01/06/2010 08:16 GMT+7

Cúp điện tràn lan, dân kêu trời!

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TT - Người dân và doanh nghiệp đang phải sống trong cảnh chờ điện. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, doanh nghiệp lỡ đơn hàng, tăng chi phí, còn người lao động bị giảm thu nhập...

“Với tư cách là người bán điện, chúng tôi xin lỗi các doanh nghiệp (DN) về tình trạng thiếu điện cho sản xuất những ngày vừa qua và mong quý DN thông cảm, hỗ trợ ngành điện trong giai đoạn khó khăn này”.

jLhhwQ44.jpgPhóng to
Không có điện sản xuất, nhiều công nhân đã bỏ về. Trong ảnh: hai công nhân Công ty Thiên Hoàng (cụm công nghiệp Trảng Nhật 1, Điện Bàn, Quảng Nam) ngồi nán lại với khuôn mặt thẫn thờ - Ảnh: Đ.Nam

Đó là lời xin lỗi mà ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - đã đưa ra tại cuộc họp bàn về việc thiếu điện sản xuất, do Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (Hepza) tổ chức chiều 31-5. Trong khi đó, DN ở nhiều nơi đang kêu trời vì tình trạng cúp điện quá tùy tiện của ngành điện thời gian qua.

Doanh nghiệp, công nhân cùng thiệt

Yêu cầu EVN huy động tối đa các nguồn điện độc lập

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thời gian qua không huy động hết các nhà máy điện chạy dầu vì giá đắt, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết về cơ bản EVN vẫn đang huy động các nhà máy điện chạy dầu, chỉ một số thời điểm không huy động do trời có mưa.

Bộ Công thương vừa ban hành chỉ thị số 16/2010 về đảm bảo điện phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Bộ “nhắc” EVN dù bộ đã ban hành chỉ thị 12/2010 từ ngày 12-4 nhưng tình hình cung ứng điện vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy chỉ thị nêu rõ EVN phải huy động ở mức tối đa các nguồn điện từ các nhà máy điện độc lập nhằm đảm bảo lượng điện có thể cung cấp luôn ở mức cao nhất, đặc biệt trong thời gian căng thẳng hiện nay cho tới nửa cuối tháng 6-2010.

Còn trong trường hợp buộc phải cắt giảm điện cung ứng để đảm bảo an toàn hệ thống, EVN phải thực hiện đúng nguyên tắc ưu tiên cung cấp điện theo chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Công thương, đảm bảo công bằng, cố gắng đủ điện sinh hoạt cho dân vào buổi tối, không để xảy ra mất điện liên tục, kéo dài ở một số khu vực và một số hộ sử dụng điện.

Tại cuộc họp, đại diện các DN ở TP.HCM cho biết hiện đang vào mùa sản xuất, lượng đơn hàng về nhiều nhất trong năm nhưng tình trạng cắt điện không báo trước xảy ra ở một số nơi vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho DN.

Đại diện Công ty thủy hải sản Trung Sơn (KCN Tân Tạo) kể: “Theo kế hoạch của phía điện lực, mỗi tuần cúp điện vào thứ ba nên chúng tôi đã sắp xếp cho công nhân nghỉ ngày đó. Vậy mà chiều chủ nhật 30-5 họ thông báo đổi qua cúp điện ngày thứ hai 31-5 khiến chúng tôi lật đật thông báo cho công nhân nghỉ ngày thứ hai. Nhưng đến tối cùng ngày họ lại báo thứ hai có điện bình thường và tiến hành cắt điện ngày thứ ba, nhưng lúc này làm sao thông báo cho công nhân kịp trở lại làm việc. Sự thay đổi liên tục, tùy tiện của ngành điện khiến chúng tôi mất toi sản lượng của hai ngày sản xuất, người lao động cũng mất toi hai ngày công”.

Ông Lê Việt Tiến, phó quản đốc phòng cơ điện lạnh Công ty sản xuất thủy sản Vạn Đức (KCN Vĩnh Lộc), bức xúc: “Từ ngày 27 đến 31-5 công ty đã ba lần bị cúp điện đột ngột, khiến chúng tôi phải mướt mồ hôi đi mua dầu chạy máy dự phòng vì không chủ động dự trữ trước. Vì DN sản xuất mặt hàng thủy hải sản nên hệ thống làm lạnh phải luôn duy trì”.

Trong ba ngày bị cúp điện đó, ông Tiến cho biết công ty phải chạy máy điện dự phòng 2.500KVA, tiêu thụ mỗi ngày 4.000 lít dầu khiến chi phí sản xuất, chi phí tiêu hao quá lớn. Đại diện Công ty Sữa Sài Gòn (KCN Tân Thới Hiệp) cũng bức xúc: “Chúng tôi sử dụng công nghệ bo mạch điện tử cho các dây chuyền tự động hóa, mỗi bo mạch có giá 40.000-50.000 USD. Bị cắt điện đột ngột coi như bo mạch bị hỏng, chưa kể toàn bộ sản phẩm đang chạy trên dây chuyền sản xuất cũng hư hỏng luôn”.

Ông Lê Anh Tuấn - phó trưởng ban Hepza - đề nghị: “Ai cũng biết cắt điện cho sản xuất là đồng nghĩa với cắt sự phát triển. Nếu buộc phải cắt điện, đề nghị ngành điện thông báo kịp thời cho DN và phải thực hiện đúng kế hoạch”.

Có lịch cắt điện cũng như không

Chiều 31-5, một số DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước lại than phiền về chuyện thông báo cúp rồi không cúp. Bà Ngô Thị Hồng Thu - phó tổng giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành - nói: “Có lúc điện lực thông báo cúp điện làm nhà máy cho công nhân nghỉ để làm bù vào thứ bảy, chủ nhật nhưng cuối cùng lại không cúp. Việc lịch cúp điện thiếu ổn định cũng là cái khổ cho DN”.

Ông Nguyễn Hồng Giúp - Công ty giày Thái Bình (P.Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) - cho biết theo thông báo cúp điện của Điện lực Bình Phước, để đảm bảo sản xuất công ty đã nhiều lần thuê máy phát điện tới gần 50 triệu đồng từ Đồng Nai về nhưng rồi để đó, bởi lịch cắt điện thay đổi không cúp nữa nhưng công ty vẫn phải trả tiền thuê, vận chuyển máy phát điện.

Bà Hoàng Thị Liên Hương - Công ty KJ.Glove, KCN Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) - than phiền: “Theo lịch cắt điện đã được thông báo, công ty chúng tôi lên kế hoạch làm việc theo lịch đó để giảm tối đa chi phí nhưng sau đó lại phải thay đổi tiếp. Có những ngày chúng tôi đã thông báo cho công nhân nghỉ nhưng điện lại không cắt”. Ông Khoa - chủ cơ sở sản xuất nước đá Văn Khoa (thị xã Đồng Xoài) - cho biết việc nhập nhằng lịch cắt điện, thực hiện không đúng như thông báo đã gây nhiều thiệt hại, khó khăn cho DN.

Tr5k6X64.jpgPhóng to
Một cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM phải chạy máy phát điện để bơm xăng cho khách hàng vì bị cúp điện vào chiều 31-5 - Ảnh: Minh Đức

Lỡ hợp đồng vì cúp điện

Trong khi đó ở miền Trung, sáng 31-5 tại cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), không khí làm việc khá vắng lặng. Hơn một chục xí nghiệp, nhà máy nằm dọc trên đường vào cụm công nghiệp này đều đóng kín cửa. Dù là ngày đầu tuần nhưng không có một bóng dáng công nhân.

Bà Nguyễn Thị Huynh - giám đốc Công ty chế biến đồ gỗ Thiên Hoàng - cho biết: “Riêng trong tháng 5 này bị cúp điện tổng cộng 13 lần. Đầu tháng cứ hai ngày có điện thì bị cúp nửa ngày, nhưng kể từ hôm 20-5 trở đi lịch cúp điện được bổ sung dày lên. Theo đó, cứ một ngày có điện thì nửa ngày hôm sau cúp điện”. Bà Huynh than thở: “Ngành điện thông báo là sẽ cúp từ 6g30-14g, thế nhưng có khi nào họ đóng điện đúng giờ đâu, lâu nay thấy toàn trễ. Vậy nên cứ mỗi lần như thế là công nhân lại ngồi chờ. Điện cúp mãi đến nỗi công nhân chán không thèm đi làm nữa”.

Bà Lê Thị Tố Nga (Công ty Woochang Việt Nam, cụm công nghiệp Trảng Nhật 1) cũng cho biết: “Suốt một tháng qua hoạt động xuất khẩu của DN bị đảo lộn hoàn toàn, nhiều container hàng bị đình trệ. Có ít nhất hai container áo veston xuất đi Mỹ bị dừng lại vì không làm kịp do cúp điện. Woochang đã sử dụng máy nổ nhưng máy cũng quá tải vì hoạt động liên tục”.

Đúng 14g ngày 31-5, chúng tôi quay lại cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 và 2, nhưng ở các nơi này vẫn chưa có điện, không như thông báo trước đó của ngành điện là “sẽ có điện”. Ông Đặng Thanh Lý - giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hà (cụm công nghiệp Trảng Nhật 2) - kêu trời: “Làm ăn kiểu này thì DN chết thôi. Thông báo đúng 14g có điện mà giờ đã quá 30 phút rồi điện vẫn chưa có trở lại”. Theo ông Lý, chỉ tính riêng trong tháng 5 doanh thu của công ty giảm hơn 40% vì mất điện liên tục.

Các DN ở Đồng Nai cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Võ Thanh Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh, có xưởng sản xuất đặt tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) - cho hay: “Theo hợp đồng, mỗi tháng DN phải xuất 5 container hàng găng tay sang Hàn Quốc, nhưng mấy tháng gần đây hầu như hàng không xuất kịp do tình trạng bị cúp điện liên tục”.

Đặt vấn đề về thiệt hại của DN, giám đốc Công ty may Đạt Minh Phương (36B An Dương Vương, P.16, Q.8, TP.HCM) nói: “Chúng tôi trễ đơn hàng đi Anh và Mỹ do bị cúp điện đến ba ngày trong tuần (ngày 27, 29, 30-5). Hàng được xuất đi bằng đường thủy phải chuyển sang bằng máy bay nhưng vẫn không kịp, thiệt hại này biết đền ai?”.

Cúp điện “tá lả”

* Người dân TP.HCM trong tuần qua vô cùng vất vả trước tình hình thiếu điện nghiêm trọng trên diện rộng. Theo thông báo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong điều kiện thiếu sản lượng điện nghiêm trọng, họ phải cắt giảm điện từ 6g30-17g một ngày/tuần từ 26-5 đến 10-6.

Tuy nhiên, không chỉ mất điện một ngày mà hàng chục khu vực đã bị cúp điện 2-3 ngày/tuần như ở phường 8, 11, 14 (quận Phú Nhuận); phường 5, 8 (quận 11); phường Tân Kiểng (quận 7); phường Linh Trung, Linh Tây, Linh Xuân (quận Thủ Đức); phường 16 (quận 8)… Ngoài ra, có nhiều khu vực cúp quá thời gian như thông báo (đến 22g mới có điện thay vì vào lúc 17g) như quận 2, 7, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh…). Riêng bà con khu vực đường Cao Văn Lầu, phường 2, quận 6 đề nghị ngành điện nên thay đổi lịch cúp vào các ngày trong tuần thay vì chỉ cúp vào ngày chủ nhật mỗi tuần ở tuyến đường này.

* Mặc dù không có tên trong lịch cắt điện luân phiên từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6-2010 do Trung tâm điều độ thông tin - Tổng công ty Điện lực Hà Nội thông báo, nhưng hai tuần nay ở xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên bị mất điện kéo dài. Mỗi lần thường cắt điện từ 3, 4g đến 19-20g.

Bà Nguyễn Thị Xuân, ở xóm 16, than phiền: “Từ giữa tháng 5 đến nay, cứ cách một ngày khu nhà tôi ở lại bị cắt điện một lần mà không thấy thông báo gì. Nhà tôi có cả trăm sinh viên thuê trọ nên cắt điện cũng đồng nghĩa với mất nước vì bể chứa để cung cấp nước đến các phòng trọ nhỏ, máy bơm nước phải hoạt động liên tục mới đủ”.

Khu vực các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân có nhiều điểm trường: ĐH Kinh tế quốc dân, Bách khoa, ĐH Hà Nội, Kiến trúc, KHXH&NV... cũng kêu trời. Vì đang trong mùa thi cử mà bị cắt điện kéo dài và cắt nhiều lần trong một tuần nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, chuẩn bị thi cử của sinh viên.

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên