04/05/2012 15:02 GMT+7

Cuối tuần xem "siêu trăng" và mưa sao băng

TUẤN DUY
TUẤN DUY

TTO - Ngày 5 và 6-5, những người yêu thích thiên văn vũ trụ Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai hiện tượng thiên văn kỳ thú: "siêu trăng" và mưa sao băng Eta Aquarids.

Cơ hội ngắm mưa sao băng Lyrids

YCL9huSe.jpgPhóng to

"Siêu trăng" được nhìn thấy ở Anh hồi tháng 3-2011 - Ảnh: space.com

"Siêu trăng" (Supermoon hay Super perigee Moon, Perigee Supermoon) có thể hiểu nôm na là trăng tròn ở khoảng cách gần Trái đất nhất (perigee). Khi đó chúng ta sẽ thấy nó sáng và to hơn so với trăng tròn thông thường.

“Siêu trăng” diễn ra trung bình một năm một lần. Lần “siêu trăng” gần đây nhất vào ngày 19-3-2011, khi trăng tròn ở cách Trái đất 356.577 km.

Khoảng cách này vào ngày 6-5 sẽ là 356.953 km - khoảng cách gần nhất trong năm 2012. Theo tính toán của Space.com và NASA, thời điểm để Mặt trăng và Trái đất đạt khoảng cách này là 3g34 sáng 6-5 giờ quốc tế (10g34 sáng giờ VN). Sau đó 1-2 phút, Mặt trăng sẽ thẳng hàng với Trái đất và Mặt trời để bước vào pha tròn (full moon).

Như vậy tại Việt Nam chỉ có thể quan sát "siêu trăng" ở thời điểm lân cận, tức ngay gần sáng 6-5 khi Mặt trăng sắp lặn, và chập tối cùng ngày khi Mặt trăng dần mọc lên ở chân trời đông.

tRfwY1OC.jpgPhóng to
Kích thước của trăng tròn bình thường (trái) và "siêu trăng" (phải) - Ảnh: Wiki

Trong khi đó mưa sao băng Eta Aquarids (ETA) sẽ đạt cực điểm vào ngày 5-5, với khoảng 65 vệt sao băng/giờ trong điều kiện tối ưu (theo Tổ chức Mưa sao băng thế giới - IMO). Thời gian quan sát tốt nhất là từ nửa đêm tới rạng sáng 5 và 6-5 (giờ Việt Nam), tốt nhất là từ 4g sáng trở đi.

Người xem cần chú ý điều kiện thời tiết cũng như nơi quan sát sao cho không bị ô nhiễm sáng hay khói bụi (như ở các thành phố lớn).

Do mưa sao băng Eta Aquarids xuất hiện cùng lúc với “siêu trăng” nên số lượng sao băng quan sát được sẽ bị giảm rất nhiều, có lẽ chúng ta chỉ quan sát được một số sao băng rất sáng của trận mưa sao này.

dmcEmNFp.jpgPhóng to
Mưa sao băng Eta Aquarids bắt nguồn từ sao chổi nổi tiếng Halley - Ảnh: redorbit.com

Mưa sao băng Eta Aquarids bắt nguồn từ sao chổi nổi tiếng Halley. Điều đặc biệt là tần suất của trận mưa sao này biến đổi theo vĩ độ.

Ở Bắc Mỹ, Canada và Bắc Âu, tần suất chỉ khoảng vài vệt sao băng/giờ, ở phía nam của nước Mỹ khoảng 10-20 vệt/giờ trong một đêm tối trời. Càng đi về phía nam, nhất là ở Bán cầu nam, tần suất có thể tăng 2-3 lần so với ở Bán cầu bắc và có thể tới 65 vệt sao băng/giờ trong điều kiện tối ưu.

Như đã biết, lực thủy triều tác động lên Trái đất do Mặt trăng và Mặt trời gây ra mạnh nhất vào ngày rằm và ngày không trăng. Do đó nếu vào ngày rằm mà trăng lại ở gần Trái đất thì lực thủy triều này sẽ gia tăng, ảnh hưởng chắc chắn là có, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhỏ chứ không phải như các nhà chiêm tinh gia, tận thế khuyếch đại mà không có chứng cứ khoa học cụ thể (như gây ra núi lửa, động đất, sóng thần... ).

Ở đa số nơi, lực hấp dẫn Mặt trăng tại cận điểm tạo nên thủy triều chỉ cao hơn mức bình thường một vài centimet. Địa hình đặc trưng của một địa phương nào đó có thể khuếch đại hiệu ứng đó lên tới 15cm, nhưng nói chung không có nguy cơ lũ lụt lớn.

TUẤN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên