24/05/2022 16:54 GMT+7

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM lãnh 11 năm tù

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước, gây rối loạn thị trường, bức xúc trong dư luận, vì vậy cần xử lý nghiêm minh.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM lãnh 11 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Ngọc Hà nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 24-5, sau 7 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) Trần Ngọc Hà và 16 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại công ty này.

Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Hà 11 năm tù, Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc VEAM) lãnh 8 năm tù, Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM) lãnh 6 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Vetranco) lãnh 13 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (66 tuổi, cựu trưởng ban kiểm soát, thành viên hội đồng thành viên VEAM) lãnh 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, gây rối loạn thị trường, gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội... Vì vậy, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh nhằm cải tạo, giáo dục để phòng ngừa tội phạm nói chung, nhất là tội phạm kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

"Việc khởi tố, truy tố, đưa các bị cáo ra xét xử và áp dụng mức hình phạt nghiêm tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi phạm tội của từng bị cáo là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội…", bản án nêu.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM lãnh 11 năm tù - Ảnh 2.

Chủ tọa phiên tòa công bố phán quyết với các bị cáo - Ảnh: DANH TRỌNG

Theo hội đồng xét xử, trong vụ án này, các bị cáo thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm đơn giản. Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Hà với tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên (2011-2014), tổng giám đốc (2015-2018), đã để cho cấp dưới tại VEAM tham mưu, trình và ký các chứng thư bảo lãnh vay cho Vetranco. Ông Hà cũng là người quyết định chi tiền cho các dự án bị dừng giữa chừng.

Ba hành vi trên của ông Hà gây thiệt hại cho VEAM hơn 127 tỉ đồng, trong đó bị cáo chịu trách nhiệm chính về thiệt hại liên quan đến hai dự án đầu tư không thể thực hiện.

Bị cáo Lâm Chí Quang, cựu tổng giám đốc VEAM, là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiệt hại do ký chứng thư bảo lãnh cho Vetranco.

Về dân sự, tòa buộc bị cáo Trần Quang Tiến bồi thường cho Vetranco hơn 182 tỉ đồng. Vetranco có trách nhiệm hoàn trả VEAM hơn 137 tỉ đồng. Riêng ông Hà bị buộc bồi thường cho VEAM số tiền 52 tỉ đồng.

Bản án xác định, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%). Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM.

Từ năm 2011-2013, Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang (tổng giám đốc VEAM), ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty cổ phần đầu tư Minh Quang, Công ty cổ phần thép Minh Quang, Công ty cổ phần đầu tư Tương Lai, Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.

Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỉ đồng.

Ngoài ra khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, giám đốc Vetranco Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Đại Nam - vay để hưởng lãi.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM lãnh 11 năm tù - Ảnh 3.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG

Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, bị can Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5-2013 đến tháng 8-2013, gây thiệt hại cho Vetranco gần 183 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định khi thực hiện dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết, thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển ôtô tay lái bên phải của lãnh đạo VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 66 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Khôi, với vai trò là thành viên hội đồng thành viên phụ trách lĩnh vực quản lý vốn và hoạt động tài chính kế toán, công tác kiểm soát VEAM, bị xác định là đã thực hiện không hết trách nhiệm của mình, gây thiệt hại cho VEAM hơn 75 tỉ đồng...

Dàn cựu lãnh đạo VEAM bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ Dàn cựu lãnh đạo VEAM bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ

TTO - Việc quản lý điều hành của một số bị can từng là lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có nhiều sai phạm gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên