Phóng to |
Tướng Ratko Mladic bị cảnh sát Serbia dẫn giải ngày 26-5 - Ảnh: Reuters |
Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) đã kết tội ông Mladic vào năm 1995 và đưa ra lệnh truy nã một năm sau đó. Các cáo buộc nhắm vào ông Mladic bao gồm tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, thảm sát và vai trò của ông trong các vụ thảm sát tại Sebrenica và Sarajevo trong thời kỳ Nội chiến Serbia đầu thập niên 1990.
Ông Mladic bị cáo cuộc đã trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây kéo dài 2 năm và làm 11.000 người thiệt mạng, trong đó có 1.600 trẻ em tại Sarajevo. Tòa án cũng cho rằng ông có dính líu đến vụ thảm sát tại Sebrenica, khiến ít nhất 7.500 người Bosnia Hồi giáo thiệt mạng.
Ratko Mladic là nghi phạm cuối cùng trong vụ thảm sát Srebenica 16 năm trước sa lưới pháp luật. Cựu tướng Serbia đã sống thoải mái tại Belgrade trong một thời gian dài, trước khi buộc phải lẩn trốn vào thời điểm cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị bắt giữ năm 2001.
Rạng sáng ngày 26-5, các lực lượng đặc nhiệm đã bí mật bao vây ngôi nhà của ông Mladic tại Lazarevo, cách Belgrade 80km về phía bắc sau 2 tuần theo dõi, AFP dẫn lời lực lượng an ninh Serbia. Cựu tướng Serbia, sống dưới cái tên giả Milorad Komodic, trông già yếu “đến mức khó nhận ra” và không kháng cự khi bị bắt giữ.
Liên minh châu Âu (EU) đã ca ngợi đây là vụ bắt giữ lịch sử và yêu cầu dẫn độ ông ra tòa án quốc tế ngay lập tức. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng lên tiếng hoan nghênh rằng Ratko Mladic “đóng vai trò chủ chốt trong một số giai đoạn đen tối nhất của châu Âu và vùng Balkan”.
Việc bắt giữ Ratko Mladic là một trong số các điều kiện đặt ra đối với Serbia, nếu muốn gia nhập EU. Chính phủ Mỹ từng treo giải thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông Mladic.
Tổng thống Serbia Boris Tadic cho biết Serbia sẽ chuyển giao ông Mladic cho Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) trong vòng 7 ngày tới. Tuy nhiên luật sư của ông Mladic cho biết buổi thẩm vấn ông Mladic tại Serbia đã phải dời lại sang ngày hôm nay 27-5, và có thể tiếp tục bị dời khi các bác sĩ kiểm tra sức khỏe ông. Luật sư này mô tả cựu tướng Serbia “chỉ còn là cái bóng của chính mình”, đã chịu 3 cơn đau tim và 2 lần đột quỵ kể từ năm 1996 đến nay.
Chia rẽ xung quanh vụ bắt giữ Mladic
Nhiều người dân Bosnia đã hoan nghênh nhiệt liệt việc Serbia bắt giữ Ratko Mladic. “Đây là khoảnh khắc của công lý dành cho tâm hồn và những nỗi đau tôi đã phải trải qua”, Sabaheta Fejzic, người mất đứa con trai duy nhất trong vụ thảm sát Sebrenica, nói với Reuters.
Nhiều nhân chứng khác hồi tưởng lại thời gian họ sống tại Sarajevo vào thời điểm thành phố này bị bao vây và pháo kích suốt 2 năm trời mà không có lương thực hay điện nước.
Đối với nhiều người dân các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, Ratko Mladic là biểu tượng của một thời kỳ đen tối - cuộc nội chiến được đánh giá là đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến Thứ Hai, sự tan rã của Liên bang Nam Tư, những mâu thuẫn sắc tộc vẫn còn âm ỉ cho đến tận ngày nay.
Cho đến nay, xung đột giữa những các sắc dân Bosnia, Serbia và Croatia bên trong đất nước Bosnia vẫn chưa được giải quyết. Đa số người Bosnia gốc Serbia tỏ ra thù địch với chính phủ Bosnia, trong khi rất ít người tị nạn trong cuộc nội chiến dám quay lại quê hương mình sinh sống.
Trong khi nhiều người Bosnia ăn mừng việc bắt giữ ông Mladic thì một bộ phận người Serbia, đặc biệt là người Bosnia gốc Serbia, lại coi ông là một người hùng và tỏ ra giận dữ với chính phủ Serbia.
Một người dân mô tả Mladic là “một người Serbia chân chính”, trong khi nhiều người đã gọi chính phủ Serbia là “những kẻ phản bội”.
Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được triển khai xung quanh tòa án đặc biệt tại Belgrade, nơi chuẩn bị thẩm vấn ông Mladic lần đầu tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận