Ông Võ Viết Thanh và những tấm bản đồ liên quan đến quy hoạch Thủ Thiêm được cất giữ từ năm 1995 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Võ Viết Thanh, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, nói như vậy với Tuổi Trẻ.
Ông Võ Viết Thanh chính là người ký tờ trình gửi Thủ tướng xin phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5.000) khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng chính ông trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch.
* Theo ông, chuyện ở Thủ Thiêm bây giờ không phải là đi tìm bản đồ gốc?
- Bây giờ phải lo làm sao cho việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ được những mục đích tốt đẹp của quy hoạch ban đầu. Đó là khu đô thị mới kế tục, phát triển hài hòa với trung tâm thành phố cũ để trở thành trung tâm thành phố hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Đây cũng là trung tâm giao dịch, thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa, du lịch, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế; là khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hiện đại, tiện nghi cao cấp...
Và hơn cả là lo ổn định đời sống nhân dân. Lẽ ra những người dân ở Thủ Thiêm lâu đời phải là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ khu đô thị mới.
* Khi lập quy hoạch, ngoài một khu đô thị mới thì mong ước của các ông, những cựu lãnh đạo của thành phố, với Thủ Thiêm và người dân Thủ Thiêm là gì?
- Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.
Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới.
Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người.
Ông Võ Viết Thanh - Ảnh: TỰ TRUNG
* Ông chỉ nói một lần đó thôi sao?
- Có những câu chuyện nhớ đến bây giờ. Lần người dân kéo đến ủy ban khiếu tố, cử các cấp phó đến tiếp xúc nhưng ai cũng né tránh.
Tôi trực tiếp đến gặp và thật sự không chịu đựng nổi khi nghe người dân trình bày: ban giải tỏa đền bù họ đo từng mái nhà theo kiểu "giọt nước mưa" để cấp đất trong khu tái định cư.
Nhà nghèo thì diện tích nhỏ, nhà khá hơn được diện tích lớn, yêu cầu trong vòng 6 tháng phải cất lên 3 tấm cho đúng với quy hoạch đô thị. Người dân dĩ nhiên chẳng thể theo nổi.
Tôi yêu cầu ban dự án phải cấp đất rộng rãi hơn nơi ở cũ, kể cả với hộ đang ở nhà tranh, đề nghị bà con cứ cất nhà tôn, nhà lá ở đến khi nào có điều kiện xây mới. Tôi cam kết: đó là quan điểm của tôi, nếu không thực hiện được, tôi sẽ không làm chủ tịch thành phố.
Một lần khác, khi nghỉ hưu, trên đường đi tôi ghé vào một tiệm thuốc tây trên đường Lương Định Của mua thuốc cảm. Hỏi thăm người chủ tiệm trạc tuổi tôi, ông buồn buồn: "Sắp tới giải tỏa, gia đình tôi chưa biết phải đi đâu về đâu".
Ông nhận ra tôi là cựu chủ tịch, tôi thì không nói được gì sau khi nghe câu ta thán ấy...
Tôi rất tiếc khi mọi việc bắt đầu triển khai thì tôi rời chức chủ tịch, nhiều việc không được như ý.
Rất nhiều lần trong các cuộc họp của thành phố, tôi cứ nhắc đi nhắc lại dù có thể nhiều anh em nghe nhàm tai: "Tại sao chúng ta rờ vào đâu dân cũng phản đối? Phải tìm cách nào hợp lý hợp tình, làm sao cho dân bằng lòng thì mới làm chớ".
* Sau này, quy hoạch Thủ Thiêm được chỉnh sửa nhiều lần, khu 160ha dành để tái định cư bị xé nhỏ... Ông nghĩ như thế nào?
- Không biết nói gì ngoài một chữ: Buồn. Về mặt pháp lý, các chỉnh sửa quy hoạch nếu có đều cần phải thông qua cấp Thủ tướng.
Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế.
Đừng biện hộ rằng người dân sẽ chuyển đổi nghề nghiệp vào các khu vực công nghiệp, dịch vụ vì cả dân và Nhà nước đều chưa chuẩn bị được điều kiện đó.
Còn về các cơ sở tôn giáo, giữ những nơi đó rõ ràng có lợi cho đời sống tâm linh của người dân, văn hóa, lịch sử của khu vực, nó đâu có hại gì cho các công trình công ích?
Không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn.
* Ông có cho rằng chính sách cần phải có những thay đổi căn cơ hơn để những vụ khiếu kiện đất đai không lan từ dự án này sang dự án khác, kéo từ năm này sang năm khác hoặc như ông nói: "Rờ tới đâu dân phản đối tới đó"?
- Không chỉ tôi mà nhiều người cũng nói: cần sửa đổi Luật đất đai, công nhận đầy đủ quyền sở hữu đất đai tư nhân của người dân. Có quyền sở hữu, họ sẽ yên tâm với tài sản của mình, được bảo vệ nhiều hơn với tài sản của mình.
Khi có quy hoạch, họ cũng sẽ có quyền được thụ hưởng lợi ích từ việc đất đai của mình được nâng cao giá trị.
Mặt khác, tôi cũng nói quá nhiều lần là phẩm chất người lãnh đạo. Làm lãnh đạo mà xa rời dân chúng, không động tâm trước dân là sẽ có hậu quả rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận