không có bóng đá chắc cô không bao giờ được đi xa khỏi Mường La quê mình. Mê bóng đá nhưng Hồng ước ao trở thành cô giáo mầm non nếu từ giã sự nghiệp. “Dù đá bóng như con trai nhưng tôi cũng nấu rất giỏi các món ăn truyền thống của người Thái như: cá pỉng tộp, chẩm chéo, nộm hoa ban...” - Hồng khoe.
Thiếu đủ thứ Đội bóng đá nữ Sơn La được thành lập năm 2012 dưới sự giúp đỡ và phối hợp chuyên môn của Sở VH-TT&DL Hà Nam và Sở VH-TT&DL Sơn La. Để hỗ trợ tỉnh bạn, phía Hà Nam đã cử HLV kỳ cựu Hải Anh lên Sơn La 9 tháng để tuyển quân và lên kế hoạch huấn luyện cho đội bóng. Nói về khó khăn của đội bóng tân binh toàn những cô gái dân tộc thiểu số, HLV Lường Văn Chuyên chia sẻ: “Đều là con em dân tộc nên việc giao tiếp khó khăn bởi các em rất rụt rè, nhút nhát. Kỹ thuật cá nhân cũng phải rèn giũa từ đầu bởi các em chưa từng biết gì về bóng đá. Ngày đầu tiên khi được chạm vào trái bóng, em nào cũng lớ ngớ”. Có đến 14/19 cầu thủ ở đội Sơn La là dân tộc Thái, Mường. HLV Lường Văn Chuyên cho biết thực chất Sơn La chỉ có 13 VĐV, để có đủ quân số dự Giải VĐQG 2016, đội phải thuê 6 VĐV đã hết hợp đồng ở các đội bóng khác về thi đấu. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, các cầu thủ vì thế cũng thiếu bóng, giày, quần áo tập luyện... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận