![]() |
Cướp biển phóng canô cao tốc, bắn súng phóng rocket - Ảnh: BBC |
Trong báo cáo về nạn hải tặc năm 2007, IMB đã gọi Nigeria là một “điểm nóng” của nạn cướp biển. Tại vùng châu thổ Niger giàu dầu lửa, những vụ bắt cóc người nước ngoài và tấn công các cơ sở dầu khí khiến cả thế giới phải chú ý. Tuy nhiên, hậu quả của tình trạng vô luật pháp trên biển cũng nghiêm trọng không kém.
Nỗi kinh hoàng trên biển
Nigeria là một trong hai nhà cung cấp dầu thô lớn nhất châu Phi và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ năm thế giới vào Mỹ. Nhiều năm qua khu vực châu thổ Niger ngập chìm trong bạo lực và các vụ bắt cóc. Một số vụ bạo lực có nguyên nhân chính trị do những nhóm muốn kiểm soát nguồn dầu khí gây ra. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là những “tác phẩm” của bọn tội phạm có tổ chức và cướp biển. Sau khi hơn 200 người nước ngoài bị bắt cóc tại châu thổ Niger năm 2007, các công ty dầu khí nước ngoài bắt đầu tăng cường an ninh một cách mạnh mẽ.
Khi các con tàu nước ngoài không còn là mục tiêu dễ dàng, bọn cướp biển Nigeria bắt đầu tấn công tràn lan. Tại Nigeria, những khu vực đại dịch cướp biển hoành hành là vùng biển bao quanh trung tâm kinh tế Lagos và châu thổ Niger. IMB cho biết ở những khu vực này, các vụ tấn công nhắm vào tàu chở hàng khá lẻ tẻ. Mục tiêu chủ yếu là những tàu nhỏ chở nhân viên và vật liệu của các công ty dầu khí và các tàu đánh cá. Theo Hiệp hội Chủ tàu đánh cá Nigeria, số lượng vụ tấn công tàu đánh cá tăng từ bốn năm 2003 lên 107 năm 2007. Chỉ riêng trong tháng 1-2008 có đến 50 vụ tấn công tàu đánh cá khiến 10 thủy thủ thiệt mạng.
Những vụ tấn công nhắm vào tàu của các công ty dầu khí cũng xảy ra như cơm bữa. Ngày 9-1, bọn cướp biển liên tiếp tấn công sáu tàu của cơ sở dầu khí đảo Bonny chỉ trong khoảng 20 phút. Chúng xả đạn vào các con tàu khiến hai người bị thương, trong đó một người bị thương nặng. Toàn bộ sáu tàu đều chạy thoát. Mới đây, một tàu của Tập đoàn ExxonMobil cũng bị tấn công tại châu thổ Niger.
Hãng tin Reuters cho biết có tám tên cướp biển phóng canô cao tốc áp sát con tàu và bắn chết một thủy thủ. Khi lên tàu, chúng xả đạn vào cửa cabin dành cho thuyền trưởng rồi xông vào lấy sạch tiền nong, ngoài ra còn lấy đi một máy tính xách tay và các thiết bị radio. Tháng bảy vừa qua, bọn cướp biển tấn công tàu Thụy Điển Marine Carrier AB, bắt giữ làm con tin 12 thủy thủ người Nga, Ukraine và một Ba Lan. Sau đó chúng thả một số thủy thủ nhưng lấy sạch đồ đạc của họ. Chiếc tàu làm việc cho Công ty dầu khí Ý Saipem SpA, công ty này sau đó đã phải trả một số tiền chuộc để giải thoát những con tin còn lại.
Theo AFP, bọn cướp biển không chỉ nhắm vào các mục tiêu di chuyển trên mặt nước. Chúng thậm chí còn sử dụng canô cao tốc để thực hiện những vụ cướp các ngân hàng tại những thị trấn ven biển, đặc biệt là thành phố cảng Port Harcourt. Những vụ tấn công kiểu này thường diễn ra với tốc độ chóng mặt, khiến an ninh các ngân hàng và cảnh sát địa phương không kịp trở tay. Gần đây nhất là vụ bọn cướp biển tấn công nhân viên Ngân hàng Fish Bank ở Port Harcourt, cướp đi 2,54 triệu USD.
Mạnh hơn hải quân
![]() |
Cướp biển Nigeria dùng tiền bất chính trang bị súng máy loại xịn - Ảnh: Russia Today |
Các chuyên gia IMB kêu gọi chính quyền Nigeria ra lệnh cho hải quân tăng cường tuần tra trên biển nhằm ngăn chặn bọn cướp biển. Mới đây, chính quyền đã cam kết sẽ đưa thêm 15 tàu tuần tra. Tuy nhiên, người phát ngôn chính quyền khẳng định hải quân không đủ sức để đảm bảo an ninh vùng biển.
Theo AFP, hải quân Nigeria hiện có 17 tàu chiến, nhưng phần lớn đều cũ kỹ và trong tình trạng ọp ẹp. Ngoài một số thuyền nhẹ, “không một chiếc tàu nào có khả năng hoạt động hết công suất”. Hải quân Nigeria đang mua hai trực thăng quân sự, một số tàu tuần tiễu và nhiều vũ khí khác, nhưng chính quyền vẫn rất thiếu các loại thuyền tuần tiễu ngoài khơi, rađa, thuyền đáy bằng có khả năng di chuyển linh hoạt trên các nhánh sông dẫn ra biển.
IMB nhận định nhiều nhóm hải tặc Nigeria được trang bị vũ khí và thiết bị còn tốt hơn lực lượng hải quân. Chúng thường di chuyển bằng canô cao tốc, sử dụng súng máy. Để tổ chức phối hợp tấn công hiệu quả với nhiều chiếc thuyền một lúc, chúng thường liên lạc qua radio cầm tay để trao đổi thông tin. Bọn chúng tự coi mình như một dạng quân đội, thường mang dấu hiệu quân đội và gọi những tay thủ lĩnh là “tướng”. Trong vụ tấn công tàu Mareena 1, chúng nói với thuyền trưởng Geoffrey là chúng không hề sợ bị bắt giữ, bởi chúng được sự bảo vệ của nhiều quan chức cấp cao Nigeria, những người mà chúng gọi là “những nhân vật cỡ bự”.
Các vụ tấn công hải tặc đã ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư dân Nigeria và hoạt động của các công ty nước ngoài tại đây. Tháng 1-2008, Công ty hàng hải Pháp Bourbon đã phải chấm dứt hoạt động trên con sông Bonny, nhánh hàng hải quan trọng cho các công ty dầu khí hoạt động ở châu thổ Niger. Các công ty dầu khí đã giảm thiểu số lượng nhân viên. Còn đối với ngư dân, cuộc sống của họ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Hồi tháng một, khoảng 200 thuyền của Hiệp hội Chủ tàu đánh cá Nigeria đã đình công để phản đối nạn cướp biển. Một người bán cá ở chợ Lagos cho biết giờ các chợ phải bán cá nhập khẩu là chính. Bất chấp cam kết đảm bảo an ninh của hải quân, ngư dân đang sợ hãi. Ngư dân Godwin bày tỏ: “Tôi sợ. Tôi đánh cá đã 15 năm và nạn cướp biển ngày càng tồi tệ. Trước đây khi chúng đến, chúng tôi đưa cá và tiền cho chúng và thế là ổn. Nhưng giờ chúng sẽ giết chúng tôi”.
Cục Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết nạn cướp biển toàn cầu bùng phát dữ dội từ năm 1993-2003, đạt đỉnh cao vào năm 2000. Nửa đầu năm 2003 là giai đoạn sáu tháng tồi tệ nhất trong thời gian gần đây, với 234 vụ tấn công, 16 người chết và 54 người bị thương. Ngoài ra, có 193 thủy thủ bị bắt làm con tin. Tuy nhiên, kể từ năm 2004-2006, số lượng các vụ tấn công của bọn cướp biển đã giảm đáng kể. Năm 2006 chỉ xảy ra 239 vụ. Đến năm 2007 và 2008, với sự trỗi dậy của hải tặc các khu vực ngoài khơi Somalia và Nigeria, đại dịch cướp biển lại trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Theo tính toán của IMB, trên thực tế chỉ có khoảng 50% vụ tấn công được báo cáo. |
--------------------------------------------------
Nạn cướp biển tại eo biển Malacca thuộc Indonesia xảy ra thường xuyên. Vùng biển này được xem là nguy hiểm nhất thế giới.
Kỳ tới:Eo biển dậy sóng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận