04/07/2014 10:58 GMT+7

Cựu ngoại trưởng Thái Lan: "biển Đông cần hòa bình và thịnh vượng"

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Trên báo The Nation, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai khẳng định ASEAN và Trung Quốc cần phải đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông, bởi đây là khu vực quá quan trọng đối với thương mại quốc tế.

ASEAN cần có cách tiếp cận khu vực với vấn đề biển ĐôngTrung Quốc leo thang đe dọa biển Đông

dqcwHZOw.jpgPhóng to
Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai - Ảnh: The Nation

Trong bài viết đăng trên The Nation số ra 4-7, giáo sư Sathirathai, chủ tịch Hội đồng Hòa bình & hòa giải châu Á, cảnh báo xung đột trên biển Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng thương mại quốc tế đối với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

ASEAN cùng Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand dự kiến hoàn tất đàm phán RCEP vào năm 2015. Khi thành lập, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

“Nếu tranh chấp biển Đông leo thang thì nó sẽ biến thành vùng biển xung đột và có thể dẫn tới chiến tranh, làm đứt quãng thương mại toàn cầu và các tuyến giao thông cực kỳ quan trọng đối với châu Á - Thái Bình Dương” - giáo sư Sathirathai cảnh báo.

Ông chỉ rõ hơn 50% khối lượng hàng hóa thế giới chở bằng tàu thủy hàng năm (khoảng 5.300 tỷ USD) đi qua các eo biển nối liền biển Đông và Ấn Độ Dương. Hơn 1/3 lượng dầu thô thế giới được chuyên chở qua biển Đông mỗi ngày.

Ngoài ra, biển Đông còn có thể trữ 7,7 tỷ thùng dầu thô, đang sở hữu 1/3 đa dạng sinh học biển thế giới, cung cấp nguồn hải sản cho 1,5 tỷ người. Với nguồn tài nguyên năng lượng và hải sản dồi dào, biển Đông có thể trở thành trung tâm phát triển kinh tế của cả khu vực.

Do đó, giáo sư Sathirathai cho rằng ASEAN và Trung Quốc phải đẩy nhanh đàm phán thành lập bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và cũng cần tính đến việc hợp tác phát triển chung trên biển Đông. Ông nhắc tới các mô hình hợp tác giữa Nhật và Hàn Quốc tại phía nam thềm lục địa hai nước năm 1974, giữa Úc và Indonesia để xây dựng vùng hợp tác giữa Đông Timor và bắc Úc năm 1989.

Các ví dụ khác là hiệp ước Timor 2002 giữa Úc và Đông Timor, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992, thỏa thuận hợp tác giữa Thái Lan và Malaysia về việc khai thác chung dầu khí trên vịnh Thái Lan năm 1979.

Cưu ngoại trưởng Sathirathai khẳng định không một quốc gia nào trên thế giới muốn thấy biển Đông trở thành vùng biển xung đột. “Với thiện chí, biển Đông phải trở thành vùng biển hợp tác, hòa bình và thịnh vượng” - ông Sathirathai kêu gọi.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên