10/10/2004 07:05 GMT+7

Cướp tiệm vàng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCN - Hàng chục vụ tấn công vũ trang, cướp tiệm vàng đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP.HCM và khắp cả nước trong thời gian gần đây. Nhiều nạn nhân bị bắn chết, bị thương, vàng bạc, tiền nong bị đánh cướp.

ZLPjbRYY.jpgPhóng to
Tiệm vàng Ngọc Hà, nơi xảy ra vụ cướp gây chấn động dư luận
TTCN - Hàng chục vụ tấn công vũ trang, cướp tiệm vàng đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP.HCM và khắp cả nước trong thời gian gần đây. Nhiều nạn nhân bị bắn chết, bị thương, vàng bạc, tiền nong bị đánh cướp.

Nhiều vụ đã được cơ quan điều tra bóc gỡ, nhưng không ít vụ vẫn còn chìm trong bóng tối bí ẩn cũng như tình hình cướp bóc vẫn không hề giảm bớt.

Giới kinh doanh vàng đang hoang mang không biết hiểm họa sẽ ập đến với mình lúc nào…

boUBzlzU.jpgPhóng to
Súng cướp tiệm vàng
Hồ sơ những vụ cướp đẫm máu!

Vụ cướp thứ 1: Tối 2-10-2004, TP.HCM mù mịt, lạnh lẽo trong cơn mưa tầm tã. Ông bà Doãn Mỹ, Nguyễn Thị Cẩm Thanh, chủ tiệm vàng Kim Thanh, chợ Phạm Thế Hiển, quận 8, vui vẻ đóng cửa sạp để về với mâm cơm gia đình ấm cúng. Gom tiền, vàng buôn bán cả ngày vào hai túi xách, ông bà lên xe gắn máy. Đồng hồ chỉ 19g30.

Ông Mỹ rồ ga theo lộ trình cũ từ đường Phạm Thế Hiển rẽ sang đường 23 để về nhà riêng (số 31 đường 8, P.4, Q.8) cách nơi kinh doanh chưa đầy 1km. Đến đoạn đường chỉ còn cách nhà khoảng 200m thì họ bất ngờ bị hai chiếc xe máy chở các thanh niên đeo khẩu trang, đội nón, mặc áo mưa ép sát. Một tên ngồi sau rút súng ngắn giắt ở lưng quần đánh mạnh vào đầu bà Thanh, ra lệnh: “Muốn sống thì đưa túi đựng vàng”.

QAQmxbNm.jpgPhóng to
Khi chưa cần đến súng, hung thủ có thể ngang nhiên dùng búa đập vỡ tủ kính để cướp vàng. Ảnh hiện trường một vụ cướp vàng giữa ban ngày tại quận Gò Vấp, TP.HCM
Thấy tình hình quá nguy cấp, ông Mỹ không dừng xe, mà rồ ga ráng chạy về nhà lúc này chỉ còn cách hơn 100m. Tên cướp vội vàng chĩa súng vào xe bóp cò. Ông Mỹ buộc phải dừng lại, nhưng vẫn giằng co với tên cướp đang cố giật túi đựng vàng. Tên cướp quàng tay giáng báng súng vào đầu ông. Thấy con mồi vẫn không chịu thúc thủ, hắn chúc mũi súng lạnh lùng bắn liên tiếp hai phát vào người ông và bắn tiếp một phát vào bụng bà Mỹ nhưng may mắn viên đạn này bị lép.

Trong lúc người chồng gục xuống, bà Mỹ thoát chết té ra đường, tri hô cầu cứu. Một số người dân sống trong khu vực chạy ra định tiếp cứu, nhưng đành khựng lại trước họng súng đen ngòm sẵn sàng khạc đạn. Sau đó, các tên cướp tiếp tục đánh báng súng vào đầu bà Mỹ để giật hai túi xách chứa 50 lượng vàng, 11.000 USD và 150 triệu đồng, rồi rồ ga chạy mất về hướng Chánh Hưng.

Ông Mỹ được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường với hai viên đạn chí mạng vào gan, phổi. Theo các nhân chứng tại chỗ, ít nhất có bốn tên cướp sử dụng hai xe máy và hai súng ngắn thực hiện vụ cướp.

Ba lời khuyên khi bị cướp (của Công ty bảo vệ Long Hải)

1. Cố gắng bình tĩnh để đánh giá nhanh tình hình, khả năng hai phía

2. Hãy tỏ thái độ hợp tác, nghe lời để tránh đổ máu và kéo dài thời gian

3. Giữ tính mạng là quan trọng nhất, có thể chủ động bỏ tài sản để nhận diện bọn cướp

Vụ cướp thứ 2: Vụ án giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Hà ở đường Nguyễn Sơn, P.18, Q. Tân Bình cũng gây kinh hoàng cho giới kinh doanh vàng. Từ ba khẩu súng ngắn K54 và hơn 100 viên đạn ăn cắp được trong thời gian phục vụ quân đội, tên Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh năm 1983) và tên Nguyễn Văn Tiếp (sinh năm 1982) đã nảy sinh ý định đi ăn cướp vũ trang để làm giàu.

Sau nhiều lần không ra tay được, chiều 19-5-2003, hai tên trang bị mỗi người một súng và ba băng đạn đầy ắp để tấn công tiệm vàng Ngọc Hà. Khoảng 21g cùng ngày, chúng liều lĩnh xông vào trong lúc tiệm vàng chuẩn bị đóng cửa và lên đạn súng, ra lệnh chị Mai Thị Mạnh Trinh phải nộp vàng.

Tuy nhiên, gặp sự chống trả dữ dội của các anh Võ Thành Đông, Nguyễn Minh Luân và chú chó trung thành của tiệm, bọn chúng bóp cò nhưng bị hóc đạn và đành bỏ chạy.

Chưa cướp được gì, nhưng hai tên cướp trẻ đã dã man vãi hơn 20 viên đạn vào những người đuổi bắt, kể cả người qua đường, làm thiệt mạng tại chỗ ông Trần Đông Sơ và bị thương 8 người khác. Trong đó, có những người bị thương rất nặng như anh Trần Thanh Cường bị đứt cuống họng, anh Trần Quốc Trung bị bể bàng quang. Đặc biệt, bản chất sát nhân hung hãn của chúng vẫn chưa dừng lại khi ngay sau đó lại tiếp tục dùng súng đi cướp các tiệm vàng khác, thậm chí chỉ vì mâu thuẫn cá nhân đã vãi đạn cả vào trụ sở dân phòng … Vụ cướp thứ 3: Cũng tại địa bàn quận Tân Bình, cách đó không lâu, đã xảy ra một vụ cướp tiệm vàng, giết người dã man khác. Tên Bùi Minh Hải, một quân nhân thuộc tiểu đoàn Kiểm soát quân sự TP.HCM, đã lén lấy súng của đơn vị để cùng đồng bọn mật phục đường về của chủ tiệm vàng Kim Dung ở chợ Thiếc, quận 11. Lúc 19g45 ngày 14-1-2001, anh Lê Tấn Ánh, em ruột chủ tiệm vàng, chở người giúp việc là chị Trương Thị Thu Nga từ tiệm vàng về nhà. Hai người vừa đến đường Tân Thành, P.19, Q.Tân Bình, thì bị Bùi Minh Hải và đồng bọn đi trên hai xe gắn máy pha đèn, khóa chặt đầu đuôi. Anh Ánh tri hô cầu cứu chưa kịp dứt câu đã bị bọn chúng sử dụng súng quân dụng K54 bắn thẳng. Viên đạn đầu tiên không nổ, nhưng các viên sau đã hạ anh gục chết tại chỗ. Chị Nga ngã lăn ra đường và bị giật mất túi xách đựng 116 lượng vàng cùng 10 triệu đồng. Trên đường vội vã tháo chạy, bọn cướp còn đụng ngã xe một người và dùng súng đe doạ để thoát thân. Vụ cướp thứ 4, thứ 5, thứ 6 …

kLwIZOhI.jpgPhóng to
Một nạn nhân trong vụ cướp tiệm vàng Ngọc Hà
Hiểm họa vẫn lơ lửng

Trong quá trình thực hiện phóng sự này, tôi đã tiếp cận nhiều tiệm vàng trên địa bàn TP.HCM. Giới kinh doanh đều cho biết họ đang rất lo sợ trước tình hình liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ giết người, cướp bóc vàng bạc hiện nay, nhưng thực tế công việc tự bảo vệ của họ lại đang có rất nhiều vấn đề.

Ở các điểm kinh doanh lâu năm như chợ Thiếc, Vườn Chuối, An Đông, Hòa Hưng, Phạm Văn Hai, Tân Bình và các trung tâm thương mại, siêu thị …, những quầy vàng thường kinh doanh tập trung theo khu vực. Họ tin rằng chính đặc điểm này cộng với lượng khách thường xuyên lui tới khá đông sẽ khiến bọn cướp chùn tay. Lý lẽ này có phần đúng, nhưng cũng có yếu điểm chết người rất dễ tạo điều kiện cho bọn cướp chú ý, hành động.

Vì không có cất giữ qua ngày bảo đảm ở chợ nên giới chủ bắt buộc phải mang đi, về mỗi ngày. Chính lộ trình mang theo tiền, vàng của họ là nhược điểm yếu nhất. Khó tấn công trực tiếp vào chốn chợ búa đông đúc, bọn chúng chỉ cần điều nghiên đường đi về để ra tay bất ngờ trong khi con mồi lúc này thường chỉ có một, hai người. Vừa rồi, các vụ cướp, giết người đẫm máu đối với tiệm vàng Kim Thanh, Kim Dung … đều được thực hiện từ chính yếu điểm này.

So với kinh doanh ở chợ, các tiệm vàng kinh doanh ở nhà riêng nằm rải rác khắp các con đường trong thành phố có lợi thế là không phải thường xuyên đem tiền, vàng ra đường. Tuy nhiên, họ cũng bị điểm yếu là không nhiều đồng nghiệp bên cạnh cũng như hay có thời điểm vắng khách lui tới. Đây cũng chính là một sơ hở để bọn cướp có thể ra tay như đã từng xảy ra với tiệm vàng Kim Hoàn (quận 7), Kim Hồng Vân (Gò Vấp)…

Mặc dù mới xảy ra vụ giết người, cướp vàng kinh hoàng ở quận 8, nhưng tôi vẫn gặp khá nhiều bất ngờ khi đi khảo sát thực tế trong các ngày vừa qua. Lúc 14g, tiệm vàng ĐL, một tên tuổi kinh doanh lớn và lâu năm ở đường Phạm Văn Hai (Tân Bình), không có bóng một khách hàng.

Sâu bên trong, một người đàn ông đang lom khom với đống sổ sách và một người đàn bà lớn tuổi đang ngồi quay lưng ra ngoài. Tôi gạt chống xe máy kêu thành tiếng, rồi tiến thẳng vào trong vẫn không bị ai phát hiện. Lát sau, người đàn ông mới ngẩng lên, thấy tôi, mỉm cười hỏi: “Cần mua bán gì?”. Tôi hỏi ngay: “Anh có sợ bị cướp không?”.

Lúc này, người đàn ông mới có vẻ dè dặt, nhưng cho biết anh ta làm chủ tiệm vàng này đã hơn 10 năm nhưng chưa xảy ra một bất trắc nào. “Ở đây tiệm vàng nào cũng vậy. Với lại nhà riêng nên cũng yên tâm”. Anh ta cho biết thêm chưa bao giờ có ý định thuê bảo vệ chuyên nghiệp, nếu cần thì chỉ kiếm người thân kiêm trông coi xe cho khách hàng.

Ở tiệm vàng HY kế bên cũng chỉ có một nhân viên duy nhất đang trông coi cửa tiệm tên Hoàn. Nghe câu hỏi có sợ cướp không, anh ta không trả lời mà lôi ra một tờ giấy của công an thông báo về ký hiệu, mã số của lượng vàng mới bị cướp ở quận 8. Lát sau, anh ta mới nói ở đây có công an và có cam kết bảo vệ, mặc dù theo tôi quan sát đó chỉ là trụ sở công an phường nằm ở cuối đường.

Còn ở đầu giao với đường Cách Mạng Tháng 8 thỉnh thoảng mới có một cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ của mình. Khi tôi hỏi: “Giả sử có hai tên cầm súng hoặc chỉ là dao vô cướp thì anh sẽ phản ứng ra sao?”. Anh ta chỉ cười cười: “Không biết nữa. Bởi ở đây đã xảy ra vụ nào đâu mà biết. Vả lại, chưa chắc chúng đã dám đến khu này đâu”…

Ở các tiệm vàng trên đường Quang Trung (Gò Vấp), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Thạch (quận 4), Lê Quang Định (Bình Thạnh) … tình trạng lỏng lẻo cũng tương tự. Đọc báo nghe những vụ giết người, cướp bóc thì họ cũng sợ, nhưng thói quen kinh doanh thì hình như vẫn khó thay đổi. Có tiệm lúc tôi vào, nhân viên trông coi đang lơ mơ ngủ gật. Có tiệm chỉ có một phụ nữ đứng quầy. Thậm chí, tiệm vàng P.T2. trên đường Nguyễn Thượng Hiền còn bày cả dãy tủ kính nhô ra sát lòng đường, trong khi cô gái ngồi bán bên trong thập thò đầu chưa qua khỏi mặt kính.

Anh xe ôm đậu đón khách gần đó cười với tôi: “Bày bán hở hang kiểu này như đánh đố lòng tham của bọn cướp. Chúng chỉ cần ngồi ngay trên xe đang nổ máy dưới lòng đường, đập bể kính, rồi quào tay một cái là vọt mất. Tất cả chưa chắc đã tròn một phút...”. Đặc biệt, khi tìm hiểu về phương thức vận chuyển tiền, vàng, tôi còn được biết hầu hết vẫn đang sử dụng phương tiện xe máy riêng là chính. Nhiều thì họ đựng trong giỏ xách, còn ít thì đeo trong người rồi mặc áo khoác

bên ngoài. Một số người cho rằng vì họ chưa có xe hơi, trong khi số khác lại quả quyết nếu đi xe hơi hay taxi ra vô tiệm vàng “chỉ tổ làm cho bọn cướp canh me nhiều thêm”. Ngoài ra, việc vận chuyển này do chính những người chủ đảm trách trong khi họ lại thường là người lớn tuổi và yếu ớt với chuyện phải động chân tay.

Hãy tự bảo vệ mình trước

Trước tình hình đánh cướp có vũ trang các tiệm vàng đang diễn biến phức tạp, cơ quan công an cho rằng nhiệm vụ của họ là trấn áp các băng đảng tội phạm, nhưng giới kinh doanh vẫn phải áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình trước. Bởi khi sự việc xảy ra, lực lượng cảnh sát đến được thì thường đã quá muộn.

Theo ông Phan Nam, phó giám đốc Công ty bảo vệ Long Hải, hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng bạc, mà đặc biệt là tư nhân, không hề có sự bảo vệ chuyên nghiệp nào. Còn một số có bảo vệ thì lại không chuyên nên khi xảy ra cướp bóc thường hành động không phù hợp dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Những năm gần đây, Long Hải và một số công ty bảo vệ khác đã nhiều lần đi chào dịch vụ bảo vệ với đối tượng kinh doanh này nhưng không thành công. “Tâm lý làm ăn kiểu gia đình khép kín quá nặng. Thậm chí họ còn ngờ vực thiện chí của chúng tôi”.

Theo ý kiến của các chuyên gia bảo vệ, có hai phương thức để bảo vệ ở các tiệm vàng. Phương thức thứ nhất là sử dụng các trang thiết bị hiện đại như camera, máy báo động, giỏ xách vận chuyển có báo động từ xa. Chúng đang có nhiều chủng loại trên thị trường và giá cả cũng không đắt lắm, rất phù hợp cho các tiệm vàng trang bị, kể cả các tiệm nhỏ lẻ. Khi bị cướp, chủ tiệm có thể xuôi tay để bảo vệ tính mạng trước. Sau đó, các thiết bị này sẽ giúp cơ quan điều tra tìm ra tung tích tội phạm. Thậm chí, một số công ty bảo vệ như Long Hải còn có dịch vụ kết nối báo động từ xa. Chỉ cần vài phút sau khi nhận tín hiệu, vệ sĩ của họ sẽ có mặt ở hiện trường.

Phương thức thứ hai là sử dụng con người chuyên nghiệp. Đây là cách bảo vệ hiệu quả nhất. Họ có thể làm việc toàn bộ 24/24 giờ hoặc chỉ làm theo gói dịch vụ ngắn hạn phù hợp với những tiệm vàng thường xuyên phải vận chuyển trên đường. Các vệ sĩ chuyên nghiệp có thể được thuê theo giờ, nhận trách nhiệm trong thời gian vận chuyển như “bảo tiêu” ngày trước. Ngoài ra, để đảm bảo cho khách hàng, một số công ty bảo vệ còn nhận mua bảo hiểm cả những thứ cần được bảo vệ.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên